Sau hơn một thập niên sáng tác trên chất liệu giấy dó truyền thống, nữ họa sĩ Lê Hiền Minh đã có một triển lãm lớn với tên gọi “Dó 10”, một cách tổng kết những thành tựu nghệ thuật của cô tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (97A Phó Đức Chính, Q.1, từ 20 đến 25-7-2013).
Là con gái duy nhất của nhà nghiên cứu mỹ thuật đã quá cố Lê Dưỡng Hạo và họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, cháu ngoại của nhà văn nổi tiếng Kim Lân nên không lạ gì khi Lê Hiền Minh nối nghiệp nghệ thuật của gia đình. Cô tốt nghiệp khoa Sơn mài Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh năm 1991, sau đó sang Mỹ tiếp tục học và tốt nghiệp khoa hội họa Học viện Mỹ thuật Cincinnati (bang Ohio) năm 2004.
“Tôi chưa bao giờ chán giấy dó”
Vì sao Lê Hiền Minh lại chọn giấy dó để gắn bó suốt mười năm qua thay vì là sơn mài mà cô đã học và cũng là chất liệu mà mẹ cô đã khai thác khá thành công? Hiền Minh cho biết: “Mọi người hay hỏi tôi đã chán giấy dó chưa? Tôi chưa bao giờ thấy chán. Ngay cả bây giờ, sau một thập niên chỉ sử dụng chất liệu này cho tất cả các tác phẩm của mình, tôi cũng không có thói quen hỏi bản thân đã chán chưa. Sự hào hứng trong việc sử dụng một chất liệu quen thuộc khi bắt tay vào làm tác phẩm mới vẫn còn nguyên. Với tôi, sau mười năm, con đường đồng hành với giấy dó dường như chỉ mới bắt đầu. Điều quan trọng đầu tiên là chất liệu giấy dó phải phục vụ được yêu cầu của tôi trong sáng tác”.
Và Hiền Minh chỉ sử dụng đôi bàn tay mình khi tạo hình bằng giấy dó, bởi theo cô: “Tôi yêu thích sử dụng đôi tay của mình trong việc tạo hình vật thể mà không phải thông qua những dụng cụ khác như búa, khoan hay đục… Đôi tay của tôi và những vật thể điêu khắc phải được trực tiếp giao tiếp với nhau. Với những tác phẩm cần có khuôn như dụng cụ trung gian duy nhất thì sau khi lấy vật thể ra khỏi khuôn, tôi nhất định phải nắn chỉnh từng vật thể một bằng tay cho đến khi ưng ý. Nếu đôi tay là công cụ để đo đạc, tạo hình một cách chỉn chu cẩn thận thì thiên nhiên mang đến những yếu tố không thể lường trước, không thể điều khiển được. Với tác phẩm bằng giấy thì những yếu tố như mưa, nắng, gió, sương, độẩm… đều dễ dàng làm thay đổi hoàn toàn hình khối, màu sắc, độ dày mỏng của vật thể. Sự phóng khoáng của thiên nhiên nhiều lúc làm hỏng hết hình khối mà tôi đã dày công tạo nên. Nhưng ngẫm lại tôi yêu thích sự “tàn phá” này. Tôi yêu thích sự đối lập đó với cái đầy tính toán, đầy chỉn chu của đôi tay”.
Trong triển lãm, có một tác phẩm (qua ảnh chụp lại vì không còn tồn tại) thể hiện trọn vẹn ý tưởng đó của Hiền Minh. Với tên gọi Cơ thể, đó là một “chân dung tự họa” của cô bằng giấy dó nhưng không phải theo cách thông thường là vẽ trên giấy: cô làm khuôn tượng từ chính cơ thể mình, rồi bày nó giữa thiên nhiên của Trại sáng tác Vermont (Mỹ) mà cô tham dự năm 2010, mặc cho mưa, nắng, gió và tuyết “tàn phá” tác phẩm cho đến khi nó mục nát, phân rã. “Tác phẩm này đi sâu vào sự trải nghiệm quá trình thay đổi hình dạng bởi tác động của tự nhiên. Cơ thể con người, là một ví dụ, luôn thay đổi hình dạng qua thời gian. Ngay cả sau cái chết, cơ thể vẫn không ngừng thay đổi. Theo thời gian, sự phân hủy diễn ra cho đến một lúc nào đấy không còn nhận ra cái cơ thểấy nữa. Nó sẽ được chuyển sang những hình thái khác của vật chất như nước, đất, khí… Chứng kiến quá trình “bản thân” từ từ bị phân hủy đã mang lại cho tôi nhiều chiêm nghiệm. Đây là sự khởi đầu của một quá trình phấn đấu để tôi có những suy nghĩ tích cực, thuận theo tự nhiên. Khi tôi mải miết đi tìm sự cân bằng cho bản thân, đôi khi điều này lại có thể dễ dàng đạt được bằng chính việc thuận theo tự nhiên” – Hiền Minh nói về Cơ thể.
Một cách nhìn mới trên chất liệu truyền thống
Những suy tư, ngẫm ngợi mang tính triết học như vậy còn được cô bày tỏ ở nhiều tác phẩm khác trong tổng số 13 tác phẩm, gồm tranh và sắp đặt, chiếm trọn tầng trệt không gian trưng bày mới của bảo tàng mà riêng tác phẩm Sách từ điển đã kín một gian lớn: đó là một ngàn quyển từ điển được “tạc” bằng giấy dó và được sắp xếp tạo thành những mê lộ. Hiền Minh làm tác phẩm này để tưởng nhớ “bố Hạo, người yêu sách, thích đọc sách và mê mua sách. Bố luôn tin rằng mình có thể học hỏi được rất nhiều từ việc đọc sách; có lẽ do đó mà bố mua và đọc vô vàn thể loại. Sách còn được bố dùng phục vụ công việc nghiên cứu, ví dụ việc nghiên cứu tự học ngoại ngữ. Trong nhà chúng tôi vì vậy luôn có từ điển ngoại ngữ… Bây giờ, mỗi lần nhìn thấy loại sách từ điển này tôi lại nhớ đến bố… Khi thực hiện tác phẩm Sách từ điển này, tôi đã quyết định một ngàn quyển sách điêu khắc sẽ trống rỗng và không có chữ. Sự trống rỗng đối với tôi lúc này tượng trưng cho những ký ức về bố Hạo đã mất đi qua năm tháng. Trống rỗng cho nỗi buồn và giận rằng bao năm tôi ở bên bố bây giờ trở thành một nắm ký ức lộn xộn, lụn vụn và mỏng manh…”.
Cùng với những Đường phố, xe cộ, người, mưa và Nhà, Hạt, Trứng, Sâu, Chim…, “Dó 10” tái hiện những giai đoạn sáng tác của Hiền Minh, từ thời kỳ thử nghiệm ban đầu cho đến khi đã nhuần nhuyễn về kỹ thuật trong cách sử dụng và tái tạo “một cách nhìn mới trên chất liệu giấy dó”. Theo cô: “Qua những thời kỳ trên, dù ý tưởng của từng tác phẩm đều khác nhau nhưng trên phương diện tổng quát thì tất cả đều thể hiện những gì gần gũi với tôi, phản ánh những gì đã và đang xảy ra với tôi. Có thể đấy là về một sự mất mát, một ký ức của cá nhân như tác phẩm Sách từ điển. Có thể đấy là về một cảm nhận lơ lửng không biết mình thuộc về nơi chốn nào như tác phẩm Chim. Hoặc có thể đấy là về những tiềm thức mơ hồ mà bản thân tôi đến hôm nay vẫn chưa rõ. Đến một thời điểm nào đấy, tác phẩm bằng giấy sẽ được phân rã hoàn toàn. Như chính bản thân, tôi được sinh ra, lớn lên, già đi rồi sẽ quay về với đất mẹ. Tôi và tác phẩm cùng tuân theo một vòng đời tự nhiên”.
Riêng tác phẩm Chim đã được cô mượn lại từ Bảo tàng Incheon mang về trưng bày dịp này; đây là thành quả khi cô được mời dự Triển lãm lưỡng niên quốc tế các họa sĩ nữ tại Hàn Quốc năm 2009. Chim được tạo hình bằng bột mì xứ Hàn và giấy dó Việt Nam.
- Như Hoa