Tình trạng lãng phí đồng tiền nhà nước vẫn tiếp diễn nghiêm trọng mặc dù Chính phủ đã có rất nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng không mang lại hiệu quả bao nhiêu. Tuần qua Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã yêu cầu Chính phủ báo cáo rõ, cụ thể với Quốc hội các tổ chức và cá nhân sai phạm.
Theo báo cáo của cơ quan thẩm tra, bộ máy nhà nước còn cồng kềnh không chỉ gây kém hiệu quả mà còn là gánh nặng của chi ngân sách quốc gia, tỷ lệ chi thường xuyên trong tổng chi đến 67,7%.
Lãng phí, thất thoát trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản được nhìn nhận là vẫn còn nhiều và chậm được khắc phục.
Tình trạng sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách Nhà nước xảy ra trong hầu hết các khâu của quá trình đầu tư chưa có giải pháp khắc phục hữu hiệu, gây thất thoát, lãng phí ngân sách – cơ quan thẩm tra đánh giá như vậy.
Một số dự án sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước lãng phí, hiệu quả kém cũng được điểm danh, qua dư luận và phản ánh của người dân.
Như đường sắt cao tốc Cát Linh – Hà Đông thi công chậm chạp so với mục tiêu ban đầu, chi phí xây dựng đội lên cao so với dự toán, gây lãng phí tiền, tài sản Nhà nước.
An toàn lao động trong thi công không được nhà thầu bảo đảm dẫn đến nhiều vụ tai nạn gây thiệt hại về người và tài sản trong thời gian qua.
Một vài dẫn chứng khác là Bảo tàng Hà Nội qua gần năm năm đi vào hoạt động hiệu quả sử dụng rất thấp.Rồi dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 trên 8.000 tỉ đồng vẫn đắp chiếu sau gần 10 năm thực hiện. Ký túc xá sinh viên tại Hà Nội và một số tỉnh thành không có sinh viên sử dụng…
Đồng tình với yêu cầu xử lý nghiêm minh trách nhiệm của người đứng đầu của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga điểm danh thêm một số dự án được dư luận đề cập về lãng phí trong mấy tháng qua. Đó là gang thép Thái Nguyên, đạm Ninh Bình, xơ sợi Đình Vũ hay xăng ethanol ở một tỉnh phía Bắc.
Ủy ban cho rằng cần xem xét việc bổ nhiệm cán bộ, xem những người có trách nhiệm tại các dự án có biểu hiện thất thoát lãng phí đã được điều động đi đâu và làm gì?
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu góp ý, cần phân tích rõ hơn những vấn đề người dân băn khoăn.
Một số ý kiến khác cũng đề cập đến lãng phí lớn về nguồn nhân lực từ khâu quy hoạch, đào tạo cho đến sử dụng.
Cơ quan thẩm tra cho rằng, tâm lý tiêu dùng của một bộ phận nhân dân còn thực dụng, phô trương, hình thức, tiêu dùng vượt quá mức thu nhập bình quân, sính hàng ngoại. Còn tình trạng tổ chức cưới xin linh đình, gây lãng phí và tạo dư luận tiêu cực trong xã hội.Cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chưa thực sự đi vào cuộc sống.
Một trong những biểu hiện rõ nét hơn cả là tình hình lãng phí về xe công. Hai tuần lễ trước đây, người dân ở ấp Mỹ Khánh, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi xôn xao bàn tán khi có hàng chục xe biển xanh đi về dinh thự của ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh ăn tiệc.Đầu năm nay, một câu chuyện tương tự cũng đã xảy ra tại Sóc Trăng. Bê bối trong quản lý, sử dụng xe công ở nhiều địa phương đáng phải báo động.
Kết quả kiểm tra, rà soát, sắp xếp về xe công của Bộ Tài chính với một số bộ, ngành, địa phương gần đây cho thấy tình trạng buông lỏng quản lý xe công, sử dụng xe công bừa bãi, mua sắm sai tiêu chuẩn, định mức xe công theo quy định của Chính phủ đang diễn ra rất nghiêm trọng.
Kết quả bước đầu đợt rà soát xe công của tất cả các bộ, ngành, địa phương mà Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính đang thực hiện cho thấy, lượng xe công dư thừa cả nước hiện nay khoảng 7.000 chiếc, là một con số quá lớn trong tình hình ngân sách đang bị bội chi và nợ công đã vượt mức cho phép.
Dẫn đầu trong số này là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (thừa 176 xe), Bộ Công thương (thừa 57 xe), hệ thống công đoàn của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (thừa 82 xe), tỉnh Bình Thuận (thừa 29 xe), tỉnh Quảng Ninh (thừa 73 xe)…
Mặc dù số lượng xe công dư thừa lớn như vậy nhưng nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn đề nghị cho mua xe mới.
Lượng xe dư thừa so với định mức, tiêu chuẩn mà Thủ tướng Chính phủ đã quy định trong Quyết định số 32/QĐ-TTg về mua sắm, quản lý sử dụng xe công chủ yếu do nhiều bộ, ngành địa phương xác định sai tiêu chuẩn, định mức ở các đơn vị, các chức danh hoặc đã mua mới để thay cho xe cũ nhưng lại không tổ chức thanh lý.
Để xử lý tình trạng này, Bộ Tài chính đã liên tục có các công văn gửi các bộ và chính quyền địa phương yêu cầu rà soát, sắp xếp lại, điều chuyển sang nơi thiếu xe và thanh lý các loại xe hết khấu hao, đã chạy quá thời hạn.
Theo yêu cầu của Chính phủ, trong quý I-2016, các bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành báo cáo tổng hợp, rà soát xe công nhưng đến nay vẫn còn khoảng 30% bộ, ngành, địa phương chưa gửi báo cáo về cho Bộ Tài chính tổng hợp.
Đến cuối tháng 6, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện và báo cáo chính thức với Thủ tướng tình hình chung về mua sắm, quản lý, sử dụng xe công của cả nước. Bộ Tài chính cho hay các tỉnh, thành, bộ ngành nào còn chưa báo cáo sẽ bị nhắc nhở, kiểm điểm và sẽ không được xem xét cho mua xe mới.
Theo số liệu của Cục Quản lý công sản, hiện cả nước có khoảng 40.000 xe công, tổng chi phí cho số xe công hoạt động trong một năm bao gồm nhiên liệu, chi phí bảo dưỡng, tiền lương cho lái xe… khoảng 13.000 tỉ đồng/năm. Hiện có khoảng 30% số xe công đến hạn thanh lý với số lượng lên tới trên 11.000 chiếc.
Theo tính toán của Cục Quản lý công sản, tổng chi phí cho một chiếc xe công/năm là khoảng 320 triệu đồng. Một số cơ quan đơn vị đã áp dụng cơ chế khoán xe công nhưng rất ít người đăng ký dù có nơi khoán 10 triệu đồng/tháng.
Trong báo cáo mới nhất, Bộ Tài chính cũng cho biết, năm 2015, các cơ quan, đơn vị trong cả nước đã mua mới 611 xe ôtô với tổng giá 603 tỉ đồng.
Chế độ xe công hiện nay rất khó thay đổi do tâm lý đặc quyền, đặc lợi của quan chức được sử dụng.
Gia Minh (DNSGCT)