Không ít người già trẻ đang góp nhặt quá khứ khác nhau về cuộc chiến 45 năm trước. Vào sáng Chủ nhựt, tại chợ đồ cổ Cao Minh, quận Bình Thạnh, người ta có thể tìm thấy đủ loại trang phục mũ nón, bình toong, giày dép, bản đồ quân sự Mỹ – Việt.
Trong khi ấy, tại Little Saigon – California (Hoa Kỳ), có một phòng trưng bày sưu tập cá nhân về chứng tích đủ loại binh chủng hải-lục-không quân của Việt Nam Cộng hòa. Còn tại nước Úc xa xăm, mới đây tôi gặp một ông cụ hơn 80 tuổi, người Vĩnh Long, có hẳn một “bảo tàng” về chiến tranh Việt Nam tại nhà.
Kỷ vật người lính ở cả hai phía
Ngôi nhà của cụ Nguyễn Bá Nghiệp ở thành phố nhỏ Adelaide, khoảng 300m2, tràn ngập nhiều gian là đồ xưa. Trong đó, nhiều nhất là kỷ vật người lính. Đập vào mắt tôi là chiếc tủ lớn đựng quân phục, lễ phục từ sĩ quan đến binh nhì của cả hai phía – kaki Mỹ và kaki Nam Định. Trên nóc tủ là một dãy nón sắt, kê-pi, bê-rê, nón cối; kế bên là giày trận, dép râu, ống nhòm, súng AR15, súng AK. Trên tường là những khung kiếng giới thiệu các loại “mề đai”, cầu vai, “lon” gắn ve áo… của quân lực Việt Nam Cộng hòa. Ở các hộp kiếng khác là các loại huy chương, quân hiệu, quân hàm, giấy khen của “bộ đội Việt Cộng”.
Ông cụ còn có hai tủ sách lớn, gồm nhiều sách ảnh, kỷ yếu trường võ bị và các quân binh chủng, hồi ký các tướng lãnh, sách quân sử. Kể cả các sách lịch sử chiến tranh của hai phía Việt Nam và Pháp, Mỹ – xuất bản trước, sau 1975 ở Việt Nam và nước ngoài. Thêm nữa, lặng lẽ, những bao thuốc lá, những bình toong, tấm thẻ bài ghi tên người lính miền Nam, đặt cạnh những vật dụng thiết thân của bộ đội miền Bắc…
Ông cụ dành một góc trang trọng trưng bày các tài liệu về cuộc hải chiến Hoàng Sa tháng 1-1974. Thật quý hiếm, ngoài các tập tài liệu về Hoàng Sa của Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa, ông còn sưu tầm được một tập sách in ronéo – ghi chép thời tiết từng ngày của Đài Khí tượng Hoàng Sa từ những năm 1930. Càng quý hơn nữa là những tờ thư báo tử và chia buồn ghi tên các chiến sĩ hải quân hy sinh trong trận hải chiến đầy bi tráng ấy. Ngay cạnh góc đặc biệt đó, ông cụ đặt một tủ kiếng lớn lưu giữ các tượng Đức Thánh Trần và nhiều tài liệu, hình ảnh kỷ vật của hải quân. “Tôi cũng từng là lính hải quân”, ông cụ cười một cách hồn hậu khi phải nói về mình.
Không dễ khép vết thương lòng
Khi xưa, ông cụ là sĩ quan giám lộ (giám sát lộ trình) trên chiến hạm Việt Nam Cộng hòa. Tháng 4-1975, ông không “di tản” theo hạm đội mà ở lại vì thương gia đình. Thế rồi, như nhiều đồng đội khác, ông đi học tập cải tạo, lao động nơi rừng núi. May mà hơn một năm sau, ông có người thân đi tập kết bảo lãnh ra trại. Tuy nhiên, khi quay về thành phố thì “nhà tôi đã thành nhà tập thể của cơ quan…”, ông cụ nói. Ông phải xuống ở tại garage của “nhà tập thể”. Cho đến một ngày, không chịu được, ông cùng bạn bè kiếm tàu đi vượt biên. Chiếc tàu mà ông tham gia lái, may mắn đến được Úc vào năm 1977. Người Úc hỏi ông có muốn gia nhập hải quân của họ không, ông ngần ngừ rồi chọn nghề thuyền trưởng ngư nghiệp chứ không tham gia binh nghiệp nữa…
Hơn 30 năm lăn lộn ngành ngư nghiệp và sau này là nông nghiệp, ông tìm được nhiều niềm vui chưa từng có với sông nước, ruộng đồng và trang trại. Thế nhưng, nỗi đau chiến tranh vẫn còn âm ỉ trong lòng. Và kỳ lạ, ở tuổi năm mươi, trước lúc về hưu, khi cuộc sống gia đình đã yên ổn, ông bắt đầu ham thích sưu tầm các kỷ vật chiến tranh. Trước nhất là kỷ vật về đồng đội của ông. Ông đi xin của bạn bè, người quen và đặt mua trên mạng từ giấy tờ, sách vở đến huy chương, đồng phục…
Thế nhưng, chính những người Úc trong các hội chơi cổ vật và hội cựu chiến binh, khuyên ông không thể chỉ sưu tầm và tìm hiểu “một phía của cuộc chiến”. Họ nói, ông phải nhìn lại quá khứ từ nhiều mặt. Cuộc chiến qua rồi, mở ra nhiều nguồn tư liệu phong phú. Cũng vì lẽ đó, trong những lần về Việt Nam, ông không chỉ thăm họ hàng mà còn rong ruổi từ Nam ra Bắc, tiếp xúc với nhiều người quen mới bằng đôi mắt rộng mở.
Bằng tấm lòng chân thực, không định kiến, dần dần nhiều bạn bè trong nước giúp ông có thêm những kỷ vật, tài liệu chiến tranh từ cả hai phía. Khi nghe ông nói về ý định hình thành một bộ sưu tập lịch sử chiến tranh Việt Nam, các bạn ở Hà Nội đã tặng cho ông những bộ quân phục và kỷ vật thời chiến. Và rồi, không chỉ kỷ vật chiến tranh. Khi tìm về “dấu binh lửa”, ông lại nhận ra phía sau cuộc chiến là đất nước mình, là văn hóa mình với bao điều hay đẹp mà ông chưa từng khám phá.
Thế là ông bắt đầu chuyển hướng kho “bảo tàng” của mình. Ông tìm kiếm và “nhặt nhạnh” thêm một số lượng đáng kể các hiện vật và sách báo quý giá về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Đó là những sắc phong của vua, những chiếc kim khánh của nhà Nguyễn, những chiếc nón lá bịt đồng và những tranh tượng dân gian.
Ông có bộ sưu tập đủ các loại tiền giấy Việt Nam từ trước 1945 đến giờ. Ngoài ra, ông còn sưu tập nhiều bản đồ phương Tây xưa về châu Á và Việt Nam. Trong hồ sơ của ông có khá nhiều giấy tờ bằng khoán ruộng đất, công khố phiếu thời Pháp và Việt Nam Cộng hòa, kể cả các loại tem phiếu thời bao cấp của miền Bắc. Bạn bè từ ba miền tiếp tục gởi tặng và tìm mua cho ông sách vở, giấy tờ, tranh ảnh, vật dụng độc đáo.
Đầm ấm giấc mơ tương lai
Ông cụ nói, Chúa cho sống bao nhiêu năm nữa thì ông vẫn dùng trọn thời gian đó để săn lùng, tìm kiếm kỷ vật, tài liệu về cuộc chiến và đất nước Việt Nam. Ông quan niệm “chơi cổ vật” không chỉ cho mình và con cháu mà còn cho nhiều người quan tâm quá khứ. Các bộ sưu tập của ông, có đến hàng ngàn hiện vật, hẳn trị giá triệu đô Úc.
Nhưng ông cụ cam kết sẽ để lại phần lớn cho dự án Viện Bảo tàng Việt Nam tại Úc. Đây là dự án được Chính phủ Úc và cộng đồng người Việt hỗ trợ, dự kiến sẽ đặt ở thành phố Melbourne. Ông mong mỏi viện bảo tàng sẽ giới thiệu toàn bộ các bộ sưu tập của ông, không bỏ sót hiện vật và thông tin từ bất cứ phía nào. Ông không phải sử gia mà chỉ là người học sử nhưng theo ông, lịch sử nào cũng cần được tái hiện đầy đủ, công bằng và trung thực.
Tôi lặng yên, thầm nghĩ, không biết ngày xưa khi ở trong trại cải tạo hay những lúc hiểm nguy trên sóng biển vượt biên, ông và những người cùng trang lứa, cùng hoàn cảnh, đã nghĩ về tương lai như thế nào? Giờ đây, sau 45 năm và sắp hết đời người, các thế hệ “lâm chiến” có tạm lắng vinh quang hay hờn đau khi nhìn về tương lai con cháu và quê hương? Ở phía nào đi nữa, đầu bạc hay đầu xanh, đều từng nói đến hòa bình thì trước nhất phải hòa bình với quá khứ bằng những hành động cụ thể.
Hãy đừng gọi nhau là bên thắng hay bên thua, đừng coi nhau là “ngụy”, đừng xem nhau là thù. Đừng nghĩ hiện tại và tương lai là mãi mãi “bất cộng đái thiên”. Hãy tôn tạo những nghĩa trang sau chiến tranh vẫn còn hoang phế; hãy chăm sóc thương binh, nạn nhân chiến cuộc nhiều phía… Hãy dành những phán xét cuối cùng cho những nhân vật và sự kiện chiến tranh, khi các kho tài liệu lưu trữ sau 50 năm đến lúc giải mật đầy đủ. Và rồi, sẽ đến một ngày, không chỉ một Viện Bảo tàng Việt Nam ở Úc mà hàng chục, hàng trăm Viện Bảo tàng Việt Nam trên khắp thế giới, không những giới thiệu đầy đủ cuộc chiến từ nhiều phía mà còn phản ánh lịch sử toàn diện và sâu sắc của đất nước và con người Việt Nam.
Những viện bảo tàng, những góc lưu niệm như thế trong các phố phường và trong tim, chính là nơi gặp gỡ của những tâm hồn cùng chung ước mơ kiến tạo một xứ sở hiền hòa, một dân tộc khoan dung.
Khi ra về, cụ Nguyễn Bá Nghiệp siết chặt tay tôi, lan tỏa một ước mơ giản dị và đầm ấm. Vào những ngày COVID-19 này, chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc qua facebook, trao đổi tiếp câu chuyện lịch sử từ xa vạn dặm. Chúc cụ an toàn và an vui!