Doanh nghiệp Việt ồ ạt đăng ký làm vệ tinh cho Tập đoàn Samsung cho thấy mong muốn tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu là thật, còn sự cởi mở của Hàn Quốc thì chưa thể kiểm đếm.
Thị trường công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Thái Lan chỉ thực sự mở ra khi 17 hãng sản xuất ôtô lớn trên thế giới đặt hàng hồi thập niên 90 của thế kỷ trước, trong đó Toyota của Nhật Bản chiếm vị trí lớn nhất. Đến năm 2012, Thái Lan có 635 nhà cung ứng cấp 1 (chiếm 65%) là doanh nghiệp (DN) bản địa hoặc liên doanh với nước ngoài có cổ phần chi phối của người Thái và khoảng 1.700 nhà cung ứng cấp 2 là người Thái.
Việt Nam đang trong bối cảnh tương tự Thái Lan thời điểm kêu gọi FDI để phát triển CNHT. Nhưng đến nay, Samsung, tập đoàn đóng vai trò đi đầu trong việc đưa Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất trong tám tháng đầu năm 2014 tại VN, cũng chỉ có bảy DN nội địa trong số gần 100 đối tác cung cấp linh kiện cho các nhà máy tại Bắc Ninh và Thái Nguyên, chủ yếu làm bao bì, đóng gói. Vấn đề được dư luận chú ý nhiều hơn khi Samsung công bố kế hoạch phát triển 200 DN làm sản phẩm phụ trợ, kèm theo đó là các tiêu chí với nhà cung cấp.
Lòng tin chưa định hình
Có hơn 500 DN trong CNHT của VN quan tâm thực sự đến việc tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung. Nhưng hầu hết cho rằng, khó đạt được tám yêu cầu (công nghệ, chất lượng, sự đáp ứng, giao hàng, giá cả, môi trường, tài chính, luật) và 13 mục cần tuân thủ (năm mục về lao động/quyền con người và tám mục về môi trường và an toàn) của tập đoàn này, nếu Samsung chưa đưa ra danh mục sản phẩm, giá cả cụ thể và nhà nước không hỗ trợ vốn và công nghệ.
Tuy nhiên, hiện vẫn có những DN chỉ muốn hợp tác ở dạng cung cấp sản phẩm nếu Samsung đảm bảo được điều kiện DN đưa ra. Công ty cổ phần Tiến Thành (Bắc Ninh) nằm trong số ít này và đã nộp đầy đủ hồ sơ đăng ký làm bao bì cho Samsung. Ông Nguyễn Văn Thành – Tổng giám đốc công ty cho biết là đã từng làm bao bì cho nhiều DN nước ngoài nên có thể đáp ứng được các tiêu chí của Samsung. Nhiều doanh nghiệp kêu thiếu vốn, nhưng theo ông Thành vốn không phải là vấn đề khó nhất bởi có thể vay ngân hàng, nên “chúng tôi chỉ làm hàng khi thỏa mãn yếu tố giá”, ông Thành nói.
Một nền CNHT theo kinh nghiệm các nước đi trước được hình thành bởi ba yếu tố: Thứ nhất là sự nghiên cứu phát triển. VN không có nhiều thế mạnh về vấn đề này, các nghiên cứu lâu nay thường thuần về mặt khoa học và kỹ thuật mà không gắn với DN, không do DN đặt hàng hoặc ngược lại. Thứ hai là làm thương hiệu. Đến nay VN vẫn chưa có sản phẩm công nghiệp chủ lực để phát triển thành thương hiệu quốc gia. Thứ ba là nguồn nhân lực có đào tạo. Trong công nghiệp nói chung, CNHT nói riêng, quan trọng nhất là nhân lực công nghiệp chế tạo máy, thì VN có khoảng 20.000 tiến sĩ và trình độ sau đại học nhưng không có các tổng công trình sư, nên không làm chủ được công trình. Một khi người Việt không làm chủ được công trình, người nước ngoài sẽ làm chủ và họ chia các hạng mục cho “chân rết” của mình.
Lãnh đạo một DN cho hay, việc muốn tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung là có thật, còn sự cởi mở của Samsung thật hay không thì chưa khẳng định được. Samsung có công nghệ, thiết bị hiện đại, trình độ quản lý cao hơn hẳn DN Việt, nhưng cũng không loại trừ yếu tố “thông qua các DN thân hữu của mình để gửi giá”. Ví dụ, giá thành một con ốc vít do DN Việt sản xuất có thể lên tới 10 đồng, còn họ hoặc các DN thân hữu chỉ sản xuất hết 7 đồng, nhưng họ sẵn sàng mua tới 9 đồng, như vậy vẫn gửi được 2 đồng.
Lãnh đạo DN này nói “cuộc chơi” này mình không “kiểm đếm được sự chân thật” của phía nhà đầu tư nước ngoài, có thể đây chỉ là “động thái làm vui lòng các nơi họ làm ăn”. Ẩn sau đó là mong muốn làm ăn với “anh em trong nhà là chính”, bởi trình độ quản lý của DN Việt chưa tương xứng, chưa hòa nhập được về văn hóa, sự hòa đồng.
Dẫn chứng cho thấy, các cuộc họp thường kỳ đánh giá đầu tư của các DN làm CNHT cho Samsung tại Bắc Ninh ghi nhận không có sự tham gia của DN Việt. Nhiều sản phẩm DN Việt có thể làm được nhưng họ không thuê. Ngay cả các sản phẩm vỏ điện thoại, tai nghe, loa… cũng chủ yếu do các DN Hàn Quốc và một ít các DN Đài Loan sản xuất.
Mỗi bên đều đưa ra những phân tích dựa trên lý lẽ của mình. Nếu nhìn nhận Samsung dưới góc độ một tên tuổi hàng đầu thế giới, các yêu cầu về chuỗi sản xuất khắt khe là đương nhiên. Với tốc độ phát triển hiện nay của nền kinh tế thế giới, người mua sẽ không bỏ tiền đầu tư cho DN Việt sản xuất và bởi có quá nhiều các nhà cung ứng khác đang có mặt. Còn ở VN cũng đã qua rồi thời nhà nước đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm.
Vì vậy, nếu chúng ta chưa nhận được sự tin tưởng của Samsung thì “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. CNHT chưa phát triển cũng đang làm cho các nhà đầu tư Nhật Bản nản lòng và tỏ ý muốn trở lại Thái Lan khi nước này trở lại ổn định sau khủng hoảng chính trị vừa qua. Trong khi đó, các tiêu chí của Samsung đưa ra không quá “khó” như nhiều đại diện DN Việt nhận định, bởi đó cũng là một phần nội dung các cam kết DN Việt phải thực hiện khi một loạt hiệp định thương mại được ký và có hiệu lực trong tương lai gần, đặc biệt là TPP.
Thị trường đã mở
Năm 2014, Microsoft có kế hoạch chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại di động Nokia ở Trung Quốc, Hungary và Mexico về VN. Tập đoàn Intel cũng chuyển nhà máy từ Malaysia và Costa Rica về VN để sản xuất 80% chip điện tử cho toàn cầu. Trong khi LG đầu tư mạnh cho Hải Phòng, thì Samsung cũng cấp tập đầu tư vào Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP. Hồ Chí Minh. Các tập đoàn lớn trên thế giới chọn VN làm cứ điểm sản xuất, GS-TSKH Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho đó là cơ hội để DN Việt tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở góc độ, phân khúc tương đối cao.
Trong nền kinh tế còn quá nhiều các DN nhỏ lẻ như VN cũng là điểm không thuận lợi. Phải phát triển nhiều DN có quy mô lớn thì mới đủ sức khởi động một thị trường. Theo GS Nguyễn Mại, phát triển CNHT cho bất kỳ sản phẩm nào cũng phải có quy mô nhất định. Chẳng hạn, Samsung sản xuất ở VN là 200 triệu điện thoại di động thì DN làm một cái ốc vít cũng phải làm tới 200 triệu cái, một cái bao bì cũng phải làm tới 200 triệu sản phẩm… Đồng thời, tình hình bây giờ đã khác cách đây 3-4 năm, khi đó, VN chưa biết chọn lĩnh vực nào để phát triển mũi nhọn, thì bây giờ với sự đổ bộ của Samsung, LG, Nokia, Intel… thì mục tiêu chọn công nghiệp điện tử để phát triển CNHT đã rõ nét hơn.
Một thực tế phải thừa nhận, nhiều DN Việt chưa biết gì về sản phẩm phụ trợ ngành điện tử hay công nghệ cao. Ngay như việc Samsung đưa ra tiêu chí sản phẩm, một số DN mới bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu, như vậy phải vài ba tháng mới có thể xem có đáp ứng được các tiêu chí đó hay không. Bối cảnh đó, muốn phát triển CNHT, lãnh đạo một DN cơ khí cho rằng “không cách nào khác là nhà nước phải đầu tư”. Giải pháp được vị này đề xuất là chọn một số DN tạo mọi điều kiện, đầu tư vốn, đào tạo nhân lực để DN đủ sức làm hỗ trợ cho Samsung. Sau khi DN hoạt động tốt, Nhà nước cho cổ phần hóa và rút vốn về, như vậy, chắc chắn DN Việt sẽ làm được.