Thời gian gần đây có một loại cây trồng được quảng bá rầm rộ trên các phương tiện truyền thông, đó là mắc-ca (macadamia) mà rất nhiều người lần đầu được nghe nói đến, nhưng qua các tài liệu phổ biến được gọi ví von là “cây tỉ đô” có thể làm đổi đời người nông dân và là cơ hội cho các nhà đầu tư.
Thông tin từ hội thảo lớn về phát triển mắc-ca tại Tây Nguyên diễn ra ở Đà Lạt ngày 7-2 do Ban Kinh tế Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, UBND tỉnh Lâm Đồng chủ trì cho thấy cây mắc-ca được du nhập vào Việt Nam từ những năm 2000, nay các nghiên cứu đã khẳng định đây là cây công nghiệp thích hợp cho vùng Tây Bắc và Tây Nguyên.
Hiện nay, diện tích trồng mắc-ca của cả nước khoảng 1.600ha, đứng vị trí thứ 11 trong số những quốc gia trồng loại cây này. So với cây cà phê có thể khai thác khoảng 20 năm thì mắc-ca có tuổi đời dài hơn, trồng một lần có thể thu hoạch cả năm bảy chục năm, hạt mắc-ca có hàm lượng dinh dưỡng cao, được sử dụng trong một số lĩnh vực như thực phẩm, mỹ phẩm…
Theo tính toán của các nhà chuyên môn, mỗi ha trồng mắc-ca có thể cho 3 tấn hạt, với giá 3,5 USD/kg hạt thì người trồng có thể thu được 200 triệu đồng/ha. Và Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành nước sản xuất mắc-ca hàng đầu trên thế giới nếu phát triển cây này trong tương lai.
Mắc-ca hiện là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao với nhu cầu lớn trên thị trường thế giới, đã được trồng thử trong nước từ hơn một thập niên trước. Các đánh giá cho thấy Tây Nguyên và Tây Bắc là hai khu vực thích hợp nhất để trồng mắc-ca. Đặc biệt là Tây Nguyên, việc trồng thử nghiệm đã đem lại những kết quả khả quan, với năng suất khá cao. Tính đến tháng 9-2014, diện tích trồng mắc-ca tại Kon Tum là 50ha, Gia Lai 80ha, Đắk Lắk 500ha, Đắk Nông 600ha và Lâm Đồng 400ha.
Có thể khẳng định lợi thế của cây mắc-ca tại Tây Nguyên là rất lớn, khi vừa có thể trồng xen với cà phê, chè, vừa có thể trồng tập trung thành rừng công nghiệp. Đồng thời, một số mô hình trồng mắc-ca xen cà phê được người dân đánh giá cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với cây cà phê, do mắc-ca chịu hạn tốt, ít tốn công chăm sóc và hiện chưa phát hiện sâu bệnh gây hại.
Hiện Tây Nguyên có 450.000 hécta cà phê nhưng 100.000 hécta đang trong tình trạng già cỗi, thoái hóa cần phải thay thế và người ta đã nghĩ đến cây mắc-ca với kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cà phê. Nếu chế biến từ hạt sang đóng gói nhân hạt mắc-ca với giá bán hiện nay khoảng 15-18 USD, thậm chí có thời điểm lên đến 30 USD/kg. Còn nếu để chế biến thành các loại bánh kẹo, đồ hộp, giá trị sẽ cao gấp ba lần giá trị hạt nhân và nếu chế biến sang hàng hóa mỹ phẩm thì giá bán tăng lên gấp 20 lần, tương đương 280 USD/kg.
Xét về triển vọng thì nhân hạt mắc-ca ngon, nhiều dinh dưỡng nên nhu cầu hằng năm của thị trường thế giới và Việt Nam rất lớn, cung không đủ cầu, giá bán vẫn cao.
Cây mắc-ca ghép sau khi trồng từ ba đến bốn năm đã cho quả, sau sáu năm có năng suất đáng kể và được tính là năm bắt đầu đi vào sản xuất. Đến năm thứ 12-15 năng suất hạt khoảng 3 tấn/ha, năng suất nhân hạt đạt 1 tấn/ha, với giá bán khoảng 700 ngàn đồng/kg thì giá trị sản xuất rất lớn.
Đến thời kỳ định hình, năng suất hạt có thể đạt 5 tấn/ha, khi đó thì mắc-ca có thể tạo ra giá trị trên 1 tỉ đồng/ha/năm, cao hơn hẳn giá trị của nhiều loại cây trồng khác.
Sau hơn cả chục năm cây mắc-ca được đưa vào trồng trong nước, đến thời điểm này, có thể nói Việt Nam bắt đầu nghĩ đến việc hình thành một “ngành kinh tế mắc-ca”. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng cần phải khắc phục một số điểm yếu đang tồn tại thì mới cho thấy cây mắc-ca có thể mang lại cơ hội tốt – cho người nông dân nói riêng và ngành xuất khẩu của chúng ta nói chung – hay không.
Đó là bài toán về quy hoạch vùng chuyên canh cũng như đồng vốn đầu tư cho chi phí công nghệ để cây mắc-ca có được giá trị của hàng hóa, nghĩa là phải khép kín chuỗi giá trị từ nghiên cứu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ.
Đó còn là trình độ quản lý của các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, chưa có nhiều chuyên gia về cây mắc-ca, còn chuyên gia về sản phẩm mắc-ca thì vẫn còn quá hiếm, người dân chỉ biết sơ lược qua các tài liệu quảng bá.
Bên cạnh đó cần sự tham gia của ngân hàng với cơ chếưu đãi, bởi yêu cầu của dự án ứng dụng công nghệ cao là vốn nhiều, quy mô lớn nhưng khả năng thu hồi vốn lâu, trong khi đó ngân hàng là kênh dẫn vốn chính của nền kinh tế hiện nay. Một số chuyên gia cũng đã đặt ra tầm nhìn là 10 năm nữa, cây mắc-ca có thể mang lại thu nhập cả tỉ USD cho Việt Nam. Để tầm nhìn đó trở thành hiện thực, chúng ta phải xác định chiếc chìa khóa vàng là công nghệ.
Từ năm 2004, Chính phủ Úc từng hỗ trợ phát triển cây mắc-ca cho Việt Nam thông qua dự án CARD 037/05VIE. Vào cuối năm 2013, trong một nghị định khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp – nông thôn có ghi rõ: “Nhà đầu tư có dự án trồng cây dược liệu, cây mắc-ca quy mô từ 50ha trở lên được ngân sách nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng/ha để xây dựng đồng ruộng, cây giống. Hỗ trợ xây dựng cơ sở sản xuất giống cây mắc-ca quy mô 500.000 cây giống/năm trở lên, mức hỗ trợ tối đa là 70% chi phí đầu tư/cơ sở và không quá 2 tỉ đồng”.
Mới đây, tại hội thảo phát triển cây mắc-ca, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, Trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên, cho rằng đây là địa bàn chiến lược về kinh tế – xã hội và an ninh quốc phòng nên đã yêu cầu cơ quan này phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm đề xuất Chính phủ bổ sung mắc-ca là cây công nghiệp chiến lược mới. Đồng thời, ban hành các chủ trương, chính sách khuyến khích trồng, tiêu thụ sản phẩm của loại cây này.
Ông cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thúc đẩy nhanh xây dựng một chương trình quốc gia về phát triển cây mắc-ca tại Việt Nam, trên cơ sở phối hợp với các địa phương có tiềm năng như các tỉnh Tây Nguyên, chú trọng trồng và sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và khai thác đồng bộ chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ và tận thu sản phẩm từ mắc-ca.
Ông còn đề nghị Bộ Công thương nghiên cứu và sớm ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vốn, công nghệ sản xuất và chế biến mắc-ca, cũng như tiến hành xúc tiến thương mại cho sản phẩm mắc-ca Việt Nam. Đồng thời, đề nghị Ngân hàng Nhà nước xây dựng chính sách ưu đãi về nguồn vốn để triển khai các sản phẩm tín dụng cho phát triển mắc-ca.
Đó là chuyện của ngày mai.
Trong khi đặt kỳ vọng vào cây mắc-ca thì chúng ta cũng cần nhìn lại những kinh nghiệm về chủ trương phát triển một số cây công nghiệp ở nước ta chỉ mang lại kết quả tốt sau khi phải trả giá cho những nghiên cứu chưa được chu đáo.
Đó là trường hợp cây đay được khuyến khích trồng ở một số địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào đầu thập niên 1990, khi nhà máy đay Ghandi hứa bao tiêu sản phẩm phục vụ nhu cầu bao bì xuất khẩu gạo dẫn đến tình trạng nông dân liên tục nhiều vụ mùa “bỏ lúa trồng đay, bỏ đay trồng lúa”.
Đó là số phận của cây cà phê, cây điều khi chưa có hiệp hội chuyên ngành tham gia vào quá trình tiêu thụ, đưa lên sàn giao dịch quốc tế giúp người nông dân làm chủ sản phẩm của mình làm ra.
Đó cũng là trường hợp cây mía đã từng làm người nông dân điêu đứng mà nay hậu quả vẫn còn…
Với cây mắc-ca, những tiếp cận ban đầu cần làm rõ tiềm năng thị trường hiện tại và tương lai một cách cụ thể để người nông dân và nhà đầu tư “một lòng một dạ” đặt niềm tin lâu dài. Các công ty bảo hiểm nông nghiệp có sẵn sàng chia sẻ những rủi ro chưa, cũng như người ta chờ đợi chủ trương của Ngân hàng Nhà nước và tiếng nói của hệ thống ngân hàng sẵn sàng ủng hộ cho sự hình thành một vùng trọng điểm cây mắc-ca như mong ước.
Ngọc Anh (DNSGCT)