Phía EU và Việt Nam đang thảo luận các vấn đề còn tồn tại liên quan tới Hiệp định thương mại tự do giữa hai bên. “Chúng tôi kỳ vọng hai bên có thể phê chuẩn hiệp định này trong một năm tới”, ông Giorgio Aliberti, tân Đại sứ Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nói.
Tại buổi họp báo diễn ra ngày 12-11, ông Giorgio Aliberti cho hay, đoàn công tác của Ủy ban thương mại quốc tế, thuộc Nghị viện châu Âu vừa hoàn thành chuyến công tác tại Việt Nam liên quan tới Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA). Những kết quả có được sau chuyến công tác sẽ được thảo luận và bỏ phiếu tại Ủy ban này trong tháng 1-2020 và tiếp tục được thảo luận tại Nghị viện châu Âu vào tháng tiếp theo. “Chúng tôi hy vọng kết quả cuối cùng là tích cực”, ông Giorgio Aliberti nói.
Quốc hội Việt Nam cũng đã đưa vấn đề này ra thảo luận trong kỳ họp đang diễn ra và dự kiến hiệp định sẽ được phê chuẩn trong kỳ họp tới diễn ra vào tháng 5-2020.
Dự kiến, việc phê chuẩn hiệp định sẽ được thực hiện trong một năm tới, theo người đứng đầu phái đoàn liên minh châu Âu tại Việt Nam.
Ông Giorgio Aliberti thừa nhận, phía EU có những “lo lắng” và “quan ngại” nhất định liên quan tới hiệp định thương mại được cho là có tính bước ngoặt này. Vì vậy, EU vừa có đoàn công tác tới Việt Nam để tìm hiểu thông tin thực tế trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
“Chúng tôi hy vọng mọi việc sẽ diễn ra suôn sẻ cho cả hai phía liên quan tới hiệp định này”, lãnh đạo phái đoàn liên minh EU tại Việt Nam nói.
Liên quan tới những thách thức trong quá trình phê chuẩn EVFTA, theo ông Giorgio Aliberti, vấn đề lao động, luật an ninh mạng, cũng như nhân quyền là vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp và người dân châu Âu đang rất quan tâm, dù đây không liên quan trực tiếp tới thương mại giữa hai nước. Chính vì vậy, quá trình xem xét phê chuẩn của EU sắp tới sẽ phụ thuộc vào những tin tức tốt mà Việt Nam gửi đi liên quan tới vấn đề này.
Riêng đối với vấn đề lao động, để đáp ứng tiêu chuẩn trong EVFTA, Việt Nam phải phê chuẩn các công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế. Hiện Việt Nam vẫn còn hai công ước cơ bản là 105 (về lao động cưỡng bức) và 87 (về quyền tự do lập hội). Dự kiến, công ước 105 sẽ được phê chuẩn năm 2020 và công ước còn lại phê chuẩn năm 2023.
“Những cải cách quan trọng này nếu được thông qua sẽ là dấu hiệu cho thấy Việt Nam mong muốn cải thiện tình hình và thực thi EVFTA”, lãnh đạo phái đoàn liên minh EU nói.
Hiện nay, Quốc hội Việt Nam đang thảo luận những vấn đề liên quan tới bộ luật lao động sửa đổi và hai công ước còn lại sẽ nằm trong quá trình thảo luận này. Phía EU hy vọng, Bộ Luật Lao động sửa đổi sẽ được thông qua vào cuối tháng 11.
Ông Giorgio Aliberti, người vừa nhậm chức Đại sứ Phái đoàn liên minh châu Âu tại Việt Nam, cho hay trong nhiệm kỳ bốn năm tới của mình, ông sẽ tập trung vào hai vấn đề lớn là bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế số tại Việt Nam.
Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong phát triển kinh tế nhưng cần đảm bảo sự phát triển đó là bền vững. EU đang tập trung hỗ trợ Việt Nam trong phát triển nguồn năng lượng tái tạo, giảm sử dụng năng lượng từ hóa thạch và sử dụng năng lượng một cách hiệu quả.
Xem thêm: Hiệp định CPTPP: Mở rộng cánh cửa vào thị trường Canada
Bên cạnh đó, trong thời gian tới EU cũng sẽ hỗ trợ chính phủ Việt Nam trong chiến lược phát triển kinh tế số nhằm nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
“Trong tương lai, hai bên có thể hợp tác trong lĩnh vực kinh tế số. Trên cơ sở đó, Việt Nam sẽ xây dựng một môi trường thuận lợi cho công nghệ và nền kinh tế số phát triển”, ông Giorgio Aliberti nói. “Với kỹ năng, kinh nghiệm của mình, chúng tôi có thể giúp Việt Nam phát triển công nghệ để mang lại giá trị kinh tế”.