Điện ảnh, loại hình nghệ thuật đỉnh cao của việc thể hiện và biểu trưng các vấn đề mà con người muốn đề cập đến thông qua hình ảnh có sự sáng tạo, tinh chọn và điển hình mang tính nghệ thuật. Và một trong những yếu tố luôn là đề tài bàn cãi trong điện ảnh đó chính là “cảnh nóng”. Hiểu và nhìn một cách rộng rãi đầy đủ hàm nghĩa của “cảnh nóng” để thấy phim Việt cũng đã có bước đi dài với “cảnh nóng” nhưng càng về sau có vẻ “cảnh nóng” đã nguội trong phim cả sự chờ đợi của công chúng.
Một thời “cảnh nóng” gây xôn xao
“Cảnh nóng” chưa bao giờ là đề tài của dĩ vãng khi nó luôn là bài toán khó cho người đạo diễn lẫn biên kịch, và diễn viên diễn xuất khi đưa vào tác phẩm điện ảnh của mình. Từ cấp độ sơ khai đến hôm nay, “cảnh nóng” dần được hiểu theo thói quen từ phía khán giả ám thị ngược lại vào tâm lý những nhà làm phim. “Cảnh nóng” chỉ đơn thuần là những cảnh quay liên quan đến tình dục, tính dục, và trần trụi hơn đó là cảnh phòng the, giường chiếu… “Cảnh nóng” không mới mẻ gì so với điện ảnh thế giới, đã có nhiều quốc gia, nền điện ảnh trên thế giới có chế tài cũng như quy định cho cảnh nóng xuất hiện trên phim bao nhiêu là đủ, cả về định lượng thời gian lẫn hình thức thể hiện, hay phần da thịt trên cơ thể của diễn viên được “lộ thiên” bao nhiêu sẽ nằm trong quy định. Và những phim này sẽ được đóng nhãn mác 16+ hay 18+ để giới hạn đối tượng khán giả đến rạp.
Phim Việt trong những quy định, chế tài riêng cũng đã manh nha những cảnh nóng từ thời điểm rất sớm. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, khi mà thể loại phim chiếu rạp, từng gây tranh cãi trong giới phê bình lẫn công chúng, ra đời bị gọi là phim “mì ăn liền” đã xuất hiện nhiều mức độ của “cảnh nóng” khác nhau. Từ “cảnh nóng” gần như là một khái niệm tạm gọi là dân gian đi vào điện ảnh để mọi người có thể dễ dàng hình dung về một cảnh quay tương đối nhạy cảm so với mặt bằng chung của các cảnh quay khác trong phim. Ví như bộ phim nhựa của đạo diễn Trần Phương có tên gọi Vệt sáng ngược, có xuất hiện cảnh quay hai diễn viên là Trần Nhượng và Hồng Minh hôn nhau, diễn viên nữ mặc áo lộ ngực đã được xem như một trong những “cảnh nóng” xuất hiện sớm trên phim điện ảnh Việt.
Khán giả bắt đầu xôn xao về cái gọi là những giới hạn về yếu tố tình dục và tính dục trên phim ảnh, giới phê bình và nhà quản lý mạnh tay hơn với những phim có cảnh nóng. Đi theo đó, dưới sức hút quá lớn của công chúng, “cảnh nóng” dần hình thành những mô típ, cách thức xuất hiện trên phim điện ảnh đều đặn hơn. Ban đầu còn gây tranh cãi, càng về sau, nó trở thành thứ “gia vị” không thể thiếu trong hàng loạt các bộ phim chiếu rạp. Đặc biệt, ở nền điện ảnh Việt Nam, thì cảnh nóng lại xuất hiện trên phim truyền hình khá muộn. Cảnh nóng phim thời xưa, thời nay không hề có sự suy giảm hay tăng tiến mà là cách lựa chọn hình ảnh thể hiện, điển hình hay trần trụi.
Ví như hàng loạt phim chiếu rạp có cảnh nóng đã tạo nên dư luận xôn xao như phim Lưới trời của đạo diễn Phi Tiến Sơn, có cảnh nóng của diễn viên Kim Khánh bị liệt vào cảnh nóng trần trụi. Giai đoạn những năm 2000 đầu tiên, phim chiếu rạp bắt đầu xuất hiện những đề tài xã hội gây xôn xao đó chính là mại dâm, ma túy, vũ trường… Trong đó phải kể đến sự thành công của phim Gái nhảy 1 và 2, của đạo diễn Lê Hoàng khi đưa cảnh nóng “xã hội” vào phim và nhanh chóng được khán giả chờ đợi. Như cảnh diễn viên Mỹ Duyên “bán thân” ngay trên biển để mua “thuốc”, cảnh vũ trường, trang phục hở hang, cả cảnh hút chích ma túy… Lúc bấy giờ, có thể xem như phim Gái nhảy là một bộ phim “nóng” vì toàn là những “cảnh nóng” trong xã hội được đề cập đến. Và cảnh nóng không dừng lại, nó tiếp tục đi qua nhiều ranh giới hơn, khi một trong những bộ phim gợi mở đề tài “đồng tính” sau này, đó là Những cô gái chân dài năm 2004, khi xuất hiện cảnh nóng của diễn viên chính Minh Anh, cùng cảnh ngủ chung với nam diễn viên Trương Thanh Long. Dù ở những ánh mắt gợi mở, nhưng cũng có thể xem đây là bộ phim có cảnh nhạy cảm về đề tài đồng tính rất sớm. Sau đó, hàng loạt các phim có cảnh nóng về đề tài này như Trai nhảy của đạo diễn Lê Hoàng, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Hot boy nổi loạn của Vũ Ngọc Đãng, Cảm hứng hoàn hảo…
Hàng loạt các phim điện ảnh gần đây nhất đều có yếu tố cảnh nóng như không thể thiếu, nhưng đi ngược lại với định nghĩa dân gian và dần đi vào quy ước, chế tài, thì cảnh nóng bắt đầu nhạt, không còn đủ sức thu hút người xem. Vậy đâu là vấn đề kém thu hút của cảnh nóng?
Làm sao “hâm nóng” cảnh nóng?
Đến hôm nay, “cảnh nóng” trên phim không còn gì là to tát khi mà những nhà sản xuất lẫn kiểm duyệt đã có cái nhìn thoáng hơn cho vấn đề này. Đương nhiên, cảnh nóng trên phim Việt vẫn có rất nhiều đặc trưng riêng không lẫn vào đâu được. Ở hầu hết các thể loại phim cảnh nóng gần như có mặt để tạo ra nhiều cảm xúc cho người xem. Đặc biệt, ở phim hành động kiểu Mỹ, cảnh nóng luôn gắn với một nhân vật nữ xuất hiện bên cạnh nam chính anh hùng. “Cảnh nóng” kiểu này quen đến mức chưa cần nói, khán giả cũng đoán được thế nào giữa họ cũng có những cảnh giường chiếu nóng bỏng được đầu tư công phu. Ngay cả series phim có doanh thu cao mấy chục năm qua là Điệp viên 007 cũng sử dụng mô típ này và rất thành công.
Tuy nhiên, vừa qua, bộ phim hành động tâm lý của Hàn Quốc có tên gọi Vòng xoáy tội ác được công chiếu đã mang lại cho người xem một khái niệm mới về phim không cảnh nóng, và hầu như không xuất hiện một nhân vật nữ nào mà vẫn tạo được cảm xúc cho người xem. Phim không có cảnh giường chiếu nhưng vẫn khiến người xem “nóng” người và hồi hộp. Cảnh nóng trên phim Việt qua nhiều giai đoạn biến chuyển, đến nay, nó đã trở thành một công thức làm phim hầu như nhà sản xuất nào cũng áp dụng. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra đó chính là “cảnh nóng” có nằm trong tình tiết, mắt xích làm nên câu chuyện hay chỉ là cảnh nóng vô thưởng vô phạt? Và đương nhiên, rất nhiều câu trả lời cho cảnh nóng phim Việt, đó chính là “cảnh nóng” như một phần tất yếu về mặt sinh học, tâm lý và tình dục của con người thì đương nhiên sẽ có cần gì điển hình và sắp xếp…
Cũng từ tâm lý đó, khán giả bắt đầu chán với cảnh nóng của phim Việt. Thường thì cảnh nóng xuất hiện trong ảnh hậu trường còn “nóng” hơn cả trên phim. Vì lý do kiểm duyệt, các nhà làm phim nghiễm nhiên, có một lập luận cho luận đề cảnh nóng chỉ là yếu tố thu hút. Thực chất, khán giả sẽ thấy cảnh nóng trong quá trình quảng bá cho phim sẽ rất khác cảnh nóng trên phim thật sự. Điều này đã tạo tâm lý thất vọng cho người xem. Nếu như định nghĩa dân gian chúng ta tự hiểu với nhau, “cảnh nóng” chỉ là cảnh giường chiếu, tình dục thì có gì đợi chờ, chỉ là cảnh trần trụi, thêm một tí, bớt một tí thì có sao… thì những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng đậm đặc yếu tố tình dục trên thế giới trở thành trò cười của những nhà sản xuất?
“Cảnh nóng” trên phim Việt đến nay vẫn là cảnh để cho nóng. Tuy nhiên, thời gian qua đã trở nên bình thường, còn nguội hơn cả những cảnh không nóng. Khán giả đang có nhiều đòi hỏi hơn về một cảnh nóng, đó là yếu tố điển hình cần thiết của một tác phẩm nghệ thuật. Dù trần trụi nhưng cũng phải là cái được sáng tạo chứ không phải bê nguyên xi từ cuộc sống vào. Và nằm trong cái khó của kiểm duyệt, thì chúng ta càng trở nên khắt khe với chính mình để tìm ra được một phương thức sáng tạo riêng cho “cảnh nóng” chứ không phải vì “cắt” mà “cảnh nóng” chỉ là “cảnh giường chiếu”.
Phạm Lê (DNSGCT)