Dường như ít có thị trường nào mà giá cả lên xuống một cách bất ngờ như thị trường hội họa, điển hình là giá kỷ lục mới được xác lập tại nhà đấu giá Christie’s New York khi bức tranh Salvator Mundi của Leonardo da Vinci được bán với giá trên 450 triệu USD trong khi 60 năm trước tại nhà Sotheby’s London tranh được bán với giá… 45 bảng Anh.
Từ những sự kiện như thế, nhiều người cho rằng mua bán tranh là nghề giúp làm giàu nhanh chóng, song theo Patrick Connolly, cố vấn tài chính của Công ty Dịch vụ Tài chính Chase de Vere, vấn đề không đơn giản. Ông cho rằng trong quá trình hoạt động tư vấn, Chase de Vere không khuyến nghị khách hàng của mình đầu tư trong lĩnh vực nghệ thuật vì lợi bất cập hại. Việc đầu tư vào tác phẩm hội họa dựa chủ yếu vào luật cung cầu trên một thị trường thường xuyên có những biến động khó lường: tác phẩm có giá cao ngất ngưởng khi tác giả đang thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp, nhưng khi người nghệ sĩ đã bị thời gian vượt qua, nghệ thuật của họ trở thành lạc hậu thì số phận những đứa con tinh thần của họ cũng sẽ bị chính thị trường nghệ thuật từng tôn vinh chúng vùi lấp.
Với những người có nhiều tiền của, cần đầu tư, lời khuyên đầu tiên Connolly dành cho họ là hãy đầu tư dàn trải, không hoàn toàn lệ thuộc vào một lĩnh vực nào. Riêng về nghệ thuật, quỹ đầu tư ban đầu nên có từ 5.000 đến 500.000 bảng Anh, để mua các tác phẩm hoặc đầu tư thành một quỹ nghệ thuật. Những tác phẩm đắt tiền thường được cất giữ trong những hộp đựng có tính bảo quản cao, với những thiết bị kiểm soát độ ẩm, nhiệt độ, không dễ bị tổn thương bởi ánh sáng mặt trời và những thứ ánh sáng khác. Nếu một bức tranh quý được treo trên tường, chi phí bảo hiểm sẽ rất cao vì đó là vị trí dễ dàng thu hút những tên trộm tranh chuyên nghiệp.
Tác phẩm nghệ thuật cũng không phải là một sự đầu tư ổn định, bởi vì khi xảy ra một biến cố bất ngờ nào đó, như gặp phải tranh giả chẳng hạn, chuyện kiện tụng để đòi bồi thường đôi khi trở thành điều bất khả. Một cuộc nghiên cứu mới đây dựa trên 1,2 triệu sản phẩm nghệ thuật được các nhà bán đấu giá bán ra trong những năm 1957-2007 đã đưa đến kết luận là số tác phẩm có giá trị chỉ chiếm 3,97% mỗi năm.
Tuy nhiên, Adriano Picinati di Torcello, điều phối viên của Công ty Deloitte Art & Finance, lại đưa ra một cái nhìn lạc quan hơn. Theo ông, sau năm 2016 là năm thị trường nghệ thuật toàn cầu sa sút thì sáu tháng đầu năm 2017 chứng kiến sự hồi phục của lĩnh vực đấu giá tác phẩm mỹ thuật. Lý do: nhiều nhà tư bản rơi vào khủng hoảng tài chính vì đầu tư vào những lĩnh vực mà họ không nắm vững, nên đã tìm đến tác phẩm nghệ thuật như một kênh đầu tư mới nhiều hứa hẹn. Tổ chức Chợ phiên Nghệ thuật giá thấp (AAF: Affordable Art Fair) khởi đầu tại London từ năm 1999, nay đang điều hành chợ phiên ở hơn 10 thành phố trên thế giới. Trong khi giá một bức tranh trên thị trường ở mức 6.000 bảng Anh thì giá trung bình một bức tranh tại AAF chỉ khoảng 600 bảng. Người sáng lập AAF là Will Ramsay cho rằng động lực thúc đẩy những thương vụ mua bán tranh tại AAF là nhằm chứng tỏ rằng “không cần phải là một người cực giàu mới có thể mua tác phẩm nghệ thuật”. Phần lớn các chuyên gia trong lĩnh vực này cũng cho rằng khi bạn mua một tác phẩm nghệ thuật, đó là vì bạn thích nó chứ không phải do bạn muốn làm giàu nhờ nó.
Dù vậy, sự kiện bức Salvator Mundi được bán với gần 0,5 tỉ USD đã khiến nhiều nhà đầu tư tiếp tục nuôi giấc mơ một sớm một chiều ngồi trên đống tiền chỉ nhờ vào một bức tranh.