Bây giờ khó mà nói câu nhẹ nhàng khi cuộc sống lúc nào cũng căng như sợi dây đàn. Bước ra đường là cuốn vào dòng chảy của xe và người. Đừng nói nông thôn yên tĩnh, cũng ồn ã ngày đêm khi những dàn karaoke di động hoạt động hết công suất.
Chỉ cần hai chiếc loa bé tí (nhỏ người mà to con mắt) nhưng công suất chẳng bé tí nào, điện thoại di động có sóng 3G là mọi lúc mọi nơi, chẳng nể nang ai. Thỉnh thoảng vào ngày cuối tuần, giữa trưa, trên Facebook lại xuất hiện những dòng trạng thái khá bực bội, ví dụ: “Nếu cho tôi một điều ước, tôi ước cái loa ngoài kia câm miệng ngay lập tức”, “Trời sinh điện thoại di động sao còn sinh loa và karaoke”, “Karaoke di động, nỗi ám ảnh cuối tuần”… Là bực tức quá đó mà!
Khó thể nói về quyền tự do mỗi con người ở tình huống này. Người cần ca hát, tự do hát ca; người cần ngủ (tự do) ngủ nhưng lại không ngủ được vì những âm thanh bên ngoài cứ như tra tấn. Vậy thì làm sao?
Lại mở mạng, vào “phây”. Sau khi quăng câu than thở rồi lang thang chém gió cho qua buổi chiều, lòng thầm mong hát mệt, tối “nó” ngủ sớm. Thế nhưng nhầm, làm gì có chuyện ngủ sớm, đêm cuối tuần, đã chơi là chơi đến khuya.
Tự mình cứu mình thôi. Lục lọi một hồi lại thấy mốt mới “bonsai khoai lang”. Có ai đó bảo rằng, khi buồn, bế tắc, chán nản, bực tức… hãy thử trồng một cái cây.
- Xem thêm: Nói điều hối tiếc!
Kiếm củ khoai lang đặt vào trong ly nước, vậy mà linh nghiệm. Hằng ngày thay nước, ngắm chồi nhú lên rồi từ từ thành cây. Đêm khó ngủ, thức dậy ra bàn rót ly nước, chợt thấy cây nhỏ trên bệ cửa sổ, cảm giác như có ai đó đang thức cùng với mình khi nhìn chiếc lá lay động nhẹ. Như cây đang (chuyển động) lớn ngay cả trong đêm. Ngắm cây quên bớt sự đời phiền muộn.
Một rồi hai cây, rồi một dãy cây trên bệ cửa sổ. Tự nhiên thành bận bịu con mọn. Không phải chăm nom vất vả nhưng luôn phải thay nước mỗi ngày. Sáng dậy sớm, việc đầu tiên nghĩ đến dãy bonsai khoai lang và nhẹ nhàng thay nước cho từng ly.
Rồi ngắm, để thấy cuộc sống tuyệt vời thế nào. Cây cũng phải cố gắng vừa vươn lên cao và vừa tủa rễ trắng tinh khôi bên dưới như để (phục vụ) cho người ngắm. Thấy đời nhẹ nhàng làm sao.
Còn cảm nhận cuộc sống là chuỗi cố gắng, vươn lên qua những mầm rễ bên dưới đang chuẩn bị bật tung ra, chưa biết khi nào.
Hiểu ra cây hoạt động tối đa trong đêm, vì hôm nay đã khác hôm qua. Thậm chí, mầm cây nảy bên trong nước, cũng cố gắng từng phút ngoi lên khỏi mặt nước cho bằng chị bằng em.
Bài học trực quan sinh động cho con cái là đây. Cuốn cả nhà theo “cảm xúc bonsai” và giảng giải cho con những triết lý cuộc sống; quan trọng nhất là không bao giờ được bỏ cuộc và cái gì cho qua được thì cho qua.
Tỉ như, có dãy bonsai cần chăm sóc, nhìn ngắm mỗi ngày lại thấy thứ tha và thậm chí không quan tâm những âm thanh karaoke ngoài kia. Tạm gọi, cái này bù cho cái khác, hay trong lúc khó khăn nhất hãy tìm một giải pháp để thoát ra cho dù là tạm thời.
Cây cũng như người. “Yêu” khác “thích” ở chỗ, nếu thích một bông hoa có thể cắt nó đem vào nhà cắm trong bình để thưởng thức, nhưng nếu yêu thì khác, sẽ chăm sóc, tưới tắm nó mỗi ngày.
- Xem thêm: Đừng cố làm “hoa hậu thân thiện”
Để hiểu, cuộc sống không bao giờ ngừng lại. Hết lớp này rồi đến lớp khác, mỗi ngày một cái mới hơn, không ai lường được. Nhìn chậu bonsai bé tí, cây vươn thẳng đứng, khó hình dung nó sẽ lớn đến đâu, khi thành dây rồi, sẽ uốn cách nào cho đẹp đây! Không ai biết trước được điều gì sẽ xảy ra, vậy thì cứ tận hưởng hôm nay; dù hạnh phúc ngọt ngào hay thương đau cay đắng rồi cũng sẽ qua, trở thành kỷ niệm.
Một lúc nào đó trong cuộc đời, tĩnh lặng, nghĩ về những ngày xưa. Vết thương đau sẽ ngọt ngào, man mác, âm ỉ và chợt mỉm cười khi nhớ ngày xưa, mẹ chăm từng ly bonsai bé tí. Vắng nhà vài ngày, mẹ dặn dò kỹ lưỡng nhớ thay nước, ngày nào cũng điện thoại về, trước tiên là hỏi có chăm sóc mấy cái ly cây của mẹ không… Kỷ niệm là đó chớ đâu.
Chần chừ gì mà không tích cực, đứng lên, rời khỏi máy vi tính, làm nên kỷ niệm sau này cho con cái?