Là một người tham công tiếc việc không hẳn là điều tồi tệ nếu như bạn biết cách cân bằng công việc với niềm vui. Nếu bạn yêu công việc mà bạn đang làm, “nghiện việc” có lẽ mang lại cho bạn cảm giác thỏa mãn. Còn nếu bạn ghét công việc, bạn có cảm giác như muốn bỏ việc ngay khi nghe tiếng đồng hồ báo thức mỗi sáng.
Nghiện việc ảnh hưởng đến tâm trí, cơ thể và năng suất nói chung. Các kết quả nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa nghiện việc và sự sút giảm sức khỏe tinh thần và thể chất. Nghiện việc cũng được xem là góp phần gây nên những cuộc hôn nhân không hạnh phúc và tỷ lệ ly dị cao.
Và những kỳ nghỉ định kỳ là rất quan trọng. Với trường hợp của một người làm việc quá nhiều, đi nghỉ và nghỉ ngơi hiệu quả là hai chuyện khác nhau. Sau đây là vài lời khuyên dành cho những ai gần như không thể bước ra khỏi công việc để có một kỳ nghỉ quý giá. Nên nhớ rằng bạn đang nợ chính bản thân mình và gia đình bạn. Thật sự thì một kỳ nghỉ không làm mất thời gian mà sẽ giúp bạn tăng thêm năng suất trong công việc.
Tạm ngưng mọi thứ liên quan đến công việc
Nếu bạn thực sự đi nghỉ, bạn cần tạm thời ngưng mọi thứ liên quan đến công việc. Hãy để email ở chế độ trả lời tự động. Trong thời gian này, chỉ nên mở một số điện thoại riêng và một vài người được thông báo số điện thoại này, dành cho trường hợp khẩn cấp thực sự cần sự quan tâm của cá nhân bạn. Không cần giữ liên lạc với những người mà bạn chỉ có quan hệ công việc.
Lý do vì sao? Thứ nhất, công việc lúc nào cũng tiếp diễn, dù bạn vắng mặt một tuần hay một tháng. Thứ hai, giống như bất cứ cỗ máy nào, cơ thể và tâm trí con người cũng bị hao mòn và trở nên ít hiệu quả hơn nếu bị sử dụng quá nhiều và đôi khi cần phải “tạm tắt máy” để nó có thể chạy tốt hơn khi khởi động lại.
Đối đãi tốt với tâm trí
Tâm trí là trung tâm của sự cách tân và sáng tạo, nơi giúp bạn ra quyết định và khởi xướng mọi thứ. Nếu bạn càng dồn ép nhiều nhiệm vụ nặng nề cho tâm trí thì năng suất và chất lượng xử lý công việc sẽ càng kém đi.
Vì vậy, bạn cần những chuyến đi giúp bạn trị liệu, khai thông tâm trí và dòng chảy sáng tạo trong bạn. Ngắm nhìn đời sống hoang dã trong vườn quốc gia hay nhảy bungee? Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy tâm trí của bạn trở nên sắc bén ra sao sau lần tái khởi động này.
Chắc chắn là bạn cần chút thời gian để tách mình ra khỏi áp lực của công việc và nghĩ về bản chất, mục đích của công việc. Đây có thể là một phương pháp trị liệu phục hồi để cải thiện cách mà bạn tiếp cận công việc kinh doanh và nghề nghiệp của mình.
Đối đãi tốt với cơ thể
Nếu bạn xem công việc kinh doanh là một nhiệm vụ khẩn cấp thì cơ thể của bạn cũng giống như một “ngựa kéo” hay trang thiết bị? Hãy để ý đến những dấu hiệu cảnh báo về sự suy sụp sắp xảy đến cho cơ thể.
Với những người nghiện việc, ngay cả vào ngày nghỉ, có thể họ cũng không thể ngủ nhiều hơn bốn tiếng mỗi đêm. Chất lượng giấc ngủ kém, những cơn đau dai dẳng, tăng cân, huyết áp cao, lo âu, thị lực kém, ngưng thở trong lúc ngủ, trầm cảm, nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường tăng cao là những triệu chứng thường gặp với những người tham công tiếc việc.
Bạn nên thường xuyên quan tâm đến cơ thể, nhưng các kỳ nghỉ là cơ hội lý tưởng để bạn kiểm tra toàn bộ “hệ thống hoạt động” của cơ thể. Rất nhiều khả năng là bạn không thể có được chế độ ăn uống lành mạnh. Kỳ nghỉ là dịp để bạn có những điều chỉnh nhỏ nhưng mang lại lợi ích to lớn cho sức khỏe.
Thời gian dành cho công việc giúp tăng thu nhập của bạn nhưng với cái giá mà bạn phải trả chính là giảm đi thời gian tận hưởng thành quả tài chính đó. Một kỳ nghỉ là lúc hoàn hảo để thăm bạn bè, dành thời gian cho người bạn đời, thực hiện những cuộc gọi mà bạn đã trì hoãn quá lâu để kết nối với những người quen cũ. Thời gian của bạn là tất cả những gì mà họ cần để biết rằng họ quan trọng đối với bạn.
- An Bình theo Entrepreneur