Hẹn với KTS Trần Lê Quốc Bình để nghe anh chia sẻ về căn biệt thự mới nhất vừa hoàn thành, nhưng câu chuyện lại được mở ra nhiều khía cạnh, từ khó khăn chung của nghề ở thời điểm khởi nghiệp, bao trăn trở với nghề, cho đến những quan sát về sự thay đổi trong môi trường thiết kế hiện nay.
Tốt nghiệp K95 Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh, Quốc Bình bắt đầu công việc cùng một lúc ở hai công ty khác nhau cho đến khi hội đủ những điều kiện cần thiết để thành lập công ty riêng. Dần dần, người ta bắt đầu biết đến một QBI với những dự án nhà ở tư nhân có tinh thần trẻ trung, hiện đại và mang nét riêng so với mặt bằng thiết kế ở thời điểm đó.
Hơn 12 năm kể từ khi thành lập, QBI cũng trải qua nhiều giai đoạn phát triển. Anh cho biết: “Không phải do tôi chủ động mà do xã hội chi phối và mình bị cuốn theo. Thời đó, với hầu hết các chủ đầu tư, phí thiết kế còn là một khái niệm xa lạ, thậm chí nhiều người còn cho rằng vô lý, vì các công ty xây dựng tư nhân đều đảm nhận luôn phần thiết kế công trình. Khách hàng của tôi khi đó có những người trẻ, du học nước ngoài về, họ hiểu về giá trị của chất xám, nhưng phụ huynh của họ – những người bỏ tiền ra xây dựng thì không hiểu. Như vậy, trong gia đình họ đã có những xung đột nhất định… Để có được công trình, tôi buộc phải giảm phí thiết kế xuống rất thấp, ôm luôn phần xây dựng để bù qua sớt lại, đảm bảo hoạt động của công ty. Bây giờ thì những người trẻ ngày xưa đã là chủ đầu tư, họ hiểu được giá trị thiết kế và có quyền quyết định, mọi thứ đã thay đổi”.
Và sự thay đổi cũng diễn ra từ bên trong, là quan điểm về thiết kế kiến trúc. Hồi mới vào nghề, Quốc Bình hướng đến những thiết kế ấn tượng, chú trọng nhiều đến việc một công trình phải theo một phong cách này hay phong cách kia… Nhưng bây giờ thì điều quan trọng hơn hết là chủ đầu tư họ sử dụng ngôi nhà của họ như thế nào, họ có thực sự hạnh phúc trong không gian sống của họ hay không. Như vậy, đã có sự chuyển dịch từ việc thỏa mãn cái “tôi” của người thiết kế sang vấn đề bản chất về sự tồn tại của một công trình. Làm sao để ở đích đến, chủ đầu tư phải nhận được ngôi nhà của họ chứ không phải cái mà người thiết kế muốn.
Trải nghiệm cũng cho Quốc Bình một cái nhìn rõ hơn về những bạn trẻ mới vào nghề. Anh thừa nhận rằng mình có đôi chút ghen tỵ bởi thấy ở công trình của họ rất nhiều chất “art”, riêng biệt và có cá tính riêng, nhưng cũng thẳng thắn rằng nhìn từ góc độ sử dụng thì những công trình ấy còn khá nhiều điều bất tiện. “Các bạn bây giờ cập nhật rất nhanh, có tư duy lý luận và vận dụng vào công trình rất logic, nhưng vẫn thiếu phần trải nghiệm để có được sự cân bằng giữa ý tưởng và tính thực tế, đồng thời cũng thiếu kinh nghiệm để xử lý những chi tiết. Thực ra, việc xử lý chi tiết khó hơn nhiều so với việc đưa ra một concept cho công trình. “Việc học hỏi bên ngoài là cần thiết nhưng chưa đủ, vì dường như sự tiếp nhận ấy chỉ mới chạm vào phần vỏ quá nhiều mà chưa đi vào được cái ruột bên trong”. Thời gian đã cho Quốc Bình những đúc kết riêng thế nào là một công trình tốt, đó là phải phù hợp với khí hậu bản địa, đồng thời đáp ứng một cách tốt nhất các nhu cầu của người sử dụng. Người thiết kế không cần phải gồng lên để tạo cho công trình một phong cách độc đáo mà xa lạ.
Khoảng năm năm trở lại đây, QBI “đánh” mạnh vào lĩnh vực thiết kế khách sạn tư nhân và có thể nói là không có công ty nào làm nhiều như QBI trong mảng này. Anh chia sẻ rằng do lúc đó muốn thay đổi, bởi nếu cứ làm nhà ở thì cũng chỉ thay đổi quy mô từ một ngôi nhà phố sang villa… Và thế là chọn khách sạn! Theo quan sát của Quốc Bình, thời điểm đó các khách sạn nhỏ ở quận 1, TP. Hồ Chí Minh nói riêng và ở cả nước nói chung đều chỉ cạnh tranh nhau về vị trí và giá phòng. Chủ đầu tư thường nhờ kiến trúc sư lay-out mặt bằng, còn đồ nội thất thì dùng hàng Trung Quốc. Nhưng họ vẫn kiếm ra tiền nhờ ưu thế về địa điểm và cạnh tranh với nhau về giá. Đó không phải là cách kinh doanh lâu dài. Tại sao không thuyết phục họ thêm những giá trị mới cho công trình dựa trên những câu chuyện liên quan đến văn hóa và được kể bằng không gian kiến trúc – nội thất? Sự thuyết phục ấy đã đem lại hiệu quả khi có những khách sạn do QBI thiết kế với chi phí đầu tư hết sức tiết kiệm, ở tầm mức ba sao nhưng đem lại cho du khách những cảm nhận và ấn tượng như những khách sạn bốn sao, năm sao. Dĩ nhiên, hiệu quả kinh doanh của khách sạn ấy tăng lên rõ rệt. Từ những việc như vậy, khách hàng tìm đến QBI nhiều hơn. Với Quốc Bình, việc họ tìm đến với công ty không quan trọng bằng sự thay đổi trong nhận thức của giới chủ đầu tư của lĩnh vực kinh doanh khách sạn, khi họ đã chú trọng hơn đến giá trị thiết kế.
Thời gian gần đây, ở Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều kiến trúc sư, công ty kiến trúc nước ngoài. Theo anh, điều đó dù khiến sự cạnh tranh tăng lên nhưng đồng thời cũng có nhiều khía cạnh tích cực. Xét về tương quan năng lực, các kiến trúc sư Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh một cách sòng phẳng và anh tin rằng trong vài năm tới, các tập đoàn lớn, nhà quản lý của những thương hiệu quốc tế cũng sẽ tìm đến các công ty uy tín và kiến trúc sư giỏi người Việt. Thực tế, đã có đơn vị thiết kế nước ngoài tìm đến QBI đề nghị hợp tác ở những dự án lớn nhưng anh từ chối bởi tự nhận thấy đội ngũ của mình chưa đủ mạnh. Mục tiêu gần nhất, QBI sẽ thử sức với một công trình ở nước ngoài và tiếp tục tích lũy kinh nghiệm để hướng tới những dự án có tầm vóc lớn hơn. Bên cạnh đó, anh sẽ chú trọng hơn trong lĩnh vực đào tạo thế hệ trẻ và bắt đầu từ chính những kiến trúc sư trẻ đang đầu quân cho QBI.
Và công trình hướng đến người sử dụng
Căn biệt thự này là công trình của QBI vừa hoàn thành trong thời gian gần đây, có thể xem như một ví dụ cho thiết kế hướng đến người sử dụng chứ không nhằm thể hiện dấu ấn của kiến trúc sư. Chủ đầu tư là hai vợ chồng có sự khác biệt nhất định trong quan niệm về nhà ở, kiến trúc. Chồng thì thích sự độc đáo, mới lạ, còn người vợ lại sống rất thực tế. Họ mâu thuẫn nhưng bổ sung và đem lại sự cân bằng cho nhau.
Là những doanh nhân có nhiều trải nghiệm sống nên vấn đề họ đặt ra cho ngôi nhà rất rõ ràng, đó là làm sao để khi về nhà, họ phải thấy sướng hơn khi ở khách sạn, resort. Và ngôi nhà này đã có một sự dung hòa thú vị: phần kiến trúc và diện mạo bên ngoài đáp ứng mong muốn của người chồng, còn nội thất và mọi thứ bên trong thỏa mãn những tiêu chí công năng mà người vợ đề ra.
Lấy ý tưởng từ những thửa ruộng bậc thang, hình thức kiến trúc mặt tiền sử dụng những đường cắt xéo và khối rất mạnh, kết hợp với lam gỗ để tạo điểm nhấn, đồng thời tăng đối lưu khí cho các không gian bên trong. Cây xanh được chăm chút kỹ lưỡng và tính toán để đạt hiệu quả của concept, đồng thời có những góc nhìn đẹp từ bên trong cũng như tạo thêm điểm cộng cho công trình khi từ vị trí phía láng giềng nhìn sang. Yếu tố mặt nước trong cảnh quan là hai hồ bơi và hồ cá, được chia ra bởi một mảng xanh tự nhiên một cách có ý đồ cũng là sự dung hòa và đáp ứng nhu cầu khác biệt của cả hai vợ chồng.
Không gian nội thất đặc biệt chú trọng đến tính tiện nghi, với các chi tiết được xử lý để đem lại tiện ích tối đa cho người sử dụng. Việc lựa chọn vật liệu ốp lát hoàn thiện và đồ nội thất đều được cân nhắc theo các thứ tự ưu tiên: sử dụng thường xuyên hay không thường xuyên, gần và xa tầm hoạt động… để có những giải pháp thích hợp cho việc sử dụng, bảo trì, vệ sinh. Do chủ nhà có nhu cầu sử dụng thang máy nên phần bao che của toàn bộ trục thang máy được ốp vật liệu gỗ, gợi liên tưởng đến một cái cây, tương ứng là chiếc đèn ở phòng khách có thiết kế rất độc đáo và ấn tượng gợi hình dung một tổ chim. Một tổ chim trên cành cây, chỉ cần vậy là đủ tạo nên câu chuyện của một công trình! Các không gian còn lại thuần về công năng, nhằm đáp ứng một cách tốt nhất những nhu cầu của chủ nhà: gian bếp rộng và khu vực ăn rộng, phòng khách với khoảng trần cao, nội thất cao cấp, các phòng ngủ rộng, phòng giải trí đa năng… Với kinh nghiệm của người thiết kế thì điều ấy không phải là một thách thức và hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát.
– Ảnh Quang Trần
17A6 Copac Square, 12 Tôn Đản, P.13, Q.4, TP.HCM
Điện thoại: (028) 39412361 – 39412353
Fax: (028) 39413950