Ngay khi xuất bản tại Hàn Quốc, tác phẩm này từng gây tranh cãi và những phản ứng gay gắt trái chiều. Tác phẩm này như một bộ phim tài liệu chiến tranh Việt Nam mới mẻ, rung động, đau đớn và gây ấn tượng mạnh.
Cuốn sách 12.2.1968 là một hồ sơ điều tra thực địa và sao lục nhiều tư liệu chiến tranh trong 6 năm (2000-2006), dựa vào những tư liệu và nhân chứng đã tái hiện cuộc thảm sát ở hai làng Phong Nhất, Phong Nhị (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) năm 1968.
Trong bối cảnh chiến tranh Việt Nam năm 1968 – mà tác giả mô tả là “người Mỹ và người Việt đang chết dần chết mòn trên chiến trường”, người Hàn Quốc đã tự cuốn mình vào một tội ác chiến tranh ghê rợn với cuộc thảm sát ở vùng xôi đậu Phong Nhất, Phong Nhị ngày 12.2.1968. Một thời khắc mất kiểm soát đã để lại những vết thương, sự day dứt và một ký ức kinh hoàng.
Tác giả Koh Kyoung Tae đã lặn lội về Việt Nam, tìm kiếm tư liệu và nhân chứng để làm một hồ sơ khách quan và trung thực nhất về cuộc thảm sát Phong Nhất – Phong Nhị và bối cảnh chính trị, quân sự dẫn đến biến cố này.
Qua những hình ảnh tư liệu, lời tự thuật của những nhân chứng còn sống sót, Koh Kyoung Tae chia sẻ sự mất mát của những nạn nhân. Họ “không phải liệt sĩ, cũng không phải người có công với cách mạng, giữa cảm giác lạc loài, ruồng rẫy, các nạn nhân thảm sát ôm trong lòng những nối tiếp tổn thương để sống”.
Trả tên cho những nạn nhân Việt Nam, xin lỗi Việt Nam, nhưng ý nghĩa lớn lao nhất mà bộ hồ sơ gây rúng động này muốn hướng tới đó là phơi bày bộ mặt tàn bạo và phi nghĩa của chiến tranh.
Sách xuất bản năm 2015 bằng tiếng Hàn và được dịch sang tiếng Anh. Nay được Phanbook & NXB Đà Nẵng ấn hành bản tiếng Việt.
NHẬN ĐỊNH CỦA CÁC HỌC GIẢ HÀN QUỐC:
Đặc điểm nổi bật nhất của cuốn sách này chính ở câu chuyện của những con người can dự đến cuộc chiến tranh Việt Nam… Và cũng ở đó có rất nhiều những con người nhào nặn, bóp méo, che giấu lịch sử.
Park Tae Gyun (Giáo sư Khoa Cao học Quốc tế, Đại học Quốc gia Seoul)
Tuy không tin rằng lịch sử là một sự phát triển đi lên, nhưng sự tồn tại của những cuốn sách như thế này đem lại niềm an ủi về một sự tiến lên của lịch sử.
Jeong Hui Jin (NNC về Phụ nữ học, Hòa bình học)