Ngày 15-11, quận Hoàn Kiếm phối hợp với Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội khởi động chuỗi hoạt động “Thiết kế không gian kiến trúc cảnh quan điểm tập kết rác đường Phùng Hưng, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm”.
Bảo vệ môi trường: Những hoạt động cụ thể thay đổi các chính sách… ‘trên trời’
Đây là một phần của Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa – Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển” do Liên minh châu Âu và các cơ quan hợp tác quốc tế Đức, Pháp tài trợ nhằm cụ thể hoá các ý tưởng nâng cao năng lực phân loại và thu gom rác trên địa bàn, thúc đẩy triển khai hiệu quả quy định mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR) trong Luật Bảo vệ Môi trường có hiệu lực từ 2022.
Vấn đề thu gom, tái chế chất thải rắn nói chung, nhựa nói riêng đã được các Bộ ngành Việt Nam nêu ra từ lâu nhưng cho đến nay kết quả vẫn chưa đạt được như mong muốn. Ngay tại quận Hoàn Kiếm đã từng rầm rộ triển khai hoạt động thu gom, phân loại rác thải tại phường Phan Chu Trinh, nhưng rác được thu gom rồi lại nhét chung vào một xe ô tô, chở đi đổ vào bãi chôn lấp… minh chứng cụ thể của mô hình thu gom/ xử lý rác thải không đồng bộ, tạo ra bế tắc vấn đề rác thải quy mô lớn: từ thành phố đên nông thôn, từ đất liền đến hải đảo, từ núi cao đến vùng trũng ngập…
Mỗi ngày có hàng chục ngàn tấn chất thải rắn phát sinh từ các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM được vận chuyển đến các khu chôn lấp. Điều nguy hại hơn là nguy cơ không còn chỗ chôn lấp rác thải đe dọa thường trực, rồi các bãi rác không được kiểm soát trở thành nơi tập trung ô nhiễm. Các thành phố hy vọng vào giải pháp đốt rác nhưng cho tới nay vấn đề hiệu quả hoạt động của các nhà máy đốt rác này vẫn là dấu hỏi.
Nguy cơ tránh được dồn ứ rác thải chưa hết thì lại nảy sinh nguy cơ ô nhiễm khí thải từ các nhà máy đốt rác “hổ lốn”, thiếu kiểm soát đe doạ hàng ngày, trong khi đó các cơ quan đảm trách soạn thảo kịch bản và chính sách thì vẫn loay hoay trong việc đưa ra giải pháp khả dụng. Chính vì vậy, những sáng kiến cấp địa phương đang trở nên cấp thiết nhằm khắc phục những hạn chế của các mục tiêu xa vời, đối sách thiếu khả thi.
Những bước đi nhỏ đến tương lai ‘xanh’
Quận Hoàn Kiếm có diện tích nhỏ nhất Hà Nội (5,2 Km2), nhưng mật độ dân cư cao nhất thành phố, lại là trung tâm hoạt động thương mại dịch vụ sôi động. Quận này sinh ra lượng rác thải hàng ngày là 233 tấn (năm 2019), 193 Tấn (năm 2020) và 160 tấn (năm 2021). Số lượng rác giảm do các hoạt động suy giảm vì dịch bệnh, nhưng lại có nguy cơ tăng thành phần rác thải nhựa giấy do cách thức tiêu dùng online đang gia tăng các chất thải bao gói hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm…
Toàn quận có 77 điểm thu gom rác, trong đó: 11 điểm cố định, 66 điểm di động để vận chuyển toàn bộ rác thải đến các địa điểm chôn lấp tập trung của thành phố. Quận Hoàn Kiếm nằm kề bên sông Hồng nên nguy gây ô nhiễm dòng sông này khá cao, nếu không kiểm soát tốt rác thải phát sinh từ các khu dân cư phi chính thức.
Nhưng vì là địa bàn đặc biệt, quận Hoàn Kiếm cũng đã có sáng tạo “đặc biệt” nhằm nâng cao chất lượng môi trường sống, đó là sáng kiến phố đi bộ, sân chơi cho trẻ em trên phố cổ chật hẹp; Các dự án nghệ thuật cộng đồng trên phố Phùng Hưng, Phúc Tân và hàng loạt các địa chỉ văn hóa lịch sử.
Bên cạnh đó là các hoạt động thu gom phân loại rác như thu gom bể tách mỡ của các nhà hàng, cộng đồng thu gom rác thải ngoài bãi sông Hồng hay xóa bếp than tổ ong trong phố cổ, giảm khí thải xe máy trước cổng trường học, tạo lối đi bộ an toàn cho trẻ em… Từ tháng 8.2020 đến tháng 8.2021 quận Hoàn Kiếm đã tổ chức ngày thứ 7 hàng tuần “Đổi rác lấy quà”. Sau một năm đã nhận được 605 tấn trong đó rác nhựa chiếm 30%, giấy 64 % còn lại là kim loại. Đây là những bước đi nhỏ của quận Hoàn Kiếm nhưng hướng tới tương lai Hà Nội xanh hơn.
Bước tiếp theo là thiết kế không gian kiến trúc cảnh quan điểm tập kết rác đường Phùng Hưng, Phường Cửa Đông. Đây là dự án cụ thể hóa làm đẹp các địa điểm thu gom/ phân loại rác thải để thay đổi căn bản coi rác thải là bẩn thỉu vô dụng mà cần coi đó là một dạng vật chất cần khai thác tuần hoàn, tạo ra một mô hình sinh kế mới không chỉ nâng cấp môi trường mà còn nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư.
Chi phí thu gom vận chuyển rác thải hàng năm của quận Hoàn Kiếm khoảng 100 tỷ đồng, trong đó thu từ dân cư 20% còn ngân sách bù ra 80% . Con số không lớn đối với tổng thu ngân sách của quận lên tới hàng ngàn tỷ đồng, nhưng nó cũng cho thấy tiềm năng của một ngành kinh tế tái chế rác thải, lớn hơn nữa là chuỗi kinh tế tuần hoàn trị giá hàng ngàn tỷ đồng tại đây trong tương lai. Những sáng kiến thu gom, tái chế sẽ từng bước giảm chi phí mà tăng dần lên hoặc chuyển chi phí hỗ trợ thu gom vận chuyển rác thải sang hỗ trợ các sáng kiến giảm khối lượng phát thải trên địa bàn và có thể mở rộng quy mô sẽ mang lại lợi ích tổng thể nâng cao chất lượng sống cho khu trung tâm Hà Nội.
Hy vọng cuộc thảo luận này khởi động cho cách tiếp cận mới về vấn đề rác thải: Nơi thu gom nó thay vì chỉ là nơi xấu xí, bẩn thỉu để vứt bỏ chất thải. Đó sẽ trở thành nơi tiếp nhận, phân loại vật chất một cách hấp dẫn, sạch sẽ, tạo ra những cảm hứng, trí tưởng tượng hình dung ra vòng quay mới, một sức sống tái tạo từ những vật dụng đã qua sử dụng…