Hội nghị Trung ương 5 sau sáu ngày làm việc đã kết thúc tuần qua, trong ba nghị quyết chuyên đề kinh tế quan trọng được ban hành có một nghị quyết mang tên “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Trong bài phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc đến thành phần kinh tế này như một động lực chủ yếu góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển của đất nước. Ông nhấn mạnh: “Hệ thống chính trị cần tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế tư nhân, coi đây là yêu cầu tất yếu, khách quan trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; đồng thời chăm lo phát triển kinh tế tư nhân nhanh, lành mạnh và đúng đắn hơn, thực sự trở thành một động lực quan trọng để giải phóng sức sản xuất”. Cũng trong chiều hướng này, doanh nhân và doanh nghiệp được khuyến khích chủ động, tích cực hơn nữa trong đổi mới quản lý, quản trị, nâng cao hoạt động, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, xây dựng thương hiệu và chữ tín trong kinh doanh.
Vậy là kinh tế tư nhân với thực tế đóng góp hơn 40% GDP, thu hút hơn 80% lao động, mỗi năm giải quyết công ăn việc làm khoảng 1,2 triệu người; thêm một lần nữa được khẳng định vị trí và vai trò của mình trong nền kinh tế đất nước, nhưng đồng thời cũng vẫn còn gặp rất nhiều rào cản đến từ cơ chế, pháp luật, chính sách và môi trường đầu tư. Trước những than vãn triền miên, nhiều địa phương và các cơ quan quản lý đã có những cố gắng cải tiến cách làm việc nhưng vẫn chưa tạo được sự tin cậy của giới kinh doanh. Chẳng hạn như trong cuộc khảo sát về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 được Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cách đây hai tháng, thì có đến 66% trong số 10.000 doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ phải chi trả những chi phí không chính thức thường chiếm đến 10% doanh thu. Cuộc khảo sát cũng phản ánh tình trạng nhũng nhiễu trong việc giải quyết thủ tục hành chính không hề sút giảm và hiện nay phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc tư nhân còn bị phân biệt đối xử so với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là trong việc tiếp cận đồng vốn và chính sách đất đai. Thực trạng này giải thích tại sao doanh nghiệp tư nhân được xem là không có nội lực, trong khi nguồn vốn xã hội còn rất nhiều nhưng chưa được huy động vào quỹ đạo kinh doanh, số doanh nghiệp thành lập thì nhiều nhưng số giải thể cũng không ít. Cụ thể trong quý I vừa qua cả nước có 26.478 doanh nghiệp được thành lập nhưng lại có tới 23.904 doanh nghiệp giải thể do không làm ăn được. Cho nên chúng ta không nên bị ru ngủ về số lượng mà cần quan tâm đến chất lượng bởi đây mới là yếu tố chính góp phần vào tốc độ phát triển kinh tế.
Đã có nhiều số liệu chứng minh tiềm lực của khu vực tư nhân là rất lớn, nhưng để kinh tế tư nhân trở thành một động lực chính của nền kinh tế, cần có sự vào cuộc của cả bộ máy nhà nước như tinh thần hội nghị Trung ương 5 đã đề ra, mà trước mắt là những biện pháp tháo gỡ thuộc thẩm quyền chính phủ. Hy vọng những vấn đề này sẽ được giải quyết sau cuộc gặp của thủ tướng với giới doanh nghiệp diễn ra trong tuần này.
- Hoàng Hà