Trong du học Mỹ, Trường Đại học Harvard luôn là cánh cửa mơ ước của nhiều sinh viên Việt Nam. Đây được xem là một trong những nơi cung cấp phương tiện tốt nhất cho sinh viên thực hiện ước mơ của mình ngay trong thời gian học lẫn sau tốt nghiệp vì trường đại học này có một nguồn lực vô cùng phong phú, cùng với mạng lưới liên kết với trường và công dân Harvard trên toàn cầu. Để bước chân vào Harvard, ứng viên không chỉ chuẩn bị một bộ hồ sơ xét tuyển hoàn chỉnh mà còn phải thể hiện tốt trong cuộc phỏng vấn với đại diện của trường. Phần trao đổi ngắn với ông Trần Đức Cảnh(*), cựu thành viên ban tuyển sinh vùng Massachusetts (Hoa Kỳ), ông có hơn mười năm giúp Đại học Harvard trong công tác tuyển sinh, hy vọng sẽ cho ứng viên những kinh nghiệm phỏng vấn hữu ích.
Xin ông chia sẻ những điều mà ứng viên nên chuẩn bị để buổi phỏng vấn thuận lợi hơn?
Không có một công thức chung nào cho sinh viên để vào Đại học Harvard. Bản thân ứng viên phải có niềm đam mê, khát vọng theo đuổi một ước mơ và xem học thuật là phương tiện để đạt tới điều mình muốn. Harvard thường ưu tiên những sinh viên năng động, bản lĩnh và có mục tiêu tương lai rõ ràng hơn là những sinh viên chỉ giỏi về học thuật. Trong buổi phỏng vấn, người phỏng vấn thường để ý tác phong, cử chỉ, ứng xử, nét mặt của ứng viên chứ không chỉ lắng nghe câu trả lời. Vì vậy, hầu hết các buổi phỏng vấn đều diễn ra trực tiếp hoặc qua các ứng dụng thấy rõ hình ảnh như skype, facetime do các cựu sinh viên, giảng viên hay thành viên của trường thực hiện.
Những điểm nào thường được xem là “điểm cộng” cho ứng viên, thưa ông?
Ứng viên thể hiện được sự tự tin và niềm lạc quan trong cách diễn đạt, lời nói dễ tạo thiện cảm với người đối diện. Những sinh viên tự tin, chủ động, có chút hài hước, sáng tạo trong câu trả lời càng dễ thuyết phục người phỏng vấn hơn.
Sinh viên Việt Nam thường có thái độ e dè, nhút nhát, không dám nhìn thẳng vào mắt người phỏng vấn. Các bạn cũng thường thiếu tính độc lập trong cách thể hiện hay bày tỏ quan điểm riêng của mình. Có lẽ vì họ thường bị áp đặt bởi nhà trường, xã hội, gia đình, ít có quyết định những vấn đề của bản thân dù học rất giỏi. Cũng may là xã hội đang dần thay đổi, giới trẻ mỗi ngày càng thể hiện sự tự tin và độc lập hơn.
Ngoài ra, sinh viên cần đưa ra và bảo vệ quan điểm, chính kiến của mình về các vấn đề xã hội, chính trị và cuộc sống… thay vì nói chung chung hay những điều người khác muốn nghe.
Người phỏng vấn có hay đưa ra những câu hỏi mang tính “đánh đố”, làm khó sinh viên không?
Tôi nghĩ là hiếm. Thông thường những câu hỏi chỉ nhằm kiểm tra trình độ, kiến thức, quan điểm và khả năng nắm bắt tình hình thực tế xã hội chứ không phải để “làm khó” sinh viên. Nếu câu hỏi nào nằm ngoài tầm hiểu biết của mình thì sinh viên nên nói thẳng là không nắm rõ vấn đề, tránh trả lời vòng vo.
Câu phỏng vấn thí sinh hay gặp là: Nếu được vào Harvard thì bạn sẽ đóng góp gì trong thời gian bạn học tại trường? Ước mơ tương lai của bạn và các bước để thực hiện nó? Bạn nhìn trong gương hình dung mình sẽ thế nào trong 10, 20 năm tới?
Sinh viên nên trả lời như thế nào để người phỏng vấn thấy được khả năng kết nối cộng đồng, đóng góp hữu ích cho cộng đồng sinh viên ngay trong trường. Harvard thường đánh giá cao những sinh viên có tinh thần và ước muốn phục vụ cộng đồng, có khát vọng muốn thay đổi xã hội để hướng tới những điều tốt đẹp hơn. Còn những bạn trẻ chỉ thể hiện sự quan tâm đến vật chất như mức lương và công việc sau khi tốt nghiệp thường không được đánh giá cao.
Nghe nói Harvard cũng “ưu ái” những sinh viên thể hiện cá tính, điều này có đúng không thưa ông?
Chỉ những cá tính thể hiện bản lĩnh của ứng viên thôi. Hầu hết sinh viên khi đăng ký vào Harvard đều có điểm học tập rất cao nên chúng tôi thường tìm kiếm những người có bản lĩnh, tố chất và khả năng thành công cao hơn, nhưng đồng thời phải có nền tảng thực tế. Tôi còn nhớ mình từng phỏng vấn một học sinh gốc người Do Thái sinh ra trong một gia đình rất giàu có. Ngồi trước một người phỏng vấn nhiều tuổi, cậu ấy vẫn bắt chân chữ ngũ và nói chuyện một cách rất tự tin, nhưng có thái độ hơi trịch thượng. Trong 15 phút đầu phỏng vấn, tôi thấy vui vui nhưng cũng phần nào khó chịu. Nhưng sau khi nghe cậu kể về những chuyến công tác tình nguyện vùng Nam Mỹ vào những mùa nghỉ, sự cảm thông, chia sẻ về đời sống thực tế của người nông dân ở những vùng đất khó khăn, kinh nghiệm rút tỉa từ những chuyến đi của cậu khiến tôi bị thuyết phục.
Người phỏng vấn thường là những cựu sinh viên Harvard, hiểu biết về trường và có nhiều kinh nghiệm sống. Bạn có thể mạnh dạn hỏi họ về sự trải nghiệm, hay những lời khuyên thiết thực nếu bạn được nhận vào Harvard. Tôi nghĩ họ sẽ vui vẻ chia sẻ, có thể làm cho câu chuyện phỏng vấn trở nên thú vị và ý nghĩa hơn.
Việc phỏng vấn các ứng viên hằng năm hẳn là một công việc thú vị?
Đúng vậy. Có những ứng viên ấn tượng đến nỗi nhiều năm sau tôi cũng không thể quên. Một trong số đó là một cô gái nhỏ người Trung Quốc với ấn tượng vẻ bề ngoài quê mùa. Nhưng sau buổi phỏng vấn, cô gái để lại ấn tượng tuyệt vời về một khả năng vận động, thuyết phục và tài lãnh đạo ngay từ khi còn bé. Cô là một nữ sinh nhỏ nhắn dám đứng lên làm kiến nghị chính quyền, phản đối chính sách cấm nuôi chó ở khu vực cô ở và đã thành công. Chính vì vậy, khi Harvard xếp cô gái này vào danh sách chờ với hy vọng rất mong manh, tôi đã đấu tranh để cô ấy chính thức được nhận vào học.
Có thể nói, phỏng vấn ứng viên vào Đại học Harvard là một trong những công việc tôi rất yêu thích đến khi không còn làm nữa, tôi cảm thấy rất nhớ. Mỗi một ứng viên cho tôi một bức tranh thú vị, thậm chí các bạn trẻ còn cập nhật cho tôi nhiều kiến thức mới và nhiều bài học ý nghĩa từ cuộc sống. Hy vọng những kinh nghiệm của tôi sẽ giúp cho ngày càng nhiều sinh viên Việt Nam tự tin trước cánh cửa đại học lớn. Để khi bước ra khỏi ngôi trường, các bạn sẽ là những người tiên phong, những nhà lãnh đạo tuyệt vời cho tương lai đất nước mai sau.
Cảm ơn ông về những thông tin trên.
(*) Ông Trần Đức Cảnh, Chuyên gia giáo dục Hoa Kỳ. Nguyên Giám đốc Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực bang Massachusetts, nguyên thành viên Hội đồng liên trường đại học vùng Đông Bắc, và thành viên ban cố vấn tuyển sinh của ĐH Harvard.
- Tường Lam