Phải mất sáu năm tìm hiểu, tìm kiếm học bổng, thạc sĩ khoa học ngôn ngữ Phạm Thị Kiều Ly mới bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở Đại học Sorbonne Nouvelle với đề tài về lịch sử chữ quốc ngữ, như gợi ý của người hàng xóm: nhà giáo Phạm Toàn. Kiều Ly cũng là thành viên của nhóm Cánh Buồm do nhà giáo Phạm Toàn sáng lập.
Trao đổi với Người Đô Thị, Kiều Ly kể về hành trình khoa học của mình: Sau khi học xong thạc sĩ chuyên ngành khoa học ngôn ngữ ở Đại học Lumière Lyon 2 (Pháp), tôi về Việt Nam dạy tiếng Pháp và tham gia sinh hoạt cùng nhóm Cánh Buồm của nhà giáo Phạm Toàn. Khi quyết định tìm hiểu về lịch sử chữ Quốc ngữ, tôi luôn tự vấn: vì sao mình không biết gì về lịch sử chữ viết mình đang dùng? Rất may mắn cho tôi, đúng năm 2013, vùng Ile de France có cấp học bổng cho nghiên cứu sinh dưới dạng contrat doctoral (hợp đồng tiến sĩ) cho ngành khoa học ngôn ngữ.
Nhờ sự tư vấn của nhiều người bạn tôi đã trình hồ sơ và giành suất học bổng.
Trong 5 năm làm luận án, tôi thấy mình thật may mắn vì được làm việc với những người thầy tuyệt vời: Giáo sư hướng dẫn chính cho tôi là Dan Savatovsky (Đại học Sorbonne Nouvelle) luôn tin tưởng và để tôi tự do đi tìm con đường của mình, GS. Alain Fenet (Đại học Nantes) luôn giải đáp thắc mắc về phương pháp nghiên cứu và thầy đỡ đầu Michel Ferlus tôi dạy tôi về lịch sử ngữ âm tiếng Việt…
____
Kiều Ly trang bị cho mình những kỹ năng gì để tiếp cận một lĩnh vực vốn phức tạp và khuất lấp không chỉ bởi thời gian, mà còn những định kiến lịch sử?
Hai năm đầu tôi đã theo học tiếng Latinh, tiếng Bồ Đào Nha để có thể tiếp cận các văn bản gốc liên quan đến chữ Quốc ngữ. Những tài liệu này hiện đang được lưu trữ tại các trung tâm lưu trữ ở Lisboa, Roma, Madrid, Avila, Lyon, Paris. Ngoài ra, tôi cũng đăng ký tham dự các buổi thảo luận về lịch sử ở Paris và theo học một khóa đọc các văn bản cổ ở Sorbonne.
Tôi còn nhớ khi bắt đầu làm luận án được vài tháng, tôi bắt đầu đọc các cuộc tranh luận về công và tội của Alexandre de Rhodes trên mạng từ những năm 1990, tôi đã rất lo lắng và tự hỏi: tại sao chúng ta lại có những định kiến như vậy? Tôi đã gọi cho GS. Cao Huy Thuần ở Paris và giáo sư đã động viên và khuyên tôi cứ đi con đường của mình. Giáo sư nói, những mâu thuẫn trong khoa học và cuộc sống là điều không thể tránh khỏi, đừng vì thế mà mình dừng bước.
Tôi xin phép được trích một trong các email GS. Cao Huy Thuần đã viết động viên tôi: “Một ngày nào đó, lúc “già” chẳng hạn (hoặc là già hơn bây giờ), khi Kiều Ly đọc lại luận văn làm hôm nay, Kiều Ly sẽ ngạc nhiên tự nói: sao lúc đó mình viết hay như thế này, sao mình có thể làm được một công trình như thế này! Và Kiều Ly sẽ nhớ lại những ngày gian khổ, những buổi săn lùng tài liệu, những mồ hôi nước mắt. Ôi, luận văn! Passion của một thời”.
Tôi đã trải qua hầu hết những cung bậc cảm xúc của một người học trở thành nhà nghiên cứu chuyên nghiệp: hạnh phúc vì tìm được tài liệu, căng thẳng, lo âu dò dẫm tìm đường đi cho công trình của mình, mất ngủ. Hàng ngày mình đối mặt với chiếc máy tính của mình và các văn bản viết tay. Nhưng trên tất cả, tôi đã sống những năm tháng hạnh phúc cùng đề tài mình đam mê, sống trong tình bạn nghiên cứu ở khu Sorbonne, hay những trải nghiệm tuyệt vời khi đi tìm tài liệu ở các khu lưu trữ ở Roma (Vatican), Lisboa (Bồ Đào Nha), Madrid, Avila (Tây Ban Nha)
____
Kiều Ly hãy kể về những trải nghiệm…
Luận án tiến sĩ của tôi dày 640 trang, khi bảo vệ thành công, trong cảm xúc vui mừng ấy, tôi buộc miệng tổng kết “4 năm 10 tháng và 15 ngày”. Giáo sư chính của tôi tủm tỉm cười bảo: “Hy vọng đó không phải là những tháng ngày trong địa ngục”. Tôi bảo, đây là những ngày vui, là những ngày đi tìm tài liệu, những ngày được lớn lên trong khoa học.
Kỷ niệm lần đầu sang Roma tìm tài liệu (2015), tôi được giới thiệu đến gặp các sơ dòng Chúa Ba Ngôi. Mấy sơ người Việt ở Roma đồng ý cho ở 5 tuần với giá ưu đãi. Cũng may cho tôi, GS. Philippe Boutry, Hiệu trưởng Trường Panthéon Sorbonne viết cho tôi lá thư giới thiệu. Vị giáo sư này đã có 11 năm việc ở Vatican, và gần như các thủ thư và giám mục phụ trách văn khố đều biết giáo sư.
Mục tiêu của tôi ở Roma là tìm nhiều tư liệu quan trọng, trong đó có ba cuốn từ điển cổ của thầy cả Philiphê Bỉnh cùng các tu huynh soạn tại Lisboa vào cuối thế kỷ XVIII. Mới đầu, tại Thư viện Vatican tôi chỉ nhận được một tập thư mục ghi tên một cuốn. Cho đến khi tìm hết các tập theo catalogue của Thư viện Vatican, tôi cũng không tìm thấy hai cuốn từ điển kia.
- Xem thêm: Quốc văn giáo khoa thư gối đầu giường
Nỗi thất vọng tràn trề, tôi loay hoay không biết làm thế nào để tìm ra và đã định chuyển sang tìm bên phông bí mật của Thư viện Vatican. Có lẽ do tôi quá trăn trở, trong giấc ngủ tôi mơ thấy Alexandre de Rhodes nói lớn “từ điển ở đây này”. Ngay hôm sau, quay lại thư viện, tôi nói với vị phụ trách thư viện, tôi rất buồn vì không thể tìm thấy hai tư liệu rất cần cho nghiên cứu, ông nói ngay “chúng tôi mới làm một thư mục đầy đủ hơn”. Và như một phép lạ, tất cả những gì cần có, đã hiện ngay trước mắt, tôi đã bật khóc trước mặt ông ấy. Ông ấy bảo cảm xúc của cô vì tìm thấy tài liệu cũng là cảm xúc của rất nhiều nhà nghiên cứu tôi đã gặp ở đây.
____
Kiều Ly đã tiếp cận văn bản gốc viết tay, hay văn bản cổ. Những công trình nghiên cứu chữ Quốc ngữ của các nhà nghiên cứu trong nước trước đây đã giúp chị như thế nào khi nối tiếp?Tài liệu (tác phẩm hoàn chỉnh) chữ Quốc ngữ nào đầu tiên do người Việt soạn còn được giữ đến ngày nay?
Khi một nghiên cứu sinh bắt đầu làm luận án, thì việc đầu tiên là đi lại con đường mà các nhà nghiên cứu khác đã đi. Chữ Quốc ngữ đã được rất nhiều nhà nghiên cứu lưu tâm, ta có thể kể đến thế hệ các linh mục được sang Roma những năm 1950 như Thanh Lãng (Thanh Lãng đã giới thiệu các công trình của Philiphê Bỉnh hiện lưu trữ tại Thư viện Vatican) và Nguyễn Khắc Xuyên, chữ quốc ngữ từ thập niên 1960 và sau này về cuộc đời, sự nghiệp của Alexandre de Rhodes.
Đến năm 1972, linh mục Dòng Tên Đỗ Quang Chính xuất bản cuốn Lịch sử chữ Quốc ngữ (1620-1659) sau thời gian học chuyên ngành lịch sử tại Đại học Sorbonne. Những công trình này, được xuất bản ở miền Nam trước 1975.
Cũng cần kể thêm các công trình của GS. Roland Jacques như bài báo Le Portugal et la romanisation de la langue vietnamienne. Faut- il réécrire l’histoire? (Bồ Đào Nha và công trình sáng chế chữ Quốc ngữ – Phải chăng cần viết lại lịch sử?) xuất bản năm 1998 hay cuốn sách Pionniers portugais de la linguistique vietnamienne jusqu’en 1650 (Công trình của những người Bồ Ðào Nha tiên phong trong lĩnh vực ngữ học Việt Nam cho đến năm 1650) xuất bản năm 2002.
Các công trình tiêu biểu kể trên đã cho tôi kiến thức tổng quan về lịch sử chữ Quốc ngữ. Nhưng chữ Quốc ngữ gắn liền với lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, may mắn tôi đã được tiếp cận với các công trình nghiên cứu của GS. Trần Quốc Anh, Peter C. Phan.
Trong các tài liệu mà tôi tìm kiếm được, văn bản chắc chắn nhất do người Việt soạn có lẽ là bản viết tay năm 1659 của Bento Thiện có tựa đề Lịch sử nước An nam, gồm 6 tờ giấy tức là 12 trang, viết chữ nhỏ, phần nhiều các trang viết trong khổ 20x29cm.
____
Trong một lần thuyết trình, PGS-TS ngôn ngữ học Hoàng Dũng có tiết lộ công trình nghiên cứu của Kiều Ly đã đưa ra nhận định khác so với GS-TS. Roland Jacques. Những luận điểm đó là gì, và vì sao có sự khác biệt như vậy?
Khi nghiên cứu về vai trò Dòng Tên Bồ Đào Nha trong tiến trình ghi tiếng Việt bằng con chữ La tinh, GS. Roland Jacques đã khám phá và phân tích một bản thảo khuyết danh trong bộ sưu tập Jesuítas na Ásia tại Thư Viện Ajuda ở Lisboa, bản thảo có tiêu đề là Manuductio ad linguam Tunckinenesem (Nhập môn về tiếng Đàng Ngoài). GS. Jacques kết luận người soạn thảo bản này là linh mục Honufer Burgin (tiếng Bồ Đào Nha là Onofre Borges), một tu sĩ Dòng Tên người Thụy Sĩ sống ở vùng nói tiếng Đức. Alexandre de Rhodes (tác giả của bản ngữ pháp in cùng từ điển Việt-Bồ-La năm 1651) cùng với linh mục Burgin đã làm việc biệt lập nhưng cùng dựa vào cuốn văn phạm của linh mục Francisco de Pina.
Vào năm thứ 2 làm luận án (2015), khi nghiên cứu đến bản ngữ pháp này, tôi bắt đầu nghi ngờ kết luận này của GS. Jacques vì nếu là Nhập môn tiếng Đàng Ngoài thì sao lại liên quan đến ngữ pháp của Pina (một linh mục chỉ sống ở Đàng Trong). Tôi bắt đầu phân tích cẩn thận văn bản thấy có một số chỉ dẫn ngôn ngữ cho phép tôi khẳng định người soạn bản Nhập môn này đã dựa vào bản ngữ pháp của Alexandre de Rhodes (1651).
Hơn nữa khi đọc nhiều nguồn tư liệu, tôi thấy thêm bằng chứng là Nhập môn được gửi cùng các tường trình khác đến Bề trên miền Đàng Ngoài là cha Francisco Rodrigues, những bằng chứng đều hướng đến nhận định: tác giả công trình này là nhà truyền giáo Dòng Tên gốc Đức hoạt động vào thời đoạn từ 1705 đến 1730.
Phân tích những dữ liệu truyền giáo về Thừa sai Dòng Tên gốc Đức đã có mặt tại Đàng Ngoài, cùng với việc tham khảo các bản thảo ở Lisboa và Roma dẫn đến kết luận: có nhiều khả năng Nhập môn được soạn vào những năm 1714-1721, ngược với những gì GS. Jacques và các nhà nghiên cứu khác đã khẳng định. Do đó, tác giả Nhập môn về tiếng Đàng Ngoài chính là linh mục Philippus Sibin, nhà truyền giáo Dòng Tên người Đức đã ở Đàng Ngoài từ năm 1714.
Tôi mất khoảng 1 năm để tìm lý lẽ và dẫn chứng, đến tháng 5.2017, tôi mới nghĩ đến việc viết bài để công bố. Bản thảo lần đầu chưa thuyết phục được cả ba giáo sư phản biện. Dù vậy, tôi tin rằng mình có lý và lại tiếp tục sang Roma, Lisboa để tìm tư liệu, chứng minh giả thuyết của mình.
Hè 2018, tôi mới bắt đầu dịch bài báo sang tiếng Anh rồi gửi bài cho Journal of Vietnamese Studies của University of California Press. Các bạn Mỹ cẩn thận hơn, lại tiếp tục phản biện độc lập, rồi sửa, và đề nghị làm rõ hơn một số lập luận, dẫn chứng (tổng cũng đến 4-5 lần). Cuối cùng thì bài cũng được đăng trên số mùa xuân năm 2019.
____
Theo chị, những điểm mới trong công trình nghiên cứu của mình là gì?
Các nhà nghiên cứu trước tôi thường chỉ nghiên cứu lịch sử chữ Quốc ngữ và liên tưởng tới quá trình La tinh hóa tiếng Nhật, Trung. May mắn là viện nghiên cứu của giáo sư huớng dẫn chính cho tôi lại chuyên nghiên cứu về lịch sử các lý thuyết ngôn ngữ trong đó có ngữ học truyền giáo. Nhờ đó tôi hiểu được rằng hai công cụ học tiếng luôn được dùng từ thời Trung cổ ở châu Âu là: ghi các ngôn ngữ bằng con chữ La tinh và cùng với việc miêu tả ngôn ngữ đó theo mô hình ngữ pháp La tinh. Luận án của tôi nghiên cứu các bản ngữ pháp chính từ 1651 đến 1919 và chỉ ra sự chuyển dịch từ mô hình ngữ pháp La tinh sang mô hình La tinh – Pháp.
Về lịch sử chữ Quốc ngữ, nhờ việc thu lượm tối đa các văn bản viết tay mà tôi phục dựng lại được khá chi tiết thời kỳ đầu tạo ra chữ Quốc ngữ. Hơn nữa, tôi cũng chỉ ra được những mốc thời gian quan trọng như “hội nghị” đầu tiên về chữ Quốc ngữ của các Thừa sai ở Macao (Trung Quốc) năm 1630 hay khi Gaspar do Amaral soạn từ vựng năm 1634. Ngoài ra tôi cũng nhấn mạnh đến vai trò của António de Fontes, linh mục người Bồ Đào Nha đến Đàng Trong năm 1624, ông là cầu nối của chữ tiền Quốc ngữ ở Đàng Trong và Đàng Ngoài.
- Xem thêm: Ấy là hương vị tiếng nước tôi!
Lịch sử chữ Quốc ngữ dưới thời Hội Thừa sai Paris cũng chưa được các nhà nghiên cứu lưu tâm, tôi cũng chỉ ra sự thay đổi vai trò của lối viết này từ một công cụ học tiếng sang công cụ trao đổi thông tin, sau khuyến nghị của Giám mục Deydier năm 1685. Tôi cũng chỉ ra được vai trò của các chủng sinh người Việt trong công cuộc soạn từ điển Viêt – La năm 1772-1773. Chúng ta thường gán tác giả cho cuốn từ điển này là Pigneaux de Béhaine, nhưng thực tế đó là tư duy làm từ điển của người bản xứ…
Chữ Quốc ngữ khai mở tư tưởng, văn hóa mới
Chúng ta đều biết, việc người người Pháp đổ bộ vào Cửa Hàn năm 1858 rồi đến khi họ đổ bộ vào Sài Gòn ngày 17.2.1859 đã làm thay đổi tình hình chính trị của Việt Nam. Nền giáo dục và lựa chọn chữ viết của chúng ta cũng thay đổi theo. Người Pháp bắt đầu mở trường học và họ buộc phải lựa chọn giữa dạy bằng tiếng Pháp hay tiếng Việt. Nếu dạy bằng tiếng Việt thì chọn chữ Nho hay chữ Quốc ngữ. Đại đa số người Pháp lựa chọn chữ Quốc ngữ vì theo họ chữ Nho quá khó.
Tuy nhiên việc đưa chữ Quốc ngữ vào trường học và phổ biến lối viết này là cuộc tranh luận khá gay gắt cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Về phía người Việt, cũng xuất hiện hai luồng ý kiến ủng hộ và phản đối dùng chữ Quốc ngữ. Bên ủng hộ là đại diện là Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của. Phía không ủng hộ là các nhà Nho yêu nước như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa…
Năm 1919, vua Khải Định ra chiếu rằng: “Kỳ thi năm nay là khoa thi cuối cùng, đường khoa cử từ đây dứt hẳn”. Sự kiện đánh dấu sự chấm dứt của khoa bảng phong kiến Việt Nam và đánh dấu sự phổ biến rộng hơn của chữ Quốc ngữ trong các văn bản hành chính và trong giáo dục.
Trên thực tế chữ Quốc ngữ góp phần rất lớn vào công cuộc khai dân trí đặc biệt vào đầu thế kỷ XX. Bên cạnh các ấn phẩm báo chí, rất nhiều sách khoa học, văn chương, nghệ thuật, triết học của Pháp được dịch sang tiếng Việt. Rất nhiều các tác phẩm văn học của Việt Nam được xuất bản bằng chữ Quốc ngữ như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên…
Những khái niệm như dân tộc, tổ quốc, quốc dân, văn minh, khai hóa, tiến hóa, ái quốc tâm, chủng tộc được đưa vào chương trình dạy học. Chính những khái niệm mới mà người học trò được học dưới mái trường đã thúc đẩy sự ra đời của chủ nghĩa dân tộc với những câu hỏi về quyền con người, về Tổ quốc, về độc lập, về tự do.
(Lược trích trong đề tài nghiên cứu của TS. Phạm Thị Kiều Ly)
– Ảnh: NVCC