Khoảng năm năm trước, nhân triển lãm “Hội họa ứng xử” của họa sĩ Văn Ngọc tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, nhà lý luận – phê bình Nguyễn Quân đã nói về một nghệ sĩ “sống khá cô độc và làm việc quá điên rồ tại Vũng Tàu”, ở đó ngôi nhà – xưởng họa của ông “đã trở thành một điểm đến hấp dẫn các đồng nghiệp và người yêu nghệ thuật”. Mới đây, một không gian Văn Ngọc thứ hai đã ra đời cũng tại thành phố biển.
“Điểm đến hấp dẫn” nói trên nằm trong một con hẻm nhỏ của thành phố du lịch Vũng Tàu (ở số 127/20/22 đường Phạm Hồng Thái) và được chủ nhân gọi là “nhà tù Văn Ngọc”. Nếu chưa từng đến với cái “nhà tù” lạ lùng này thì người ta thật khó hình dung nó qua lời kể, ngay cả qua hình ảnh tĩnh hoặc động. Thật ra đây là ngôi nhà của Văn Ngọc và gia đình ông từ sau ngày họa sĩ rời miền Bắc vào Vũng Tàu lập nghiệp hơn 20 năm trước, cũng là nơi Văn Ngọc chất chứa hàng trăm tác phẩm được ông thực hiện trong nhiều năm. Có thể gọi đó là một bảo tàng nghệ thuật của riêng ông với tranh, tượng, sắp đặt gây bất ngờ và tạo ấn tượng mạnh trong những khoảng không gian rối rắm thị giác, những hành lang hẹp và tối khiến người ta như lạc vào mê cung. Nhưng từ bất kỳ góc nhìn nào cũng thấy được tác phẩm: cái đặt nằm trên sàn, cái dựng trên vách, cái treo lủng lẳng trên đầu hay chất chồng, đan xen vào nhau… Rất nhiều những vật liệu, đồ đạc phế thải, bị vứt bỏ được Văn Ngọc nhặt nhạnh trong nhiều năm, đem về tạo tác, làm nên hồn vía – mang lại sự sống mới cho chúng. Chỉ trong cõi sáng tác biệt lập như một “nhà tù” ấy, gã “tù nhân tự nguyện” Văn Ngọc mới được tự do hoàn toàn để thể hiện những ý tưởng sáng tạo có khi “điên rồ” của mình mà không ảnh hưởng đến người khác. “Nhà tù Văn Ngọc” theo Nguyễn Quân là “một tác phẩm sắp đặt lớn” và những gì được trưng bày ở đó “không phải hội họa, điêu khắc cũng không phải là sự trộn lẫn hội họa và điêu khắc một cách cơ học mà là sự sắp đặt các tác phẩm hội họa, điêu khắc theo ý niệm của tác giả”.
Ban đầu, “Nhà tù Văn Ngọc” chỉ đón bạn hữu, đồng nghiệp xa gần của ông cùng những ai biết đến tác phẩm của người nghệ sĩ kỳ lạ ấy, nhưng rồi “tiếng lành đồn xa” có rất nhiều người địa phương cũng như du khách đã tìm đến đây. Nay thì “Nhà tù Văn Ngọc” đã thực sự trở thành một địa chỉ văn hóa ở thành phố biển với lịch tham quan từ 8g – 11g và từ 16g – 20g các ngày thứ 3, thứ 5 và thứ 7 hằng tuần.
Cuối tháng 7 vừa qua, đông đảo bạn bè, thân hữu của Văn Ngọc trong giới mỹ thuật và nhiều cơ quan báo đài được họa sĩ mời đến dự khai mạc một không gian nghệ thuật mới của ông, được tác giả gọi là “Không gian hầm” (Underground space), nơi ông giới thiệu khoảng mười tác phẩm mới của mình. Như tên gọi, đó là một phần tầng hầm của một khách sạn lớn trên đường Hạ Long, nhìn ra Bãi Trước và mặt biển Vũng Tàu mênh mông. Trước đây, tầng hầm là nơi giữ xe và nhà kho của khách sạn, sau đó được cải tạo thành một không gian nghệ thuật bởi các nhà quản lý khách sạn vốn yêu mến người nghệ sĩ đã gắn bó với thành phố biển đã hơn 20 năm qua và đã để lại dấu ấn nghệ thuật đậm nét. Họ cũng hy vọng không gian nghệ thuật này sẽ góp phần thu hút du khách phương xa đến với Vũng Tàu như cách của “Nhà tù Văn Ngọc”.
Trong “Không gian hầm” vẫn là một Văn Ngọc “bất khả tri” với những bố cục màu sắc tối giản, những hình thù nguệch ngoạc, đôi khung ảnh chân dung tác giả thay cho tranh tự họa, thậm chí chỉ là một mảng tường xi măng sơn xám loang lổ. Và như trong vài triển lãm những năm qua, có rất nhiều tranh – gương, một dấu chỉ nghệ thuật hay “một ứng xử với/bằng hội họa” của Văn Ngọc như cách nói của Nguyễn Quân: “Gương vừa sắc nhọn vừa sáng rỡ, phản chiếu ánh sáng chói, bật khỏi nền tranh, vừa kiều mỹ vừa nguy hiểm. Và quan trọng hơn nó buộc ta phải soi mình, nhìn thấy mình và những thứ khác trong gương khi “ứng xử” với tác phẩm”. Theo họa sĩ Ca Lê Thắng, không gian nghệ thuật mới của Văn Ngọc một lần nữa cho thấy “cái tôi nghệ thuật” khác biệt của ông vốn đã sớm được Văn Ngọc định hình từ nhiều năm trước qua những triển lãm thường gây “bão” trong giới tạo hình cả nước. Còn với tác giả chủ nhân của “Không gian hầm”, ông “không giải thích mà muốn người xem tự cảm nhận, suy ngẫm” khi xem tác phẩm của ông: “Trong khung cảnh ấy, trong bối cảnh ấy mỗi người sẽ có những cảm xúc của riêng mình”. Hẳn đó cũng là cách “ứng xử với hội họa, với nghệ thuật”.
“Không gian hầm” với diện tích khoảng 200m2 không chỉ là nơi tổ chức các đợt trưng bày, triển lãm thường xuyên tác phẩm của Văn Ngọc mà còn là sân chơi cho giới họa sĩ cả nước. Văn Ngọc cho biết cứ khoảng 2-3 tháng các tác phẩm trưng bày sẽ được thay đổi để làm mới phòng triển lãm. Dự kiến của ông là sắp tới sẽ triển lãm tranh của hai họa sĩ đàn anh Ca Lê Thắng – Đào Minh Tri.
Họa sĩ Văn Ngọc sinh năm 1959 tại Phú Thọ, tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1992, đến năm 1993 cùng gia đình vào Vũng Tàu định cư. Trước khi sống trọn vẹn với nghệ thuật, Văn Ngọc từng có thời gian dạy học, làm báo… Năm 2003, ông tham gia trại sáng tác tại Toulouse (Pháp), năm 2004 dự trại sáng tác tại Vermont (Mỹ). Đã có nhiều triển lãm cá nhân và nhóm tác giả. Năm 2010, tác phẩm Dư chấn đoạt giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam, năm 2013, tác phẩm Đảo xa đoạt giải B triển lãm mỹ thuật khu vực miền Đông Nam bộ…
- Diên Vỹ