Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng thời gian qua, một số thị trường lớn nhận lao động Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan cũng gặp khó khăn về kinh tế nên việc tiếp nhận lao động hạn chế. Ngoài ra, một số thị trường không còn hấp dẫn về thu nhập, chẳng hạn như Malaysia – thu nhập chỉ từ 8 đến 10 triệu đồng/tháng…
Lao động chuẩn bị làm thủ tục xuất cảnh ở Sân bay Nội Bài
Về chỉ tiêu đưa 100.000 lao động ra nước ngoài trong năm 2013, bà Chuyền đánh giá “cũng có những tín hiệu tích cực như triển vọng đưa lao động là y tá, hộ lý sang Nhật Bản, Đức hay một số thị trường Trung Đông”, với điều kiện “nếu tình hình ổn định trở lại”.
Đề cập đến tình trạng một số lao động bị lừa đưa đi làm việc tại Angola gây xôn xao dư luận gần đây, bà bộ trưởng cho biết đến thời điểm này Việt Nam chưa có thỏa thuận lao động với Angola, đồng thời đưa ra lời khuyên rằng “Để hạn chế tình trạng bị lừa đảo thì phải tìm hiểu kỹ thị trường đã hợp tác hay chưa, tổ chức đưa người lao động đi có hợp pháp hay không”.
Theo bà, người lao động nên liên hệ với Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) kể cả về thị trường và phương thức đưa lao động. “Bởi nếu bạn ra nước ngoài lao động mà không qua tổ chức hợp pháp thì sẽ gặp khó khăn trong việc được bảo vệ quyền lợi hợp pháp tại nước sở tại”. Riêng đối với những người lao động ở vùng sâu, vùng xa, không có điều kiện liên hệ trực tiếp với Cục Quản lý lao động ngoài nước thì có thể đến Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội để hỏi thông tin và nơi này có trách nhiệm liên hệ với Cục Quản lý Lao động ngoài nước để tìm hiểu thông tin, trả lời cho người lao động.
Gia Minh tổng hợp