“Sao em lại nói vậy, khi có lần báo chí đưa tin Việt Nam là nước hạnh phúc thứ nhì thế giới?” – Tôi hỏi và hai vợ chồng cùng phì cười về sự… vớ vẩn của nhà báo. Họ sẽ cãi rằng thế giới người ta dựa vào tiêu chí này nọ mới tính ra được như vậy chứ nhà báo đâu có bịa.
Giống như Bộ Giáo dục và Đào tạo quan liêu giấy tờ ưu tiên cộng thêm điểm thi đại học cho… bà mẹ Việt Nam anh hùng. Khi bị “ném đá” tơi bời (các mẹ anh hùng thì cho đậu thẳng còn thêm tiền cũng được, chẳng ai thắc mắc, nhưng mà các mẹ nay… cầm muỗng múc sữa uống còn không nổi thì thi làm sao… – đại loại người ta “ném đá” mấy ông quan liêu như vậy đầy trên mạng), thì không nhận mình quan liêu hay đổ “lỗi của người đánh máy” cho nhanh, lại còn đứng ra cãi đúng, rằng có thể mẹ anh hùng…
30 tuổi vì có một con 18 tuổi đi bộ đội hy sinh chẳng hạn (lời bình dân mạng: Chắc là chuẩn bị cho đại chiến thế giới lần thứ ba và bà mẹ phải sinh con lúc bà… 12 tuổi!). Sự thật thì chỉ là quan liêu thôi, trong danh sách diện ưu tiên thường có cả cụm “Bà mẹ anh hùng, người có công…” thế là điền luôn vào diện ưu tiên… thi đại học, quên rằng người thi phần lớn là học sinh hết phổ thông, bậc cháu của các cụ. Cãi mãi, lòi ra có cả những người tham gia Cách mạng trước năm 1945, tức là nay ngoài 80 cả rồi, nhiều người đâu còn sống.
- Xem thêm: Bình… loạn thời sự
Thế rồi mới im. Đó, cách tính hạnh phúc coi chừng là vậy, đừng tin. Kinh tế đang kiệt quệ, nợ xấu, bất động sản vỡ, mà thích la ó lên: “Nền kinh tế Việt Nam xếp thứ 42 thế giới, sát sau Singapore!”.
Có nhà báo chuyên về kinh tế nói rằng họ tính GDP theo nhiều kiểu lắm, cứ chộp lấy một cách vô lối rồi la lên, chắc muốn cho dân đừng quá nản. Báo chí bây giờ có chịu đi đâu, ngồi nhà xào mạng, viết sai nhiều lắm mà chưa ai “thanh tra” nhỉ?
Bà xã nói chí lý thế thì tôi cãi sao nữa, đành nghe cô ấy nói “Con người ta bây giờ chẳng còn khả năng hạnh phúc được nữa đâu”. “Là vì mang tâm ấn ô trọc”, “không bao giờ dừng lại”, “không bao giờ thấy đủ, “không bao giờ nghĩ mình sai hoặc biết sai cứ làm chẳng sợ”… Ôi, chụp mũ to đùng, dùng cả từ nghiên cứu tâm linh… Tôi biết cãi bằng lý luận nào đây cho lại?
Bà xã kể: “Em thấy nhiều người đua chen đi học thiền, học tư duy tích cực vì cuộc sống của họ căng thẳng quá, bị căn bệnh thế kỷ là stress. Nhưng khi nghe giảng bài thì cứ “tức anh ách”.
Tưởng sẽ cho mình bài thuốc bí truyền cực mạnh nào để chữa, đằng này lại toàn nói: Lỗi là ở bạn, bạn không thể thay đổi ai xung quanh, bạn chỉ có thể thay đổi chính mình. Đời thay đổi khi ta thay đổi. Vậy chính ta có lỗi, chính ta phải thay đổi.
Coi như đi học khóa “tự phê bình” à? Có người lại nói vậy là “hạ chuẩn” xuống, chẳng khát vọng, không cạnh tranh, như người… tu hành sao, trong khi con người phải sống giữa cuộc đời ô trọc? Thế thì đâu là lý thuyết cải tạo thế giới và tranh đấu?”.
Rồi cô ấy còn kể cho tôi nghe, rằng phương Tây thì luôn tự hỏi “Tôi có cái gì?”, trong khi phương Đông cứ tự hỏi “Tôi là ai?”. Một đằng đấu tranh chinh phục thiên nhiên, một đằng tự thu xếp mình hài hòa với thiên nhiên để sống. Chẳng biết ông nào khôn, ông nào dại.
Một hồi, la lên: Trái đất đang bị chính con người tàn phá hủy diệt sự sống, môi trường, chính trái đất còn không sống nổi…
Chẳng biết bà vợ nội trợ của tôi trở nên thông thái tự bao giờ. Con cái đi học xong, cô ấy cũng đi gặp bạn, thỉnh thoảng ngồi cà phê, theo học khiêu vũ, lớp thiền, yoga, vào mạng.
- Xem thêm: Chẳng dại gì bức xúc…
Sự hiểu biết tăng lên cùng với sự phức tạp bắt đầu len vào cuộc sống. Người ta không thể sống đơn giản được nữa rồi, luôn phải vượt lên sức mình, thật là quá tải. Rất khó làm cho con người hài lòng với cuộc sống của họ. Mà hạnh phúc thật ra chính là sự cảm nhận.
Cảm thấy hài lòng tức là hạnh phúc rồi đó. Mà bây giờ tìm trong nhân loại rất khó kiếm một người dễ tính, bằng lòng với cuộc sống. Thì thế mới kết luận, không còn có khả năng hạnh phúc được nữa…