Chúng ta có thể trách cứ một số doanh nghiệp thiếu năng lực quản lý, đầu tư dàn trải và không hiệu quả, lạm dụng việc sử dụng đòn bẩy tài chính và chấp nhận rằng những doanh nghiệp kém cỏi này không sớm thì muộn cũng phải lâm vào tình trạng phá sản, bị loại khỏi cuộc chơi do hoạt động không hiệu quả, và thậm chí không cần phải cứu. Họ giống như những chiếc thuyền đánh cá cũ nát không trang bị đầy đủ, thủy thủ đoàn không chuyên nghiệp mà lại mạo hiểm ra khơi nên việc đắm thuyền chỉ là chuyện sớm muộn và nếu cứu họ thì đó chỉ là chuyện nhân đạo. Tuy nhiên, khi nhiều ngư thuyền bị đắm hàng loạt trong đó có cả những ngư thuyền tốt và trang bị đầy đủ, thủy thủ đoàn giỏi, cần phải thấy rằng là đã xảy điều gì đó không do lỗi của riêng họ. Phải chăng thời tiết xấu, những cơn bão lớn xuất hiện đã nhấn chìm họ một cách oan uổng?
Trong cả hai trường hợp dẫn đến việc thực hiện các giải pháp cứu trợ, những nguyên nhân dẫn đến khó khăn của doanh nghiệp về cơ bản không khác nhau. Các doanh nghiệp hấp hối vào năm 2009 và 2012 đều than trách là lãi suất ngân hàng và thuế suất quá cao, nguồn vốn tín dụng khan hiếm khiến cho gánh nặng tài chính trở nên không kham nổi đối với họ. Hiệu ứng đổ vỡ dây chuyền xảy ra. Khi doanh nghiệp thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, hàng loạt lao động phải mất việc, khối cầu khả dụng trong nền kinh tế đương nhiên sút giảm khiến cho hàng hóa sản xuất trong nước không bán được, doanh nghiệp bị đẩy tới bờ vực phá sản. Sự phá sản của doanh nghiệp đến lượt nó đe dọa an nguy của hệ thống ngân hàng. Đến lúc đó, Nhà nước không thể khoanh tay đứng nhìn. Giải pháp cứu trợ là một sự chọn lựa không thể khác hơn với một mục tiêu kép: Cứu doanh nghiệp để giúp nền kinh tế vượt qua vũng lầy của suy thoái.
Những tín hiệu đáng báo động trong nền kinh tế đã xuất hiện ngay từ năm 2011, khi bong bóng thị trường bất động sản tan vỡ kéo theo sự sụt giảm mạnh của ngành xây dựng và các ngành sản xuất có liên quan. Tín dụng dành cho bất động sản và chứng khoán bị đóng băng ảnh hưởng đến tình hình thanh khoản của các ngân hàng. Để giải quyết bài toán thanh khoản sống còn, các ngân hàng đã đua nhau đẩy lãi suất huy động lên cao chót vót. Thanh khoản khó khăn khiến đồng vốn dành cho tín dụng ngày càng trở nên khan hiếm, do đó nhiều doanh nghiệp phải giảm sản xuất và sa thải lao động. Chỉ số giá tiêu dùng vào đầu năm 2012 bắt đầu có dấu hiệu sụt giảm, tồn kho hàng hóa bị ứ đọng, sản xuất kinh doanh ngày càng lún sâu vào đình trệ và đẩy hàng vạn doanh nghiệp vừa và nhỏ vào tình trạng vỡ nợ. Vào thời điểm đó, dường như chúng ta vẫn còn cho rằng sự phá sản các doanh nghiệp tư nhân là một sự sàng lọc tuy nghiệt ngã nhưng cần thiết của thị trường. Mục tiêu chống lạm phát vẫn được kiên trì theo đuổi, hạn mức cấp phát tín dụng vẫn được siết chặt và lãi suất được duy trì ở mức cao. Các doanh nghiệp càng lún sâu vào khó khăn hơn khi họ phải đối mặt với đợt tăng giá xăng mới làm ảnh hưởng đến giá thành sản xuất. Hàng hóa không bán được vì giá cao và không thể cạnh tranh với hàng ngoại, nhưng chính áp lực của lãi suất cao và tình trạng khát vốn mới chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết hàng loạt của đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Gói cứu trợ gần 30.000 tỉ đồng của Chính phủ hiện nay rất cần thiết nhưng chắc chắn nó không thể cứu kịp những doanh nghiệp vừa và nhỏ đã và đang ngã xuống. Đối với những doanh nghiệp còn sống sót, gói cứu trợ – chủ yếu là giản và giảm thuế cho doanh nghiệp – là một liều thuốc cần nhưng chưa đủ. Phát biểu tại phiên làm việc của Thường vụ Quốc hội hôm 4-5, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định mục tiêu chính của gói cứu trợ 29.000 tỉ đồng là giúp cải thiện nguồn vốn lưu động của các doanh nghiệp cũng như tác động vào tổng cầu, trong đó 13.000 tỉ đồng nhằm miễn các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế khoán, thuế môn bài và gần 16.000 tỉ đồng cho việc giãn thuế VAT. Tuy nhiên đối với doanh nghiệp, yêu cầu của họ còn hơn thế. Một doanh nghiệp trong ngành sản xuất xi măng tại Hải Phòng than thở: “Nếu không có cách nào cải thiện sức mua xi măng thì dù có được Nhà nước cho giảm thuế, chúng tôi cũng không có lãi mà nộp, không có vốn để tiếp tục sản xuất”. Lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất vôi cục xuất khẩu cho biết: “Thay vì giãn VAT, giá như Chính phủ cho giảm thuế khoảng 5% thì chúng tôi sẽ ít nhiều được lợi về giá. Như vậy hàng mới bán được, mới có thu nhập để cải thiện nguồn tiền cho công ty”.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Cao Sĩ Kiêm – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ – thừa nhận có những yếu tố tích cực trong giải pháp cứu trợ vừa được Chính phủ công bố. Tuy nhiên, ông cho rằng các giải pháp nêu trên “chưa đủ cứu doanh nghiệp” vì việc miễn 30% thuế thu nhập doanh nghiệp thực chất chỉ hướng vào những đơn vị có lợi nhuận, trong khi việc giãn VAT thực chất chỉ là kéo dài thời gian nộp thuế…”. Ông cho rằng hiện nay cái mà doanh nghiệp cần hơn là nguồn vốn tín dụng với mức lãi suất hợp lý mà họ có thể chịu đựng được. Tuy nhiên, điều nghịch lý là hiện nay có thông tin cho rằng nhiều ngân hàng lớn đang thừa vốn nhưng không thể cho vay được vì nhiều doanh nghiệp không đạt chuẩn để được vay. Cơ chế bảo lãnh doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn ngân hàng chưa hoạt động tốt. Như vậy, chương trình hỗ trợ tín dụng cho bốn lĩnh vực sản xuất kinh doanh ưu tiên mà Ngân hàng Nhà nước đề ra sẽ còn lắm gian nan mới có thể đạt được mục tiêu kỳ vọng.