Một người gọi điện hỏi chuyên gia, “Anh ơi, em dành dụm được 30 triệu giờ muốn khởi nghiệp phải làm thế nào?”.
Ôi trời – vị chuyên gia nói từ ngày có chuyện khởi nghiệp, cứ nghe gọi điện hỏi như vậy suốt. Ngày trước chỉ ngóng từ xa nghe nói Israel là “quốc gia khởi nghiệp”, thật ngưỡng mộ, dân số có mấy triệu người mà có tới cả ngàn doanh nghiệp – sợ ghê.
Cứ tưởng xa xôi, nào ngờ đùng một cái, nóng lên lời kêu gọi khởi nghiệp. Nghe thật… sang chảnh, muốn lắm nhưng không biết cách làm sao.
Sốt ruột hơn nữa, nghe truyền thông đưa tin “có những dòng chảy ngược”, thí dụ người Philippines chuyên đi giúp việc nhà khắp thế giới (ở Sài Gòn, sang khu Thảo Điền, Q.2 mà xem, nhiều lắm) vậy mà nay họ bỏ về nước. Dòng chảy ngược vậy là do kinh tế của đất nước phát triển, về thôi, về nước có việc làm, không đi bán sức lao động ở xứ người nữa.
- Xem thêm: Thói tinh ranh đường phố
Đáng sợ nhất là, mình thì đang kêu la khó khăn, thiên hạ kêu la chuyện người tài giỏi bỏ nước đi hết lấy ai xây dựng đất nước, vậy mà báo đăng hẳn hoi, báo của Tây đàng hoàng, không phải của ta tuyên truyền hay “tự nhận” gì, rằng “Việt kiều tìm thấy cơ hội ở Việt Nam”. Việt kiều đang trở về nước để khởi nghiệp.
Lại nói chuyện vị chuyên gia kia phải trả lời điện thoại liên tục những câu hỏi “em muốn khởi nghiệp, không biết bắt đầu từ đâu”.
Vị ấy kêu trời: “Muốn khởi nghiệp đâu phải phong trào hô ào ào. Nghe nói một cái là nhao nhao không biết gì hết. Trước tiên phải biết mình đã chứ. Mình muốn gì, có thế mạnh gì, suy nghĩ từ đâu, hãy cho xem kế hoạch và các hoạt động cụ thể, các chỉ số để đánh giá.
Là vì thế giới người ta có định nghĩa khởi nghiệp, startup lấy bối cảnh là thế giới chuyển từ thời đại công nghiệp sang thời đại thông tin. Những khái niệm mới, nền tảng, có sự tham gia của công nghệ, tức là khởi nghiệp bằng công nghệ…”.
Nghe đến đây mới kêu “trời ơi, tôi có mấy chục triệu bạc, muốn “khởi nghiệp làm chả cá” chẳng hạn, dính gì đến công nghệ?”.
Vị chuyên gia cũng kêu lên: “Sao lại không? Trên thế giới người ta có những trang web kết nối các căn hộ bỏ trống trên thế giới lại để trao đổi mua bán. Hay như taxi Uber đó, họ dùng mạng kết nối những xe có sẵn, không phải đầu tư mua xe mới. Họ làm thay đổi một nghề”.
“Vậy chả cá của tôi thì sao đây?”. “Chả cá ư, phải đem hàng đến cho người mua bằng công nghệ, có cả một “chuyên đề” lấy âm hưởng là chả cá để có một thực đơn hoàn chỉnh, người dùng không chỉ có chả cá mà nhiều món chế biến từ chả cá…”.
Nói một hồi mới té ngửa, hóa ra, khởi nghiệp không phải chỉ hô hào hay nghe sang chảnh nên nhào vô, mà phải trả lời nhiều câu hỏi quá, kế hoạch thế nào, tài chính ra sao, tiến độ sẽ nhanh hay chậm. Mà lại phải có sự tham gia của công nghệ làm thay đổi hoặc làm gián đoạn hẳn một công việc nào đó có kết quả tốt hơn.
Ôi trời, nghe vậy mới biết khởi nghiệp đâu phải chỉ nói cho vui. Xứ người đã từng khởi nghiệp rồi “lăn ra chết” hàng loạt, chỉ còn 20% doanh nghiệp sống sót. Vì khởi nghiệp còn phải là quốc sách của quốc gia nữa chứ chẳng phải chỉ mấy người buôn bán vặt. Phải có những chính sách theo sát và hỗ trợ theo vòng đời của doanh nghiệp nữa kia.
Vậy khởi nghiệp là từ… sang chảnh quá đi chứ? Phải học thôi, đâu có khơi khơi được.
Nghe bà xã tôi nói chuyện với chuyên gia về khởi nghiệp mà hai người cười hắc hắc cứ như vừa đi coi hát về. Dạo này cô ấy cũng đang ngắm nghía tìm hiểu và dành dụm, quyết tâm khởi nghiệp. Kính nể vợ quá đi…