Hôm rồi có dịp lên Sài Gòn, một cô bạn đồng hương cũ đã hỏi tôi:
– Dưới đó lúc này còn bánh mì pa tê ông Mập không?
– Còn. Nhưng không phải ông Mập mà mấy cô con gái bán. Gọi là “Bánh mì ba cô”. Đắt hàng lắm.
Nhỏ bạn hít hà: “Lâu rồi không được ăn bánh mì ông Mập. Thèm quá!”.
Không hẹn mà cả hai đứa cùng im lặng. Chắc cũng như tôi, cô bạn thân đang nhớ lại hương vị thơm ngon của những ổ bánh mì một thời cắp sách đến trường. Xe bánh mì ông Mập mỗi ngày đậu ở góc phố, ngay ngã ba đường, sáng sáng đến trường chúng tôi đều đạp xe qua đó. Không ai biết ông chủ xe bánh mì ấy tên gì, chỉ quen gọi “Ông Mập” bởi thân người tròn trặn, hồng hào của ông. Ông cũng rất ít nói, chỉ cặm cụi bán hàng và “Dạ, dạ” luôn miệng trước những lời dặn của khách. Vậy mà bánh mì thịt của ông thì ngon tuyệt vời. Những ổ bánh mì baguette giòn rụm, những lát jambon trắng hồng được xắt ra từ một tảng đùi lớn liền lạc, thịt trong da ngoài mới nhìn đã muốn ăn rồi. Pa tê gan lại càng đặc biệt hơn, ăn vào cứ béo ngậy đầu lưỡi, vị ngọt mặn rất vừa miệng. Nhưng đặc sắc nhất ở xe bánh mì ông Mập chính là những sợi thịt nạc xắt mảnh như sợi chỉ mà ông nhét vào ổ bánh. Khắp thành phố này và cảở Sài Gòn mà tôi trải qua những năm đại học, không đâu có được loại thịt như thế. Từng sợi thịt ăn vào miệng như cứ tan ra, ngọt ngào, thơm phức khiến lòng ta cứ muốn reo vui, sướng khoái theo từng miếng bánh nhai lấy nhai đểấy. Hỏi ra mới biết ông Mập đã lựa từng tảng thịt nạc thật mềm, thật tươi rồi nêm nếm ít gia vị gì đó đem hấp trong nước dừa xiêm để thịt thơm ngon, béo ngọt như vậy. Đại thể là vậy nhưng sau này, rất nhiều xe bánh mì khác cũng bắt chước ông hấp thịt nạc trong nước dừa mà sao vẫn không có cái mùi vị đó, cái thơm ngon đó. Bánh mì ông Mập chỉ có vậy, bơ, jambon, thịt hấp, pa tê gan, không hề có pa tê như các chỗ khác mà vẫn độc chiêu, vẫn đắt hàng vô cùng. Có lẽ ông có bí quyết gì đó khiến ổ bánh mì thịt của ông không giống ai. Chỉ biết là bọn trẻ chúng tôi đều “ghiền” bánh mì ông Mập. Sáng sớm đến trường được nhai một miếng bánh mì giòn tan nóng hổi trong miệng, cảm nhận hết vị ngọt, mặn, béo bùi và cả chút cay nồng trên đầu lưỡi mới thấy ngày mới thú vị làm sao! Vào ngồi trong lớp học, liếm môi vẫn còn thòm thèm, ước gì có thêm ổ nữa ăn cho đã. Nhớ nhất là những đêm học bài thi, một ổ bánh mì ông Mập mua để sẵn trên bàn thật hấp dẫn, quyến rũ biết mấy. Tôi có may mắn là nếu buổi sáng, ông Mập đẩy xe đến ngã ba gần trường thì tối tối ông chạy xe đến đậu cuối dãy phố 18 căn chỗ nhà tôi ở để bán. Vậy nên từ nhà, tôi chỉ đi qua khoảng mười mấy căn là tới. Không chỉ vì tôi ở gần tiện lợi hơn mà cả mấy đứa bạn tuốt trên đại lộ cũng ráng đạp xe xuống mua nữa. Có phải vì vậy mà những bạn bè ngày đó dù xa tỉnh, xa quê vẫn không thể nào quên “Bánh mì ông Mập”, quên hương vị đặc biệt của ổ bánh mì thơm phức, ngọt ngào của một thời xưa “áo trắng sân trường”.
Mấy năm gần đây ông Mập đã già yếu lắm rồi. Chẳng những vậy, ông còn bị tai biến và đã “bán thân bất toại” nữa nên chỉ nằm ở nhà thôi. Dù vậy xe bánh mì vẫn còn. Kế thừa nghiệp nhà là ba cô con gái suýt xoát tuổi nhau. Xe bánh mì giờ đã được cải tiến không còn là cái thùng lêu nghêu đặt trên chiếc xe đạp như trước mà là một xe tủ kính đẩy vào đẩy ra. Trước cổng trường giờ cấm bán đồ ăn nên chiếc xe tủ kính được đẩy vào một góc của nhà văn hóa thiếu nhi, hướng ra mặt đường nên khách mua cũng tiện ghé vào. Mỗi sáng sớm khách vẫn đông nghẹt, nhất là giờ cao điểm. Thôi thì công nhân viên chức, học sinh, sinh viên đều ghé vào. Ổ bánh mì giá từ 12 đến 15 ngàn đồng vẫn ngon cực kỳ dù không là bánh mì baguette nữa. Xe bánh mì giờ nức tiếng với thương hiệu “Bánh mì ba cô” rồi. Trong ba cô chỉ cô con gái nhỏ là có gia đình, hai cô chị vẫn còn độc thân, ngoài giờ đi bán buổi sáng thì tập trung chăm sóc cha già. Tôi biết, có thể những người khách hằng ngày đến đây mua bánh mì ít ai biết đây đã từng là “Bánh mì ông Mập” như tôi, như cô bạn cũ trên Sài Gòn của tôi. Nhưng có hề gì, mọi thứ vẫn tiếp diễn tốt đẹp phải không? Ít ra thì ông Mập trong lòng chúng tôi vẫn hiện diện trong từng ổ bánh mì mà ba cô con gái hằng ngày trao tận tay khách, những ổ bánh mì vẫn đảm bảo chất lượng và ngon cực kỳ. Có điều tôi có chút tiếc nuối là những lát jambon trắng hồng, tinh tế cũ đã được thay bằng những lát pa tê, tuy cũng rất ngon nhưng với tôi dường như thiếu thiếu điều gì.
– Jambon khó làm quá, lại mắc, tụi em không có lời.
Cô chị cả trong ba cô có lần giải thích với tôi như vậy. Mà cũng đúng thôi, cũng phải có thay đổi chút ít chứ. Và, cũng như một số khách hàng lâu năm, tôi vẫn tiếp tục ăn “bánh mì ba cô”, vẫn cảm nhận vị thơm ngon của nó. Mỗi lần cầm ổ bánh mì trên tay, tôi lại bồi hồi, tiếc nhớ một chút vị xưa, nhớ hình ảnh ông Mập thấp thoáng suốt một thời hoa mộng. Những lúc đó tôi càng thấm thía bài học ông bà ta truyền lại “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Ông Mập của chúng tôi có thể chẳng giàu sang vinh hiển gì nhưng chỉ với một xe bánh mì bình thường mà nổi tiếng như vậy, mà in đậm hương vị vào lòng người như vậy há chẳng phải “lưu danh” một thuở đó sao? Từ đó lại nghĩ nếu có ai đó lập một quyển Guinness cho thành phố này, biết đâu xe bánh mì ông Mập sẽ được đưa vào ấy chứ! Ừ, biết đâu…