Thật ra, không phải con cái muốn lợi dụng cha mẹ, mà do nhiều ông bà tình nguyện, do ngại tiếng ăn nhờ ở đậu con cái mà chẳng giúp được gì.
Con cái đi làm cả ngày, cha mẹ ở nhà rảnh rang, chẳng lẽ không nấu giúp con được nồi cơm, tô canh? Mọi thứ có sẵn trong tủ lạnh, chỉ lấy ra chế biến, không mất bao nhiêu thời gian công sức nếu cha mẹ còn khỏe. Buổi chiều, con cháu về nhà đã có sẵn cơm, canh nóng sốt cả nhà đều vui. Bởi quen nết mọi thứ có sẵn, nên đến khi cha mẹ già ngả bệnh, con cái “biết tay nhau” ngay.
Nhiều ông bà than, sợ nhất là đau ốm, nằm xuống phải nhờ đến con, mất công ăn việc làm của chúng; thời buổi người khôn của khó, có việc làm đã khó, giữ việc còn khó hơn. Bây giờ nhà nào cũng neo người, một người nằm viện, người còn lại phải “chạy có cờ”. Vừa chăm cha mẹ già, vừa lo con cái nhỏ, bấn người đến mức nào!
“Trẻ uống nước trà/Già tập thể dục” bao hàm ý nghĩa ấy. Muốn sống vui vẻ thì phải mạnh khỏe. Muốn mạnh khỏe phải lo tập thể dục. Trong khi người trẻ thức khuya với biết bao thú vui: chat chit, nhậu nhẹt… để rồi sau đó “nướng” đến trưa nếu là ngày nghỉ, thì hai giờ sáng người già đã thức dậy, biết làm gì ngoài vận động tay chân và hít thở?
Đau chỗ nào xoa chỗ đó. Xoa bụng để tốt cho đường tiêu hóa, xoa đầu mong máu huyết não lưu thông, xoa mắt nhìn cho tinh tường, tập cơ hàm mong đầu bạc mà răng không long, xoa lưng để đứng lên ngồi xuống cho thoải mái, xoa đầu gối để khỏi bị đau chân… Ấm đầu sơ sơ lật đật đi bệnh viện. Đến nỗi, bảo hiểm y tế phải than… lỗ vì lượng khách hàng là người về hưu nhiều quá.
Các ông bà có bảo hiểm y tế lại thích đi bệnh viện. Người già thường hay tiết kiệm và tận dụng. Lấy thuốc về uống cho bằng hết, không bổ ngang cũng bổ dọc. Cảm giác uống viên thuốc vào sẽ tăng thêm tuổi thọ, mong sống vui với con cháu. Từ sống khỏe, vui mới dẫn đến sống có ích. Có sức khỏe là có tất cả. Đến nỗi, nhiều ông bà đã già lắm rồi cũng chỉ mong tự lo được là mừng, là có ích rồi!
Một trường phái khác cho rằng, chẳng những sống vui, khỏe mà còn phải có tiền mới được. Các ông bà quan niệm không cho hết con cái mà phải giữ làm “bùa” hộ mệnh. Đau bệnh có tiền xùy ra ngay để con cháu đưa đến bệnh viện tốt nhất mà không ái ngại, lo lắng. Muốn ăn gì thì ăn, không phải xin con hay nhịn thèm.
Quan trọng hơn nữa, các ông bà này khẳng định phải có tiền con cái mới tìm đến. Cứ cho chúng sống riêng, vợ chồng già hủ hỉ với nhau. Độ cách tuần hay cách tháng lại đến thăm. Mỗi lần đến móc hầu bao lì xì vợ chồng con cái chúng. Tiền ai chẳng thích? Con không lấy thì cho cháu. Và như thế, mỗi khi hết tiền chúng lại mong cha mẹ đến thăm. Cứ như là “bụt” xuất hiện.
Lâu không thấy cha mẹ, ông bà đến thì chúng lại gọi điện nhắc, không phải nhớ mong đâu, chúng chờ “bồ tát” đấy! Bụt không đến thì chúng đến thăm bụt. Bước vào nhà cũng nói vài câu “cháu nhớ ông bà nên đến thăm” nhưng trong bụng cũng mong ông bà sẽ mở ví tiền. Nghe kể chuyện mà ngậm ngùi, thế nhưng chẳng bịa chút nào. Con cái bây giờ cứ như bánh xe lao nhanh, thời gian của chúng đều quy ra tiền bạc. Muốn kéo chúng lại phải cho chúng thấy lợi ích chứ. Thời gian có nhiều đâu mà chúng hầu chuyện miễn phí với ông bà già. Khổ thế đấy!
Bởi thế, bây giờ người già “khôn” ra nhiều rồi, không cứ bao nhiêu tiền đem cho hết con cái rồi mang tiếng ăn nhờ ở đậu. Ông bà nào cũng lo “thủ sẵn” phòng những ngày đau ốm, cho việc níu kéo tình thương với con cái, thậm chí lo cả việc hậu sự, để mong không làm khổ người ở lại. Mới thấy, làm nhiều, dồn hết tình thương và vật chất cho con là chuyện xưa rồi. Bây giờ ông bà già cũng phải có tiền mới nói đến chuyện sống khỏe, vui và có ích!