Nhà tắm La Mã
Nơi tham quan đầu tiên đối với du khách là hệ thống Nhà tắm La Mã (Thermes romains) nằm ở ngay trung tâm thành phố. Nghe nói đến nhà tắm, chúng tôi hình dung có lẽ là một kiến trúc cổ với một vài gian phòng thay quần áo và phòng tắm cùng với hệ thống dẫn nước xung quanh.
Nhưng thật bất ngờ khi được tận mắt chứng kiến cả một dinh thự nguy nga đồ sộ, càng đi vào càng kinh ngạc với cả hệ thống hành lang lát đá dẫn đến những bể nước, phòng tắm rộng lớn cùng những vòi nước nóng phun lên sùng sục khói.
Mỗi du khách được phát một ống nghe với nhiều thứ tiếng khác nhau (Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Nhật…), cứ cầm ống nghe lần lượt đi theo mũi tên hướng dẫn, đến mỗi địa điểm dừng lại thì có tiếng thuyết minh phát ra từ ống nghe cho mỗi người, xong rồi lại đi tiếp. Cứ như thể phải mất gần hai tiếng đồng hồ mới tham quan xong hệ thống nhà tắm nơi này.
Tương truyền rằng thành phố Bath được xây dựng vào năm 863 trước Công nguyên bởi một nhà vua thuộc chủng tộc Celte có tên là Bladud. Khi còn là hoàng tử, ông bị phát hiện mắc bệnh hủi, bị đuổi ra khỏi triều đình và đến bên bờ sông Avonlàm người chăn heo.
Một hôm, ông dẫn đàn heo đến một bãi bùn có nước nóng đang tuôn trào lên, bốc hơi ra cả một vùng. Đàn heo xông vào, vùng vẫy trong bãi bùn, khi chúng trở ra, bùn khô trên người chúng tróc ra, Bladud thấy các vết sẹo trên da heo đều trở nên lành lặn.
Thế là Bladud cũng vùi mình vào bãi bùn, và khi bùn khô trên người ông tróc ra, bệnh hủi của ông đã biến mất. Được trở lại triều đình, Bladud lên ngôi vua, ông ra lệnh dời hoàng cung về gần nguồn suối nước nóng và thành phố Bathra đời từ đây (từ bath trong tiếng Anh có nghĩa là tắm).
Vào thế kỷ đầu tiên của Công nguyên, đế chế La Mã bành trướng khắp châu Âu, mở rộng đến tận nước Anh. Khi đạo quân viễn chinh La Mã tiến đếnBath, họ phát hiện nguồn nước nóng và quyết định xây dựng hệ thống nhà tắm giống như ở kinh đô Roma.
Người La Mã rất thích thú khi nghỉ dưỡng ở đây. Bên trong nhà tắm, họ còn dựng lên đền thờ Minerve, vị thần La Mã tượng trưng cho sự thông thái. Hơn nữa, Bathcó vị trí địa lý lý tưởng, vì nó nằm trong thung lũng được bao bọc chung quanh bởi bảy ngọn đồi phủ cây xanh, giống như thành phố Roma cũng được bao quanh bởi bảy ngọn đồi.
Khi đế chế La Mã suy tàn, người La Mã rút đi, thì hệ thống nhà tắm La Mã trở nên hoang phế và bị chôn vùi dưới lòng đất. Mãi đến 18 thế kỷ sau, tức là vào năm 1880, người ta mới phát hiện được hệ thống nhà tắm này. Công cuộc khai quật được tiến hành trong nhiều năm và hiện nay, hệ thống nhà tắm này trở thành một viện bảo tàng nằm dưới lòng đất.
Qua những cuộc tham quan như thế này, tôi càng thấm thía thêm sự vĩ đại của đế chế La Mã, với những tác phẩm văn học nghệ thuật kiệt xuất, những công trình kiến trúc tuyệt mỹ mà họ xây dựng trong những nước bị họ xâm chiếm, từ châu Âu cho đến các nước Bắc Phi, Trung Đông, nhiều công trình vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Dạo chơi trong thành phố
Ra khỏi nhà tắm La Mã, chúng tôi bước sang quảng trường trước nhà thờ Bath. Ra đời từ năm 678, ban đầu nó là một tu viện. Trải qua nhiều lần bị phá hủy và xây dựng lại, đến năm 1617 nó mới có diện mạo hoàn chỉnh như ngày nay. Trên danh nghĩa, nó vẫn mang tên Tu viện Bath (Bath Abbey) nhưng thực tế nó là một nhà thờ.
Hai bên quảng trường nhà thờ, đông đảo du khách ngồi thư giãn bên những bàn cà phê đặt ngoài trời. Bên trong nhà thờ tràn ngập ánh sáng, do các cánh cửa đều lắp kính, thể hiện lại cuộc đời của chúa Jesus. Đặc biệt, trần nhà thờ mang hình dáng những cánh quạt xếp gần nhau trông thật độc đáo.
Con phố nhộn nhịp nhất của Bath là đường Milson (Milson Street). Đây là trung tâm thương mại với những cửa hàng thời trang sang trọng, những tiệm ăn hấp dẫn. Nhà phố ở đây trông rất uy nghi, đường bệ và còn giữ lại những đường nét rất cổ kính, vì đa số có tuổi thọ hàng trăm năm.
- Xem thêm: Những nẻo đường ngày hè ở nước Anh
Hai bên đường Milson là những con phố nhỏ tua tủa đâm ngang theo hình xương cá, chính trong những con phố nhỏ này mới có những quán bình dân rất ấm cúng và trang trí đẹp mắt, có thể thoải mái vào ăn uống hay mua quà lưu niệm hoặc lang thang ngắm nhìn sinh hoạt đường phố.
Nằm ở phía bắc thành phố Bath, có một khu phố rất độc đáo mang tên Royal Crescent (vòng cung hoàng gia). Đây là một dải gồm 30 ngôi nhà xây cất liền kề nhau theo hình vòng cung, mặt trước có 14 cột theo phong cách kiến trúc ionique (kiến trúc Hy Lạp sáu thế kỷ trước Công nguyên).
Công trình này được kiến trúc sư John Wood hoàn thành vào năm 1774 sau bảy năm xây dựng. Đây là nơi cư ngụ của những người thuộc tầng lớp thượng lưu. Phía trước là một bãi cỏ rộng mênh mông để cho trai thanh gái lịch khoác tay nhau đi dạo.
Một địa điểm rất đẹp nữa là chiếc cầu Pulteney bắc qua con sông Avon ở phía tây thành phố. Chiếc cầu có ba mố, trên cầu có những hàng quán có mái che, bên dưới cầu là một đập nước nhằm hạn chế nước sông Avon tràn vào thành phố vào mùa nước lũ.
Kiến trúc của cầu quá độc đáo, bên trên cầu liền với phố, bên dưới là đập nước ba tầng, cạnh đó là những du thuyền xinh xắn chở du khách dạo chơi trên sông Avon. Cảnh trí quá đẹp, khiến nhiều du khách cứ ngẩn ngơ ngắm nhìn mãi mà không chán.
Bath với các danh nhân
Người dân Bath rất tự hào vì có những danh nhân trong lịch sử nước Anh đã từng cư trú nơi đây, trong đó có nữ văn sĩ Jane Austen (1775-1817) và đại văn hào Charles Dickens (1812-1870).
Bà Jane Austen và gia đình sống ở Bath từ năm 1801 đến 1804. Mặc dù là cư dân của thành phố, bà cảm thấy buồn chán vì không thích lối sống của tầng lớp thượng lưu ở đây với quá nhiều nghi thức rườm ra và gò bó. Bà chỉ thích đi dạo ở vùng đồng quê bên ngoài thành phố.
Nhiều chi tiết về cuộc sống của cư dân Bath đã được bà mô tả trong các tác phẩm như Tu viện Northanger (Northanger Abbey) và Thuyết phục (Persuasion). Hiện nay, một trung tâm Jane Austen (Jane Austen Center) được xây dựng trên phố Gay (Gay Street), trong đó người ta phục dựng lại sinh hoạt của thành phố Bath lúc bà Jane Austen cư trú tại đây.
- Xem thêm: Hòn ngọc bên rìa “tam giác quỷ” Bermuda
Đại văn hào Charles Dickens đã nhiều lần ghé qua và tạm trú ở Bath. Ông đã có nhiều trang mô tả cuộc sống ở Bath trong các tác phẩm Những cuộc phiêu lưu của ông Pickwick (The Pickwick Papers) và Cửa hàng đồ cổ (The Old Curiosity Shop).
Có một người rất ghét thành phố Bath, đó là nữ hoàng Victoria(1819-1901). Khi còn là công chúa Victoria lúc 11 tuổi, bà đã sống ở Bath một thời gian ngắn và cảm thấy rất buồn chán vì nghĩ rằng bị hoàng triều bỏ rơi. Tâm trạng căm ghét Bath theo đuổi bà suốt cuộc đời.
Sau này, khi trở thành nữ hoàng, bà có dịp đi xe lửa ngang qua thành phố Bath. Đông đảo nhà chức trách và cư dân tụ tập tại nhà ga thành phố để chào đón bà. Không ngờ, nữ hoàng lệnh cho xe lửa chạy thẳng chứ không ghé lại, còn toa xe lửa chở bà thì buông rèm kín mít để bà khỏi phải nhìn thành phố Bath và cư dân ở đây cũng không trông thấy bà.
Mặc dù thế, thành phố Bath vẫn xây dựng Công viên hoàng gia Victoria (Royal Victoria Park) rộng lớn và đẹp nhất với nhiều thảm cỏ, vườn thực vật, khu vui chơi cho trẻ con. Công viên này nằm cạnh khu nhà mang tên Vòng cung Hoàng gia.