Thật là một cơn mưa tồi tệ! Mưa to cùng lúc với triều cường đạt đỉnh, lại nhằm vào giờ tan sở. Ôtô, xe máy, người lúc nhúc giữa biển nước có đến vài cây số.
Liên không thể nào xoay xở được. Cái váy ướt nhẹp dán sát vào chân, nước thòng vào cổ áo mưa bò xuống ngực khiến chị lạnh run. Đôi giày cao gót thanh mảnh để đi trên sàn, trên thảm, bây giờ phải lội bì bõm trong nước. Chênh vênh trên đôi giày ấy, chị phải ra sức đẩy cái xe tay ga đã chết máy.
Bình thường nó là phương tiện, bây giờ đúng là của nợ. Mưa to cũng không át được bụi khói cay nồng của mấy ngàn chiếc xe bị kẹt. Phải gần hai tiếng, chị mới lách được vào một con hẻm nhỏ để thoát ra đường bên kia.
Những tiệm sửa xe vẫn còn mở cửa nhưng chủ hiệu mặt lạnh lùng lắc đầu quầy quậy khi thấy xe tay ga. Sao họ nhẫn tâm quá vậy!
May sao cũng còn người tốt bụng, anh ta sửa và thay cái gì đó cho chị với giá 35 ngàn đồng. Chị mừng quá và lết được về nhà đã gần chín giờ tối.
Cu Ky đã đi ngủ. Lâm ngồi xem tivi, mâm cơm dọn sẵn trên bàn. Anh nhìn chị ái ngại. Bây giờ chị mới thấy mệt rã rời. “Anh thấy trong tủ lạnh chẳng còn gì. Anh đổ chả trứng và mở một hộp thịt. Khô quá nhưng thôi ăn đỡ”. Chị định chiều nay sau khi tan sở sẽ ghé qua siêu thị mua cái gì đó để ăn. Nào ngờ!…
Chị thay bộ quần áo ướt sũng, ăn vội mấy miếng. Cơm lạo xạo trong miệng chẳng có mùi vị gì. Chị mệt quá chỉ đủ sức trả lời vài câu hỏi của anh.
- Xem thêm: Một ngày không vội vã
Nước nóng và cảm giác khô ráo, trơn sạch của chiếc áo ngủ khiến chị thấy dễ chịu. Liên nằm úp mặt xuống nệm, duỗi thẳng tay chân, để thân thể rã rời tan chảy trên mặt nệm ấm áp. Lâm tắt ti vi, anh đi vào phòng ngủ.
Bàn tay quen thuộc và ấm áp của anh đặt nhẹ trên vai Liên. Được vuốt ve, những thớ thịt duỗi ra, êm dịu. Căng cơ vai và cổ là chứng bệnh cố hữu của dân văn phòng. Mắt chị lim dim tận hưởng cảm giác thư giãn lan dần khắp cơ thể…
Bàn tay ấm áp chuồi vào trong cổ áo rộng vuốt nhẹ dọc xuống sống lưng, hơi thở nồng ấm và cảm giác nhột nhạt của hàm râu chưa cạo cọ trên gáy khiến chị rùng mình, hơi thở gấp dồn lên ngực, chị mỉm cười trong cảm giác thân thuộc…
Không hiểu sao vừa nhắm mắt chị bỗng nghe rền rĩ âm thanh ong óng của tiếng sếp trong điện thoại đòi báo cáo. Rồi bộ mặt hí hửng và nụ cười hả hê của nhỏ Ái khi thấy chị lúng túng giải quyết công việc chưa xong.
Cái vị trí “manager” đang bỏ trống là cơ hội cho cả hai người. Cả hai phải vắt giò lên cổ để phấn đấu. Có ngày thứ Bảy nào chị được nghỉ! Nhưng chị có con nhỏ và gia đình bì sao được những cô gái độc thân.
Mỗi kỳ cuối tháng báo cáo liên tục. Những con số chi chít đi cả vào trong giấc ngủ của chị. Nếu chị nằm lại bây giờ chị sẽ không dậy được. Chắc chắn là không thể dậy được.
Chị sẽ giải trình với sếp sao đây? Rồi phải hẹn người này, phải khất người kia… Mọi việc sẽ rối tung lên… Chị ngửa mình, đẩy nhẹ anh ra. “Chắc em phải làm cho xong cái báo cáo, cuối tháng rồi”. Giọng chị có gì đó vừa tiếc nuối vừa xin lỗi.
Lâm bật dậy, giọng có vẻ khó chịu: “Thứ Bảy nào em cũng đi làm, không hết việc hay sao mà ban đêm còn phải đem việc về nhà”. Liên ngồi dậy, sửa lại chiếc áo ngủ cho ngay ngắn. “Anh biết mà, cuối tháng bao giờ công việc cũng nhiều hơn ngày thường”.
Giọng Lâm bắt đầu gay gắt: “Từ ngày qua công ty này, anh có thấy lúc nào em không căng thẳng đâu”. “Thì mới qua công ty mới phải giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, vừa chứng tỏ thực lực của mình chứ. Đâu dễ gì ăn tiền của người ta”, chị cố giải thích. “Em đi suốt, chẳng có thì giờ dành cho anh và con. Anh phải đưa và đón con. Công việc nhà bây giờ anh cũng phải lo, bữa ăn cũng chẳng ra hồn. Trước đây có như thế đâu!”.
Những lời Lâm nói là đúng và chính chị cũng thấy áy náy về điều ấy. Tự nhủ đây là bước đầu thử thách, rồi ra khi đã vào guồng, bắt nhịp được, mọi việc sẽ trở lại bình thường.
Nhưng thời gian thử thách này cứ kéo dài. Hết báo cáo này lại ló cái khác, công việc này chưa dứt, công việc khác lại dồn lên, chị lại căng người ra để giải quyết.
Lâm làm việc tại viện nghiên cứu. Anh làm việc với kiến thức và sách vở, lương không nhiều nhưng anh có thời gian. Chị làm việc với con số và con người. Chỉ không khớp một con số là mọi sự đảo tung lên, mò mẫm cả ngày chưa tìm ra được. Chị liên hệ công việc với người này, người kia.
Người nào cũng cho công việc mình là quan trọng và đòi ưu tiên. Chị có một nguyên tắc là phải đứng trên công việc chung để giải quyết. Làm sao tránh được điều nọ tiếng kia. Chị phải làm dâu trăm họ! Nhiều lúc bức xúc lắm nhưng cũng đành bấm bụng.
Thỉnh thoảng chị cũng có tâm sự chuyện này, chuyện kia với Lâm, anh cũng biết đại khái vậy thôi chứ đâu hiểu hết nỗi khổ tâm riêng của chị. Chị cũng vì cái nhà này mà phấn đấu, có phải vì chị đâu. Tự nhiên chị thấy uất ức nhưng cố ghìm.
Thường ngày Lâm vốn đằm, không hiểu sao hôm nay gay gắt thế: “Em nhìn kỹ mình trong gương mà xem. Có ra hồn người nữa không? Riết rồi người cứ lạnh như đá”.
Chị như bị chạm nọc. Thời gian gần đây mỗi lần nhìn mình trong gương chị giật mình. Mái tóc óng mượt bây giờ xơ xác, buộc túm lại trông có vẻ lụi xụi thế nào. Làn da vốn trắng hồng của chị không còn tươi sáng nữa.
Đôi mắt có quầng, dấu vết của sự mệt mỏi, thiếu ngủ. Lâm nói không sai nhưng sự thật anh vừa nói chạm vào nỗi đau và lòng tự ái của người đàn bà trong chị.
Những uất ức tích tụ dồn nén bấy lâu, những suy nghĩ lấp ló trong đầu cố kìm bỗng dưng trồi ra một cách tự nhiên trên đầu lưỡi bật thành những lời nanh nọc như những mụ đàn bà lắm lời, nghe xong chính chị cũng phải giật mình hối hận: “Em chẳng có số nhờ chồng, lại chẳng có của cải cha mẹ trầm bồ. Em phải tự mình bươn chải. Em quá khổ rồi, anh còn nói gì nữa!”.
Liên thấy mặt Lâm biến sắc. Chị đã chạm vào cái phần tinh tế, nhạy cảm nhất của người đàn ông. Anh cười nhạt: “Em thật chẳng ra gì…” và bỏ ra khỏi phòng.
Chị muốn hét to lên và đập vỡ một cái gì đó cho hả giận. Giận ai? Giận anh? Giận mình? Giận hoàn cảnh? Nhưng chị kìm lại được. Chị ngồi im một lúc lâu… rồi đến mở máy tính bắt đầu làm việc.
Nhưng chị không thể nào tập trung được. Những hàng chữ nhảy múa, những con số bò lổm ngổm như những lũ kiến đen kỳ dị… Chị đành tắt máy. Chắc anh đã sang ngủ với cu Ky. Đúng là một ngày tồi tệ! Chị thấy mình khổ quá và bật lên nức nở… Lâm vốn đằm tính và dễ tha thứ. Chị nghĩ rồi mọi sự sẽ qua. Chị thu xếp công việc để về đúng giờ hơn.
- Xem thêm: Thuốc đắng
Nhân kỳ lĩnh lương chị sắm cho mình một cái áo ngủ, anh một cái sơ mi còn cu Ky một bộ xếp hình. Cái áo ngủ có hơi đắt tiền, màu hồng nhạt, vải láng, mịn, nhẹ thênh, mát rười rượi.
Chị tần ngần mãi mới quyết định mua. Cả một cuộc “cách mạng”. Chị vốn quen nếp sống giản dị, tiết kiệm của bố mẹ là giáo viên. Chị thấy mình hơi hoang phí. Nhưng mà không sao. Và thứ Bảy này dù trời có sập chị cũng nghỉ để cả nhà đi chơi.
Buổi tối cu Ky có vẻ háo hức cùng với bố xếp hình. Nó vừa đi ngủ, Lâm tiếp tục ngồi xem đá bóng. Chị tắm táp kỹ lưỡng hơn bình thường rồi mặc cái áo ngủ mới.
Chị nhìn mình trong gương hồi lâu. Người đẹp vì lụa thật! Sắc hồng của áo tôn nước da vốn trắng tự nhiên của chị. Hai dây treo thanh mảnh phô đôi vai trần và đài cổ vươn cao một cách thanh tú.
Anh vẫn thường khen cổ chị đẹp. Bộ ngực vun lên sau làn áo dính sát vào người. Hai chân thẳng và đầy. Chị đã ba mươi sáu, một mặt con nhưng trông cũng chẳng đến nỗi nào. Chị đắn đo mãi rồi đi ra phòng khách.
Anh đang mải mê xem đá bóng. “Anh thấy cái áo ngủ mới của em thế nào?”. Giọng nói ngập ngừng thiếu tự nhiên và không được tự tin lắm khiến chị có cảm giác quan hệ giữa hai người có gì đó khác thường ngày.
Trong ăn mặc, anh là người có gu. Cứ thấy ánh mắt tán thưởng hay chế nhạo của anh là chị đoán mình chọn đúng hay sai.
Nhưng hôm nay không phải thế. Một cái nhìn dửng dưng khiến bao nhiêu háo hức, chờ đợi của chị tan biến. “Ừ, đẹp đấy”. Anh đáp giọng thờ ơ. Chị thấy người cứng lại và lạnh toát.
“Em ngủ trước đi. Anh coi tiếp trận đá bóng này đã. Lần trước chiếu trực tiếp anh không coi được”. Chị trở vào phòng, bước chân rón rén mà lòng nặng như chì.
Liên nằm trong khoảng sáng dìu dịu của cây đèn ngủ, mắt mở lớn nhìn lên trần nhà. Chị lắng nghe tiếng mưa đều trên mái, tiếng gió cựa mình và tiếng lá quét vào cửa sổ. Ở phần giường bên kia Lâm đã ngủ say, nét mặt bình thản.
Chị thấy xấu hổ và tủi thân. Cái áo ngủ mới như là một lời xin lỗi, một lời mời, một sự giảng hòa. Sao anh lại chẳng thấy được điều đó nhỉ?
Anh không để ý thật hay cố làm ra như thế? Chị vẫn mong anh giận và trả đũa chị, chứ trong tình yêu, tình vợ chồng, thì sự thờ ơ là nguy cơ của rạn nứt và đổ vỡ. Bỗng dưng chị thấy cô đơn quá! Không muốn khóc nhưng nước mắt cứ lặng lẽ trào ra.
Chị bị đánh thức không phải bởi nhạc chuông của điện thoại mà bởi một tiếng gà. Một tiếng gà to, khỏe, gióng giả từng hồi. Trong cái tĩnh lặng ở vùng ngoại ô của thành phố nhỏ này, âm thanh bị lãng quên từ bao lâu nay bỗng trở nên thi vị.
Trời chưa sáng hẳn. Ngoài cửa sổ, mảnh trăng non cong như một chiếc sừng nhỏ chênh vênh trên nền trời nhung thẫm đầy sao. Chị nằm yên lặng, tận hưởng cảm giác thư thái, bình an. Về đây chị bỗng dưng thấy mình giàu có, giàu thời gian.
Một buổi sáng bắt đầu. Chị có cả một ngày dài trước mắt để làm điều mình thích. Thậm chí chẳng làm gì cả, chỉ ngồi trước hàng hiên gội mình trong nắng, lắng nghe tiếng ríu rít của chim sâu trong lá, tiếng lảnh lót của chào mào trên ngọn cây, tiếng gió cựa vào bờ tre và hít lấy cái thơm nồng của hương hoa oanh trảo đang thời nở rộ…
Quyết định về thăm nhà của chị thật bất ngờ. Tình trạng chiến tranh lạnh với Lâm và áp lực công việc khiến Liên kiệt sức.
Ý nghĩ trở về thôi thúc mãnh liệt. Cố gắng giải quyết những việc còn tồn đọng rồi đưa đơn xin nghỉ phép một tuần với lý do mẹ ốm.
Chị báo cho Lâm biết. Anh có vẻ ngạc nhiên nhưng cũng chẳng nói gì. Anh mua vé tàu và giúp chị sắm sửa đồ đạc.
Trước khi tàu rời ga, anh vuốt ve bàn tay mũm mĩm của thằng bé và thơm vào má nó mấy lần khiến chị mủi lòng. Hai bố con có vẻ quyến luyến nhau lắm. Những lần trước đi đâu cũng có ba người. Giá chuyến này có anh cùng đi thì vui biết mấy.
Chị trở mình nằm nghiêng. Cu Ky đang ngủ say, lưng cong cong, má áp vào gối, nét mặt phụng phịu, hồn nhiên trông rất thích. Nó giống Lâm như hệt ngoài màu da sáng của chị ra. Ai cũng bảo thế và Lâm tự hào về điều này lắm.
Nó là tất cả và vì nó chị có thể hy sinh và chịu đựng bất cứ điều gì. Lâm xuất thân trong một gia đình nghèo và đông con, thời sinh viên đã phải bươn chải để kiếm sống. Chị khá hơn nhưng cũng chẳng giàu có gì.
Để có cuộc sống tạm ổn như ngày hôm nay, hai vợ chồng phải tự thân vận động. Giữa thành phố lớn đầy cạnh tranh này, cuộc vật lộn mưu sinh cũng chẳng mấy dễ dàng.
Hiểu được điều đó, chị muốn con cái sau này đỡ vất vả và lo cho nó có một nền tảng ban đầu. Liên chưa bằng lòng với cuộc sống hiện tại.
Chị mong đổi được căn nhà đang ở vào một chung cư ở các quận nội thành để đi làm gần hơn. Chị muốn dành dụm một món tiền tiết kiệm cho việc học hành của thằng bé sau này. Nó có thể học trường quốc tế và lấp ló trong đầu chị là triển vọng cu Ky đi học nước ngoài.
Chị chấp nhận hy sinh năm, bảy năm thậm chí mười năm làm việc cật lực khi còn có thể làm được chỉ với mục đích ấy thôi. Thế thì có gì là sai? Sao Lâm không hiểu và chia sẻ với chị.
Lâm thường nói: “Đừng duy ý chí. Đừng đặt mục tiêu cao xa quá. Hãy sống cho tốt trong hiện tại. Hãy hưởng thụ hạnh phúc từng ngày. Rồi cái gì đến sẽ đến. Tương lai có nhiều thay đổi lắm. Không lường trước được đâu”.
Chị không cãi lại nhưng thầm chê anh không biết lo xa và thiếu kế hoạch. Cuộc sống của chị thời gian qua như một bản nhạc đã đạt đến cao trào, mấy ngày nghỉ phép là một khoảng lặng có ý nghĩa để tĩnh tâm, và những điều anh nói mà chị đã cực lực phản đối không phải là không có lý. Chị hoang mang quá, không biết mình đã làm đúng hay sai nữa…
- Xem thêm: Ngồi lại bên cầu
Liên rón rén ngồi dậy, mở cửa bước ra. Trời hừng sáng, các ngôi sao nhạt dần, đằng đông chân trời đỏ ửng. Cái lạnh của trời đêm chưa tan, còn ẩn thân trong gió mơn man da thịt khiến chị thấy dễ chịu.
Sau cơn mưa đêm, mọi vật tinh tươm như vừa được tắm gội. Chị dạo một vòng quanh sân. Bể cạn trồng sen bách diệp phủ rêu trông bé hơn dạo trước, còn hai cây mộc hai bên lại cao hẳn lên, trổ hoa lấm tấm chen trong đám lá xanh um.
Hương mộc phảng phất trong sương sớm vừa dân dã lại vừa thanh khiết. Mọi vật hình như chẳng có gì thay đổi, xưa vẫn thế và bây giờ vẫn thế. Nhưng chị chẳng còn là cô bé mười bảy, mười tám hồn nhiên ngày nào.
Chị như con chim đủ cánh, rời tổ để tìm cho mình một đường bay nhưng khi mỏi cánh cũng biết quay đầu tìm về chốn cũ…
Cu Ky từ trong nhà chạy ra, mắt nhắm mắt mở đuổi theo mẹ. Liên dừng lại chờ con. Thằng bé níu áo chị: “Mẹ bấm máy cho con nói chuyện với ba đi”. “Thôi, buổi sáng để ba đi làm. Đến tối về nói chuyện nhiều hơn. Mình chạy thể dục đi nào”, chị nói.
Chị cúi mình chạy từng bước nhỏ, thằng bé lúp xúp chạy theo. Chạy được vài vòng quanh sân, thằng bé ngồi thụp xuống và tiếp tục nài nỉ: “Con mệt rồi. Mẹ cho con nói chuyện với ba một xíu thôi”.
Ngày nào cu cậu cũng líu lo với ba trong điện thoại. Chị cũng nhớ anh lắm và cũng muốn nói nhiều điều nhưng cuối cùng những lời nói ra được chỉ là những lời dặn dò chiếu lệ: đừng bỏ bữa, cẩn thận xe cộ, nhà cửa. Thật tệ!
Chị nhớ một câu trong bài hát nào đó, hình như của Trần Tiến thì phải, “Hãy hát lời yêu thương bằng trái tim lửa cháy”. Chị có lửa trong tim sao nói lời yêu thương khó quá!
Chị ngồi xuống ôm cu Ky vào lòng. Thằng bé thơm, ấm, mềm mại như một con mèo nhỏ. Nó là quà tặng vô giá, là phần chung và hoàn hảo nhất của anh chị.
Bỗng dưng chị thấy mình trào dâng một nguồn sinh lực mới. Hết phép chị sẽ trở lại vào trong ấy. Chị sẽ làm việc vì cu Ky, vì cả gia đình nhỏ này. Nhưng chị phải vừa làm vừa sống. Anh nói đúng. Phải sống chứ không chuẩn bị sống. Đợi đến bao giờ?
Chuyện đổi nhà, chuyện trường quốc tế hay du học và gì gì nữa là chuyện của tương lai. Có cũng tốt nhưng không có thì cũng chẳng sao. Cu Ky phải được nuôi dạy trong tình yêu thương của cha mẹ, sống hài hòa và thân thiện với mọi người.
Chị phải tập nói lời yêu thương, cả những lời xin lỗi. Chị phải đem tiếng cười và sự ấm áp trở lại ngôi nhà nhỏ của mình. Chị không dại gì hy sinh hạnh phúc đang có cho một ảo ảnh.