Xe chạy chậm dưới những vòm xanh. Không phải là giờ cao điểm nên thành phố trông thưa thớt. Nhịp sống ở đây thong thả như bánh chiếc xích lô quay tròn.
Đi mà không vội đến. Cứ tha thẩn, nhởn nhơ trên đường, thế nào cũng bắt gặp những điều thú vị. Quyên mang tâm trạng của một du khách dù nơi này là quê hương của cô. Có lẽ vì lâu ngày quá mới trở lại. Cần một khoảng cách và mọi sự được cảm nhận một cách rõ ràng hơn.
Xe qua cầu. Một khoảng xanh lồng lộng đến ngút mắt… Núi, sông, bờ, bãi ngăn ngắt một màu. Dòng sông như từ trời rơi xuống khiến Quyên nhớ lại hình ảnh trong một bài cổ thi mà cô đã đọc. Con đường về nhà cũ cặp theo hoàng thành. Nắng tươi khiến những viên gạch phủ rêu cũng cựa mình thức giấc. Hương của những loài hoa nở rộ vào tháng Tư, sen, sứ, kim ngân… một vài loại hoa nào khác trong vườn nhà. Và cả mùi ngai ngái của cỏ tươi vừa cắt héo dần dưới nắng. Vườn xanh bị thu hẹp. Rêu phong cũ lùi lại nhường chỗ cho vẻ tươi sáng của những ngôi nhà mới cất.
Xe ngừng trước cổng nhà số 6. Lạ quá! Đã bao lâu rồi mà nó vẫn tĩnh tại trước mọi thay đổi như thách đố với thời gian. Cái lý do khiến Quyên phải vội vã về đây, sao đến đây rồi lại khiến cô do dự. Không có Thảo đi cùng, Quyên mất sự tự tin. Tần ngần một lát, Quyên bước sang nhà số 4. Căn nhà gạch cũ mở ra bốn phía toàn là cây xanh, với hàng rào thấp phủ đầy dây tóc tiên có hoa nhỏ li ti được thay bằng một ngôi biệt thự màu trắng thanh nhã. Quyên bấm chuông.
Một phụ nữ từ thềm cao bước xuống, đi ra cổng chăm chú quan sát cô. “Cháu là Quyên, con ông Nam, trước ở nhà này…”. “Trời ơi! Cô Quyên! Lâu quá nên tôi không nhận ra”. Khóa cửa kêu lách cách trong tiếng líu ríu chào hỏi thân mật của chủ nhà: “Cô hay về đây không? Sao chẳng thấy ghé thăm xóm cũ”. “Thỉnh thoảng cháu cũng có ra nhưng đi theo tour nên vội. Nhà mình khác quá bác ạ”. “Mấy chục năm cứở vậy chẳng sửa sang gì. Mãi đến ba năm trước đây mới đập toàn bộ để xây mới. Cô vào nhà uống nước”. Quyên chỉ bộ bàn: “Bác cho cháu ngồi ngoài này để ngắm vườn. Lâu quá rồi mới trở lại…”.
Quyên đi dọc theo hàng hiên rộng và vòng sang bên. Cô tìm được vị trí căn phòng nhỏ trước kia của mình nhờ cửa sổ nhà số 6. Một căn phòng nhỏ xíu, lỉnh kỉnh những đồ vật linh tinh cất giấu kỷ niệm một thời. Ở đó, hằng đêm, sau khi học bài xong, cô dõi theo ánh đèn ở cửa sổ nhà số 6, ngóng tiếng violon réo rắt những bản nhạc quen thuộc mà cô rất thích hoặc bó gối nhìn trời sao và mơ mộng…
“Cô nhớ ông bà Lưu không?”. Quyên quay lại: “Dạ có”. “Ông bà ấy ở Mỹ về đã mấy tháng nay. Ông Lưu bệnh nặng lắm, chắc không qua khỏi. Họ đang rao bán nhà. Tiếc thật! Ngôi nhà vừa đẹp vừa kiên cố. Vườn rộng như thếở thành phố này cũng bắt đầu hiếm…”. Bà chủ nhà đẩy ly nước mát đến trước mặt Quyên. Cô nhớ hàng hiên cũ với giàn bông giấy lòa xòa, lúc rảnh rỗi bố cô và thầy Lưu thường ngồi uống trà. Thầy thua bố cô chừng mười tuổi. Họ vừa là đồng nghiệp, vừa là láng giềng, vừa là bạn.
Quyên nhớ cái giọng vang vang đầy hứng khởi của bố cô với những quan điểm mạnh mẽ có phần cực đoan. Thầy Lưu thẳng thắn mà điềm tĩnh. Quyên thích chất giọng trầm, ấm rất thuyết phục của thầy. Chẳng trách thầy nói tiếng Pháp hay như dân bản địa. Đã từng du học nên phong cách thầy cũng khác. Thời bao cấp ai cũng lùi xùi hoặc cố làm ra vẻ lùi xùi cho hợp thời thì thầy vẫn cứ diện giày da và ăn mặc đúng điệu. Phong cách “tiểu tư sản, thiếu tính quần chúng” ấy làm khó cho thầy. Người ta góp ý, phê bình mãi nhưng chẳng hiệu quả gì nên cũng thôi.
Bù lại thầy dạy giỏi, tận tâm nên được sinh viên yêu mến. Một thời gian sau ngày giải phóng, vợ con thầy vào Nam rồi vượt biên. Người ta nói thầy tiếc của nên ở lại giữ nhà nhưng không phải vậy. Thầy tâm sự với bố cô: “Ra nước ngoài học hành thì được, nhưng sống thì không đâu bằng quê hương. Nhất là khi về già”. Vậy mà, khi nhà Quyên chuyển vào Sài Gòn một thời gian thì thầy đi Mỹ. Họ bặt tin nhau từ đó.
Quyên nhìn quanh… Không còn chút dấu vết của ngôi nhà cũ. Nhưng được ngồi lại trong khu vườn xưa, cho dù cây cối đã bị chặt đi gần hết, kỷ niệm cũ ùa về, sống động đến từng chi tiết… Ở cái thời buổi khó khăn ấy, Quyên phân thân làm hai. Một con người thực, học hành, lao động căng thẳng, làm đủ những công việc linh tinh để phụ với bố mẹ cải thiện cuộc sống.
- Xem thêm: Khách lạ
Nửa kia, là cái tuổi mười tám mơ mộng, lãng mạn, mẫn cảm như cây kim dao động trước một thỏi nam châm lớn. Những cuốn sách, những bài thơ, những bản tình ca hiếm hoi nghe được… Cả những đêm lắng nghe những giai điệu quen thuộc từ cửa sổ còn sáng đèn của nhà số 6. Nửa phần này khiến cuộc sống của Quyên bớt thô nhám, trần trụi và làm cho tuổi mười tám của cô trở nên đáng sống.
***
Thảo và Quyên xuống xe trước nhà số 6. Cổng khép hờ. Họ men theo một lối đi lát đá viền những cụm mười giờ hoa nở lưa thưa. Hàng hiên râm mát nhờ giàn hoa leo phủ kín. Đón khách là một phụ nữ, chắc vợ thầy Lưu. Lâu quá rồi nên trông bà lạ hẳn. “Thưa thím, đây là Quyên, bạn con và cũng là học trò cũ của chú”. “Vào nhà đi”. Giọng bà lạnh, dường như chẳng muốn tiếp khách. Căn phòng rộng, chẳng có gì thay đổi. Trên tường, toàn tranh của thầy Lưu vẽ từ thời còn du học. Những chiếc cầu, dòng sông, người chơi đàn lang thang ở góc phố, chân dung một cô gái Pháp tóc xoăn lòa xòa, những bức tĩnh vật hoa và trái…
Tường bên kia là tranh vẽ các thành viên trong gia đình. Một bức lớn nhất vẽ vợ thầy mà Quyên đã được xem nhiều năm về trước. Không đẹp lắm nhưng nét thanh tân ngời ngời trong đôi mắt mở to, đài cổ cao, mái tóc ngắn ôm lấy khuôn mặt thon. Vẻ thanh thoát, nền nã của người trong tranh thật khác với người phụ nữ trước mặt cô. Tóc vàng hoe, đậm nhạt không đều, thưa và rối. Chân mày nâu, sắc, vắt ngang trên khuôn mặt đậm son phấn. Chiếc áo cánh tay màu lục non, cổ khoét sâu khoe những cái đáng lẽ cần phải che ở vào cái tuổi ấy.
Thật không gì tàn phá khốc liệt như thời gian và con người, nhất là người phụ nữ cứ tìm cách níu kéo tuổi xuân một cách bất lực, vô vọng. “Ngồi chơi đi. Y tá đang săn sóc cho ông ấy”. “Chú có đỡ không thím?”. Giọng người đàn bà kéo dài không giấu được sự chán chường, bất mãn: “Vẫn vậy… Thì cứ phải chờ thôi. Chẳng thể nào hiểu được ông ấy. Trước đây cứ nhất định ở lại, nói mãi mới chịu đi. Đến khi qua được, ổn định đâu vào đấy, vợ đó, con đó, cứ nằng nặc đòi về. Quyến luyến gì ở cái đất này không biết. Người ta muốn đi mà đi không được, còn mình…”. Rồi bà hạ giọng, nghiêng về phía Thảo vẻ bí mật: “Thím cũng đã rao bán nhà rồi đấy. Đâu phải cứ rao là bán được ngay. Mà thím cũng không có thời gian ở đây nhiều…”. Thảo không nói gì, chỉ liếc nhẹ vào căn phòng đóng kín cửa.
“Tụi con xin phép vào thăm chú”. Người đàn bà vào phòng một lát rồi trở ra: “ Vào đi”. Quyên hồi hộp… Phải trên hai mươi năm cô mới đặt chân trở lại căn phòng quen thuộc này. Tủ áp tường đầy sách và những đồ kỷ niệm, bức tranh lớn hình chiếc cầu, chiếc violon cũ, chiếc đi-văng bằng gỗ được thay bằng chiếc giường bệnh hướng về phía cửa sổ. Chỉ thiếu bộ bàn nhỏ và chiếc bảng đen mà Quyên và Thảo từng ngồi học.
Chiếc giường được nâng cao một đầu khiến người bệnh nửa nằm nửa ngồi giữa một đống ra, nệm trắng toát. Thầy Lưu trong ký ức Quyên bao năm qua khác xa với hình ảnh ông già bệnh hoạn trước mặt. Mái tóc xam xám, xỉn màu, lưa thưa khiến vầng tráng như nhô cao hơn. Làn da mọng nước, vàng ủng. Cánh tay trần đặt trên nệm chằng chịt gân xanh, lòng thòng những sợi dây nối với bình dịch truyền. Quyên nhớ đôi mắt ấm áp, thân thiện sau cặp kính cận viền đen ngày nào.
- Xem thêm:Bên kia hàng rào
Thiếu cặp kính trông lạ hẳn. Tròng mắt bạc màu, đùng đục như ám khói, mở to nhưng không hướng ra ngoài mà thu vào đâu đó bên trong. Người ngồi đó, chơi vơi trước tuổi già và bệnh tật. Tim thắt lại, một cảm giác đau đớn lan ra toàn thân khiến Quyên run rẩy, cổ nghẹn đắng, mắt cay xè… Cô cố không để lộ cảm xúc của mình. Cả hai tiến sát đến gần giường bệnh. “Chú còn nhớ Quyên không?”. Quyên cố giữ cho nước mắt khỏi trào và nở một nụ cười thật tươi. Họ nhìn nhau… Có dấu hiệu hồi sinh trên gương mặt đang đờ đẫn của người bệnh. Môi thầy phác nhẹ nụ cười, tròng mắt cũng trở nên linh hoạt.
Một lát sau, giọng thầy vang lên yếu ớt: “Quyên hả? Chào em… Lâu quá rồi mới gặp…”. Cảm xúc như nước tràn qua con đập nhưng cô cố kìm. Thảo nắm cánh tay Quyên nhắc nhở rồi ấn cô ngồi xuống chiếc ghế bên giường bệnh. “Cậu ngồi đây nói chuyện, mình ra ngoài một chút”. Quyên không tìm được lời để mở đầu câu chuyện. Một khoảng yên lặng. Khoảng lặng cần thiết nối liền quá khứ với hiện tại… “Hồi bố em mất, một thời gian sau thầy mới biết…”. “Dạ, nhà em có nhận được thư chia buồn của thầy”. “Em vẫn đi dạy, phải không?”. “Dạ không. Hồi con còn nhỏ vất vả quá nên phải ở nhà chăm con. Chồng em làm cũng đủ sống. Em viết lách và dịch thuật lai rai cho vui. Bỏ nghề cũng tiếc lắm!”. “Ừ… Em có khiếu mà…”.
Ngày xưa, khi dạy Quyên và Thảo, thầy vẫn khen cô như thế. Cũng tại căn phòng này, Quyên được tiếp xúc với một nền văn hóa lâu đời, rực rỡ. Tâm hồn cô bay bổng cùng với hình ảnh của một đất nước đẹp cứ như trong truyện cổ tích… Paris cổ kính và hiện đại với những chiếc cầu duyên dáng bắc qua sông Seine. Rồi phố Latin nơi sinh viên hay la cà. Phố Montmartre với những quá cà phê nhỏ, xinh xinh và những khu vườn đáng yêu. Những con thuyền nhỏ xuôi dòng sông Seine và những cơn mưa bất chợt…
Những đôi tình nhân nắm tay nhau chạy mưa và hôn nhau say đắm dưới những hàng hiên. Êm đềm và cực kỳ lãng mạn… Quyên nhìn bức tranh cũ vẽ chiếc cầu có vòm cong lờ mờ trong sương. Một cây cầu nào đó trong số những cây cầu mà thầy đã đi qua trong đời. Cầu Mirabeau chăng? Quyên nhớ cây cầu nổi tiếng với kiến trúc độc đáo. Vòm cầu cong bằng thép, hai trụ chính được thiết kế như con tàu xuôi dòng như thầy Lưu đã kể. “Thầy… Em vẫn nhớ bài thơLe Pont Mirabeau. Không hiểu sao em rất thích dòng sông và những cây cầu. Mỗi lần đứng trên cầu nhìn xuống, em cứ có cảm giác mọi cái đều trôi chỉ còn mình ở lại…
- Passent les jours et passent les semaines
- Ni temps passé
- Ni les amours reviennent
- Sous le pont Mirabeau coule la Seine.(*)
Thầy Lưu cười. Nụ cười thổi bùng sự sống trên khuôn mặt. Đôi mắt thầy trở nên ấm áp. Thầy vẫn nhìn vào bức tranh, yên lặng như chìm vào những hồi ức nào đó. Quyên nhìn qua cửa sổ… Chao ôi! Con người ta có thể đi Đông đi Tây nhưng lúc về già lại bị buộc trên một chiếc giường chỉ nhìn được một khoảng trời giới hạn bên ngoài cửa sổ. Và cứ thế chuẩn bị cho chuyến đi cuối cùng… Một cái tên, một con người, một số phận lướt nhanh qua cõi đời rồi chìm vào đâu đó…
Vậy mà con người cứ chạy đôn chạy đáo, mải miết kiếm tìm. Đến một lúc nào đó, bỗng dưng thấy mọi sự trở nên không thực và vô nghĩa quá… Tiếng Thảo cắt ngang dòng suy nghĩ của Quyên. “Dạ, tụi con phải về…”. Quyên đứng dậy. Thầy Lưu nhìn cô. Ánh mắt và nụ cười ấm áp, thanh thản bừng sáng gương mặt võ vàng, tiều tụy. Ánh mắt và nụ cười của người lữ hành đã quẳng được gánh nặng đường xa, của dòng sông không còn khúc quành nào nữa. Sông sắp được trở về với biển.
Cảm giác bình an ấy truyền sang Quyên. Cô không thấy ủ ê, đau đớn như ban đầu, chỉ còn lại nỗi buồn man mác về sự tan hợp và cái mong manh trong cuộc sống con người. Bỗng dưng Quyên khao khát muốn cúi xuống, cúi xuống thật gần, áp má mình vào khuôn mặt gầy gò, tiều tụy của thầy một lần nhưng cô không dám. Cô hơi nghiêng mình chào, khẽ chạm bàn tay mình lên cánh tay thầy và để yên một lát như thế. “Tạm biệt”. Rồi cô bước nhanh ra khỏi phòng.
***
Máy bay đã đạt đến độ cao, lướt êm. Dưới cánh và dạt sang hai bên là một vùng mây nõn, xốp, chập chùng, ngời ngời trong nắng. Đó là một thế giới khác. Thế giới của ánh sáng và niềm vui. Nơi cư ngụ của các thiên thần và những linh hồn thánh thiện. Thế giới rực rỡấy đã từng vẫy gọi một nhà văn phi công và ông đã tan vào khoảng trời vô tận, chẳng bao giờ còn trở lại… Quyên mân mê bức tranh vẽ chiếc cầu mà Thảo vừa trao cho cô ở sân bay. Quà tặng bất ngờ. Một kỷ vật. Cái điệp khúc trong bài thơ cũ từ bao năm qua cứ vang mãi trong cô….
- Vienne la nuit sonne l’heure
- Les jours s’en vont je demeure. (*)
Nụ cười và ánh mắt thanh thản của thầy Lưu như gửi đến cô một lời chào. Lời chào tạm biệt. Tạm biệt thầy Lưu. Tạm biệt ngôi nhà cũ. Tạm biệt bố mẹ. Và tạm biệt tuổi mười tám mơ mộng và lãng mạn của cô… Mọi cái đều trôi đi, chỉ còn cô ngồi lại…
(*) Bài thơ Le Pont Mirabeau của Guillaume Apollinaire