Người ta vẫn thường nói câu “khi nước Mỹ hắt hơi, cả thế giới cảm lạnh”. Với Trung Quốc, nền kinh tế có GDP đứng thứ hai toàn cầu, có dân số áp đảo, thì số nợ khổng lồ hiện nay của họ cũng khiến nền kinh tế thế giới… rùng mình. Hệ thống đánh giá tín dụng Moody xếp hạng các khoản nợ của Trung Quốc hiện nay vào hàng A1. Khoản nợ trực tiếp của chính phủ chưa phải là vấn đề lớn khi chưa đến 40% GDP, một tỷ lệ còn khiêm tốn so với tiêu chuẩn của các nước phương Tây. Nhưng điều đáng lo ngại hơn là khoản nợ khổng lồ của các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước (SOE: State-Owned Enterprises), với tỷ lệ 115% GDP, rất cao so với tỷ lệ khoảng 30% GDP ở hai nước gần gũi là Hàn Quốc và Nhật Bản. Không những thế, nợ của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc cũng là yếu tố không thể xem thường khi chúng ta biết rằng mỗi tỉnh của Trung Quốc có quy mô về dân số và thu nhập không kém gì một số nước trên thế giới. Theo cảnh báo mới nhất của Bộ Tài chính Trung Quốc, một số chính quyền địa phương cần phải điều chỉnh chi phí điều hành mỗi ngày, chọn lựa ưu tiên giữa việc hỗ trợ thường xuyên các doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả với việc thanh toán những khoản nợ khó trả và chi phí thất nghiệp.
Hệ thống Moody ước tính rằng để có thể tạo lực đẩy giúp vực dậy các doanh nghiệp, Trung Quốc cần hơn 400 tỉ USD. Tuy nhiên, con số khổng lồ này đối với Trung Quốc không phải là điều gì ghê gớm. Theo dữ liệu mới nhất, quỹ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đang ở mức 3.000 tỉ USD và mỗi năm được thêm vào 200 tỉ USD. Vì vậy tỷ lệ nợ kể trên chưa phải là nguy cơ trong tương lai gần. Dù vậy, vào đầu năm 2016, khi Trung Quốc vừa công bố những dữ liệu kinh tế yếu kém hơn so với dự kiến, đã có ngay hiệu ứng: thị trường chứng khoán thế giới tụt dốc tự do và giá cả hàng hóa đổ nhào.
Cách đây bảy năm (2010), tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc xoay quanh con số 10%, nay chỉ còn khoảng 6% – 7%. Các nhà phân tích sợ rằng nếu không có một cuộc cải cách kinh tế thì tỷ lệ này còn có thể hạ xuống 5%. Trong khi đó, lợi tức trái phiếu đang gia tăng khi các nhà đầu tư đòi hỏi khoản bảo hiểm rủi ro cao hơn để có thể chuyển những món nợ ngắn hạn của chính phủ thành nợ dài hạn. Người Trung Quốc chưa cần chạy vội đến xuồng cứu sinh, nhưng có lẽ ngay bây giờ họ cần biết mình đang đứng ở nơi nào trong nền kinh tế thế giới.
- LHCT tổng hợp
Xem thêm:
- Đội quân mua nhà Trung Quốc tung tiền khắp nơi
- Trung Quốc đẩy mạnh tự do hóa tài chính
- Trung Quốc đưa thêm hơn 122 tỉ USD vào nền kinh tế