Công dụng của khoai lang: khoai lang (tên khoa học là Ipomoea batatas) là một loại cây nông nghiệp chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, được sử dụng như rau lẫn lương thực. Khoai lang có giá trị dinh dưỡng có tác dụng tốt đối với sức khỏe con người nên rất được ưa chuộng trong đời sống hằng ngày.
7 công dụng của khoai lang đối với sức khỏe
- Khoai lang giúp cải thiện bệnh tiểu đường type 2 và hỗ trợ quá trình giảm cân nhờ hàm lượng cholesterol LDL thấp và giàu chất xơ, giúp cơ thể tiêu hóa chậm và đem lại cảm giác no lâu hơn. Đường tự nhiên trong khoai (không làm tăng lượng đường huyết, mệt mỏi hay tăng cân) từ từ thẩm thấu vào máu, giúp duy trì đường huyết ở mức cân bằng.
- Trung bình một củ khoai chứa 542mg kali, cơ thể khi đủ lượng kali cần thiết sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh huyết áp. Cả người huyết áp cao và huyết áp thấp đều được khuyến khích ăn khoai lang để bổ sung kali và magie, hỗ trợ ổn định huyết áp, tốt cho sức khỏe tim mạch.
- Do chứa hàm lượng vitamin B6 cao nên khoai lang có khả năng làm giảm homocysteine trong cơ thể. Homocysteine có liên quan đến các bệnh lý thoái hóa và tim mạch. Nồng độ homocysteine trong máu cao làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não.
- Trong khoai có hàm lượng vitamin A, beta carotene cao nên giúp cải thiện thị lực, tăng cường sức đề kháng.
- Khoai lang là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào, giúp ngừa bệnh cúm và cảm lạnh. Vitamin C cũng giúp chữa lành vết thương, tạo ra collagen giữ cho làn da luôn tươi trẻ, giảm stress.
- Nhóm chất carotene (thể hiện ở màu cam trên vỏ khoai) giúp tăng thị lực, thúc đẩy hệ miễn dịch, chống oxy hóa và ngăn ngừa lão hóa.
- Ngoài ra, những phụ nữ có nồng độ carotene cao ít có nguy cơ tái phát ung thư vú – kết luận này được các nhà khoa học từ công trình nghiên cứu WHEL (Women’s Healthy Eating and Living) đưa ra sau khi tiến hành nghiên cứu trên những phụ nữ đã hoàn tất giai đoạn đầu điều trị ung thư vú.
Điều cần lưu ý khi ăn khoai lang
- Bảo quản khoai lang ở nơi sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát, không có chuột bọ và chỉ nên dùng trong vòng một tuần.
- Tránh ăn khoai lang để lâu vì khoai để lâu sẽ ngọt hơn khoai mới đào do lượng nước giảm sau khi bị bốc hơi, làm tăng nồng độ đường trong khoai, không có tác dụng chữa bệnh đái tháo đường mà còn làm dễ tăng cân.
- Không ăn khoai đã lên mầm vì mầm khoai có chứa độc tố, có thể gây nôn mửa, đau bụng…
- Người già và người tiêu hóa kém không nên ăn khoai vào buổi tối vì rất dễ bị trào ngược dạ dày, khó tiêu, mất ngủ.
- Nên ăn khoai lang vào bữa trưa vì sau khi ăn, canxi trong khoai phải mất 4-5 giờ mới hấp thụ vào cơ thể, và cần được hấp thụ trước bữa tối để không ảnh hưởng tới sự hấp thụ canxi từ các thực phẩm khác khi ăn tối.
- Không nên ăn quá nhiều khoai lang khi muốn giảm cân, vì khi ăn nhiều khoai đồng nghĩa với ăn nhiều chất xơ. Quá nhiều chất xơ cản trở sự hấp thu các chất khác khiến cơ thể bị thiếu hụt dinh dưỡng.
- Không nên ăn khoai khi quá đói. Chất bột đường trong khoai sẽ gây ra hiện tượng tăng tiết dịch vị trong hệ thống tiêu hóa khiến bị nóng ruột, cảm giác bồn chồn, ợ chua, thậm chí là trướng bụng khi ăn quá nhiều khoai.
- Có thể ăn cả vỏ khoai vì có chứa nhiều vitamin và khoáng chất, nhưng chỉ ăn khi phần vỏ không bị xây xát, không có những vết nâu, đốm đen trên vỏ khoai để tránh bị ngộ độc. Vỏ khoai còn giúp bảo vệ dưỡng chất bên trong, vì vậy khi luộc khoai nên để cả vỏ (đã rửa sạch).