Cuộc trò chuyện với họa sĩ Nguyễn Thân diễn ra trong không gian bình yên ở xưởng tranh của ông trên đường Phạm Thế Hiển, quận 8, TP. Hồ Chí Minh, bên ngoài cửa sổ nắng lao xao hắt lên từ bờ ao cạnh nhà. Với vẻ ngoài xuề xòa, râu tóc dài và bạc phơ, Nguyễn Thân tràn đầy năng lượng và rất hài hước. Tranh của ông được triển lãm ở Mỹ, Thụy Sĩ, Hongkong… và được in trong nhiều ấn phẩm mỹ thuật như: 40 Years of Excellence in Art 1978-2018, Important World Artists III-2018, Spotlight – Contemporary Art Magazine…
____
Chào họa sĩ, trông ông giống như một ông già miền Nam vui tươi, phóng khoáng…
Thực ra tôi sinh ra ở miền Bắc, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Tôi rất yêu cảnh sắc làng quê với những đàn bò gặm cỏ trên đồi, những đàn chim nhỏ tung cánh, và những người đàn bà trong trang phục bình dị; họ đứng ngồi ở đâu đó trong tranh của tôi. Lớn lên ở miền Nam trong cuộc chiến tranh kéo dài…, hội họa của tôi được thể hiện bằng những con ngựa lang thang, cô độc, những người đàn bà lõa thể nhìn vào hư không, những con cá và biển xanh vô tận… Những hình ảnh đó như bản tình ca bất tận được thể hiện bằng màu sắc, hình thể trong tranh của tôi.
____
Ồ, là họa sĩ mà ông nói chuyện đầy chất thơ văn…
Ngày xưa tôi học nhiều môn: văn chương, triết học, thanh nhạc, cả võ judo và karate… nhưng chỉ có môn vẽ là vượt trội. Đúng là cái nghề vẽ đã vận vào thân từ lúc ấy. Sau năm 1975, cuộc sống trở nên vất vả, tôi kiếm sống bằng đủ mọi nghề: từ phu khuân vác đến đạp xích lô, nấu rượu, nuôi heo, bán xôi…, nghề nào cũng vất vả, khó kiếm tiền nhưng vẫn sống lãng mạn. Tôi nhớ có lần đi đánh cá về, bị cơn giông ập đến, nước ngập tới cổ, tôi vẫn cất tiếng hát vang. Ngày còn đạp xích lô, về nhà vào buổi chiều chập choạng, tôi hay nằm dài trên xe, ngửa cổ nhìn lỗ thông hơi trên chái nhà chờ đàn chim én bay về…
Khi vẽ tranh, tôi vẽ tất cả những thứ hiển hiện trong đầu, là sự phản ánh cuộc sống có chọn lọc, là sự hoài niệm quá khứ, chắt lọc hiện tại, dự báo tương lai.
____
Sau này, cuộc sống khá hơn rồi ông có còn những giây phút lãng mạn như vậy không?
Hoàn cảnh khác thì sự lãng mạn cũng khác đi. Không tìm được cái lãng mạn xưa thì tôi tìm những vẻ đẹp thời nay. Nhờ đó mà tôi giữ được ngọn lửa đam mê vẽ, dù qua nhiều giai đoạn vô cùng khó khăn. Có những lúc ngồi ngẫm lại, tôi tự hỏi trong nhiều năm trời, bà xã tôi đã làm cách nào để đưa gia đình đi qua những ngày đói kém như thế, trong khi tôi không làm ra được đồng nào mà các con vẫn có củ khoai ăn sáng.
- Xem thêm: Trong mỗi người đều có chất nghệ sĩ
Dạo đó, cả phường không ai biết vẽ nên tôi thường được chính quyền phường mời vẽ tranh cổ động, vẽ pa-nô… Vẽ xong tôi không nhận tiền thù lao, chỉ xin những hộp sơn thừa mang về nhà. Tôi lấy giấy báo dán bồi nhiều lớp thành bìa cứng để vẽ, đến nay vẫn sử dụng kiểu “toan” này để vẽ. Cứ ban ngày đi đạp xích lô, tối về tôi đặt bìa giấy xuống nền nhà bếp, ngồi trên võng múa cọ.
Tôi vẽ rất nhanh, khoảng từ 10 giờ đêm đến gần sáng đã hoàn thành một bức. Vẽ xong, tôi lại giấu trên gác bếp, vui sướng, rộn ràng. Sáng ra, đạp xích lô đi mà nghe lòng lâng lâng, có khi khách gọi chưa chắc đã nghe thấy!
____
Vậy rồi đời ông… lên hương từ lúc nào?
Năm 1990, có đoàn của gallery Plum Blossoms ở Hongkong biết đến tôi nên đến nhà mua tranh. Họ ngạc nhiên nhìn thấy tôi lôi từ gác bếp xuống toàn tranh là tranh, đếm được hơn trăm bức. Họ mua với giá 700 USD một bức. Họ đi rồi, bà xã tôi ngồi đếm tiền mà thẫn thờ vì số tiền quá lớn. Tôi hỏi bà ấy: “Em ơi, thế bây giờ mình đã đủ tiền mua nhà chưa hả em?”. Vợ tôi đáp: “Đủ tiền mua… cả nửa số nhà trong phường này rồi!”.
Qua thời gian, nghệ thuật có nhiều thay đổi. Hội họa giờ đây là tiếng nói chung của văn hóa toàn cầu, không còn giới hạn trong một quốc gia, khu vực, không phân biệt trường phái hay khuynh hướng sáng tác. Đề tài cũng không gói gọn trong từng bức tranh riêng lẻ mà cùng một đề tài có thể sáng tác hết bộ tranh này đến bộ tranh khác.
Thật ra, đề tài chỉ là cái cớ để họa sĩ thể hiện tác phẩm bằng nhiều cách khác nhau. Tôi vẽ dựa trên những gì đã ám ảnh tôi từ thời ấu thơ đến lúc này. Đó là nghề vẽ tranh Đông Hồ của cha tôi ngày xưa với những bức tranh dân gian mang lại may mắn ngày đầu năm. Hay hình ảnh mẹ tôi suốt thời con gái chỉ mặc áo cánh nâu và váy đụp nhiều lớp vá chồng lên nhau…
Tranh của tôi có khi bán với giá hàng ngàn USD, có khi tôi dễ dàng tặng một người mua tranh không đủ tiền vì họ thể hiện sự yêu thích, đồng cảm.
____
Dường như người đàn bà là đề tài xuyên suốt trong tranh của ông?
Hình ảnh người đàn bà với cái đẹp hoàn hảo nhất, tự nó đã là chất xúc tác, là nguồn cảm hứng vô tận trong văn chương, nghệ thuật rồi…
____
Còn trường phái nghệ thuật, ông có theo một trường phái nào không? Ông có học trường lớp về hội họa không?
Giới phê bình thường cho tôi là thuộc trường phái biểu tượng. Tôi không cho đó là điều quan trọng. Trường phái được đặt ra, để phân biệt các nhóm tác giả, các thời kỳ hoạt động nghệ thuật. Còn với họa sĩ, mỗi giai đoạn trong cuộc sống, sự tác động của tình cảm, của gia đình, cộng đồng, hoàn cảnh và sự phát triển xã hội sẽ tác động lên tư tưởng, suy nghĩ của họa sĩ… Vấn đề là sự tác động đó có trở thành chủ đích hay không và người họa sĩ thể hiện thế nào. Màu sắc trong tranh cũng như dòng đời, khi bình yên, khi cuồng nộ, khi trầm mặc, khi tươi vui. Từng thời điểm, cuộc sống tác động lên cách cảm nhận, sở thích của tác giả để thể hiện lên tranh.
Kiến thức hội họa của tôi chủ yếu là tự học, nhờ giao tiếp nhiều và chịu học hỏi người khác. Tôi thường giao lưu với các tổ chức, các nhóm họa sĩ nước ngoài để học tinh hoa quốc tế hơn là học từ các họa sĩ trong nước. Theo tôi, ngay nhiều trường lớp nghệ thuật trong nước cũng đào tạo chưa đến nơi đến chốn. Giáo dục là nền tảng quan trọng nhất để tạo ra nền tảng văn hóa của con người. Giáo dục chạy theo thành tích như hôm nay là sai lầm, bởi vì muốn đạt thành tích thì che đậy cái xấu. Giáo dục như vậy sẽ tạo ra những con người vô cảm.
Thực ra, người nghệ sĩ không chỉ học trong trường lớp, mà cần phải có sự rung cảm trong tâm hồn, đó là do trời phú. Như một ngày đẹp trời, tôi đi cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng một vài người bạn trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1. Khi thấy các cô nữ sinh mặc áo dài trắng rất đẹp trước mặt, tôi gọi anh Trịnh Công Sơn và nói: “Trông các cô gái giống đàn chim áo trắng không?”. Một tuần sau, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho ra đời bài hát Môi hồng đào với câu hát “Tuổi mười sáu môi hôn lần đầu…”.
Hay như khi nhóm chúng tôi ngồi uống cà phê, ai cũng thấy giọt nắng chiếu xiên qua vai, nhưng không phải ai cũng viết nên những lời nhạc tuyệt vời như Trịnh Công Sơn: “Màu nắng hay là màu mắt em/ Mùa thu mưa bay cho tay mềm/ Chiều nghiêng nghiêng bóng nắng qua thềm” (Nắng thủy tinh). Đó là khả năng thiên phú của người nhạc sĩ, không phải ai cũng có được…
Màu sắc trong tranh cũng như dòng đời, khi bình yên, khi cuồng nộ, khi trầm mặc, khi tươi vui. Từng thời điểm, cuộc sống tác động lên cách cảm nhận, sở thích của tác giả để thể hiện lên tranh.
____
Còn khả năng thiên phú của ông nằm ở chỗ nào?
Ở chỗ với một đề tài tôi có thể vẽ hết triển lãm này qua triển lãm khác mà vẫn thấy xúc động, cảm hứng. Có nhiều chủ đề, tôi vẽ đi vẽ lại mà không cảm thấy bị lặp lại chính mình. Bởi vì thời gian không bao giờ lặp lại, quá khứ, hiện tại, tương lai đều khác nhau. Cùng một sự việc nhưng hôm trước khác hôm sau, ngày nay đã không còn giống ngày mai. Con người chúng ta cũng vậy, chúng ta chưa bao giờ hoàn thiện. Vì vậy, chúng ta cứ khao khát vươn tới sự hoàn thiện, tôi đâu có lặp lại tôi hôm qua.
Khi vẽ tranh, tôi vẽ tất cả những thứ hiển hiện trong đầu, là sự phản ánh cuộc sống có chọn lọc, là sự hoài niệm quá khứ, chắt lọc hiện tại, dự báo tương lai. Chẳng hạn như triển lãm “Mã vạch và đàn bà” trên 12 khung tranh lớn tại TP. Hồ Chí Minh vào đầu năm 2012, tôi đã liên tưởng đến hình ảnh mã vạch trên bao bì các sản phẩm với những “mã vạch” định sẵn cho đời sống con người, nhất là với người phụ nữ ở xã hội đương đại.
Khi con người tiến tới nền văn minh hơn bây giờ, cái riêng không còn nữa, con người trở thành hàng hóa cao cấp. Lúc đó hàng hóa cao cấp và hàng hóa thứ cấp cũng được dùng mã vạch như nhau. Mọi điều suy nghĩ, làm gì, ở đâu… đều được phơi bày khi đi ngang qua máy đọc mã vạch, thậm chí cả vệ tinh định vị cũng được dùng để kiểm soát con người. Lúc đó, con người trở thành cô đơn ngay trong ngôi nhà của mình và cô đơn ngay giữa đám đông…
____
Khoảng bao lâu thì ông hoàn thành một bức tranh?
Tôi vẽ theo cảm hứng, có khi cả tháng chưa xong nổi một bức, có khi chỉ cần một tuần tôi đã vẽ xong một bộ tranh cho triển lãm. Có bức tôi vẽ trong một tiếng đồng hồ lại nổi tiếng, được in trên nhiều sách báo về nghệ thuật. Có bức vẽ nhiều năm vẫn chưa hoàn thiện, năm sau lại đem ra, vẽ thêm vài nét… Nguồn cảm hứng cũng đến rất bất ngờ.
Năm 2003, khi sang vẽ và triển lãm ở miền Nam nước Pháp, tôi có dịp gặp gỡ một số người Việt Nam đang sống ở quận 13 Paris. Khi tiếp xúc với họ, tôi bắt gặp những ánh mắt nhìn đượm nỗi buồn vô định của một số người lớn tuổi ở đó. Tự nhiên nỗi buồn ấy xâm chiếm lấy tôi, thôi thúc tôi vẽ một số chủ đề về người Việt Nam sống tha hương, mong một ngày trở về đất mẹ… Đề tài, nguồn cảm hứng thường xuất hiện một cách bất ngờ như vậy.
Tranh của tôi có khi bán với giá hàng ngàn USD, có khi tôi dễ dàng tặng một người mua tranh không đủ tiền vì họ thể hiện sự yêu thích, đồng cảm… Tranh của tôi thường không được bảo quản ở các viện bảo tàng, mà “chịu chung” hoàn cảnh sống như tác giả, chịu nóng, chịu lạnh, và chịu… già đi theo thời gian!
____
Ông lúc nào cũng là một người tự do, trong cuộc sống cũng như trong sáng tác?
Vì tự do nằm ngay trong chính chúng ta, cách chúng ta cảm nhận, suy nghĩ đối xử với cuộc sống. Chúng ta có quyền lựa chọn cuộc sống tự do, sống tốt đẹp với mọi người. Tiền bạc rất quan trọng nhưng không thể mua được tất cả mọi thứ. Tôi không phụ thuộc quá nhiều vào tiền bạc, thị hiếu, không cố bán nhiều tranh, không tranh giành cho nhiều giải thưởng, tôi theo đuổi một cuộc đời nghệ thuật đích thực, nên tôi có được tự do.
____
Cảm ơn ông về buổi trò chuyện.