Chính phủ Madagascar cố gắng thu hồi những di vật quí giá thuộc về nữ hoàng cuối cùng Ranavalova III, tản mác khắp thế giới. Một vương miện gắn tán vừa được Pháp trao trả cho đảo quốc này.
Trong khi dọn gác xép tại ngôi nhà ở Ireland, một cư dân đã tim thấy một số ảnh, thư và những tài liệu khác, một số đồ vật, nhất là một đầm dài bằng nhung màu đỏ sẫm kết hợp với xa tanh màu hồng cánh sen. Trang phục xem ra thuộc về một nữ quí tộc, nhưng trang sức không giống kiểu Anh.
Anh chàng Ireland này nhớ bà của anh, Clara Herbert, từng là nữ tùy tùng trung thành của Ranavalona III, nữ hoàng cuối cùng của Madagascar, sau đó phục vụ cho người dì cũng là cố vấn chính trị của nữ hoàng, công chúa Ramisindrazana. Hẳn chiếc váy lộng lẫy này thuộc về công chúa. Anh chàng bất ngờ tìm được của này đã giao kho báu cho nhà bán đấu giá Kerry Taylor Auction, ở London. Lô hàng trên được rao bán vào ngày 8-12-2020.
Ước giá ban đầu chỉ trong khoảng 1.000 và 1.500 bảng Anh, những kỷ vật của một vương quốc đã bị xóa sổ từ nhiều thập niên rốt cuộc đạt giá cao hơn nhiều, 43.000 bảng Anh, và người mua chính là chính phủ Madagascar, vì muốn nối lại phần lịch sử đã qua, theo như phát biểu của Andry Rajoelina, Tổng thống của Cộng hòa Madagascar: “Madagascar xem trọng việc mua lại những vật báu hoàng gia này trong khuôn khổ tái thích ứng lịch sử quốc gia và di sản văn hóa của đất nước. Các di vật này sẽ được đặt trong Cung điện của Nữ hoàng vừa được trùng tu và mở cửa trở lại để người dân chiêm ngưỡng. Các di vật trên sẽ được trưng bày cạnh vương miện có tán của Nữ hoàng Ranavalona III mà nước Pháp vừa trả lại”. Từ vài năm nay, đảo quốc này đã muốn tìm lại những di vật thất lạc của vị nữ hoàng cuối cùng, trị vì đất nước từ 1883 đến 1897, trước khi bị Pháp phế truất.
Trở lại thời kỳ mà châu Âu mở rộng đế chế trên nhiều lục địa. Nữ hoàng Ranavalona III cương quyết từ chối sự chiếm đóng của Pháp trên đảo của bà. Bà lên ngôi vào ngày 13.7.1883, sau một cú giáng định mệnh. Một loạt những cái chết trong hoàng tộc đưa bà trở thành người kế vị người dì. Tên trước khi lên ngôi của bà là Razafindrahety, lớn lên trong một hoàng gia danh giá, là chắc của Andrianampoinimerina, vị vua đầu tiên của Emyrne, tức là vương quốc Madagascar thống nhất, vào năm 1787. Bà may mắn nhận được một phương pháp giáo dục thông tuệ, từ một giáo viên người Anh. Bên cạnh đó, bà còn được sự trợ giúp của Clara Herbert, một phụ nữ Ireland làm việc đắc lực.
Triều đại Ranavalona III khởi đầu bằng một cuộc hôn nhân không thật sự vì tình yêu. Dù đã gắn bó với một nhà quí tộc bản địa, tân nữ hoàng buộc phải kết hôn với Rainilaiarivony, chồng góa của nữ hoàng trước đó, cũng là thủ tướng quốc gia. Vị này điều hành chính phủ hoàng gia suốt 31 năm, phải kết hôn với 3 nữ hoàng liên tiếp, nhằm luôn giữ tầm ảnh hưởng trên ngai vàng. Chính ông đề ra một chính sách hiện đại hóa vương quốc, phanư đối ách độ hộ của người Pháp.
- Xem thêm: Madagascar – kỳ thú “lục địa thứ tám”
Vào cuối thế kỷ XIX, chính phủ Pháp đề nghị Ranavalona III đặt hòn đảo dưới sự bảo hộ của Pháp, nhưng Nữ hoàng dứt khoát từ chối. Cuộc chiến tranh nổ ra, trong đó quân Madagascar yếu thế rõ rệt. Ngày 6.8.1896, việc sáp nhập Madagascar được Pháp tuyên bố chính thức. Chế độ quân chủ bị bãi bỏ.
Ranavalona III buộc phải sống lưu vong. Bà đến đảo La Réunion, rối đến Algérie, rồi qua đời vì bệnh phù phổi tại nơi đây vào ngày 23.5.1917. Nữ tùy tùng Clara Herbert, đi cùng công chúa Ramisindrazana, là dì và cố vấn của nữ hoàng, đến tỉnh Alpes-Maritimes (Đông Nam nước Pháp). Khi công chúa qua đời năm 1923, Clara Herbert thu thập mọi kỷ vật của hoàng gia, cất giữ trong ngôi nhà của bà ở Ireland, và những kỷ vât này được một hậu duệ của bà phát hiện trong lúc chuyển nhà.
Hài cốt của Ranavalona III được tìm thấy vào năm 1938, sau đó được chôn cất ở Cung điện Nữ hoàng tại thủ đô Antananarivo. Từ lúc ấy chính phủ Madagascar nỗ lực tìm các di vật của Nữ hoàng để trưng bày tại thủ đô. Nhất là vương miện được một tư nhân ở La Réunion tặng cho Nữ hoàng vào năm 1910, được lưu giữ tại Bảo tàng quân đội ở Paris. Suốt một thời gian dài, Nhà nước Madagascar yêu cầu Pháp trả lại vương miện này. Thế nhưng việc trao trả này phải được Quốc hội Pháp bỏ phiều chấp thuận. Vào mùa xuân năm 2020, vương miện ấy sắp sửa bay về cố quốc, nhưng chính quyền Madagascar cho dừng vụ việc, ngay trước khi máy bay cất cánh, do không hài lòng với quyết định của Pháp. Vì, theo các văn bản, Pháp chỉ chấp thuận cho mượn trong một thời gian dài, chứ không phải trao trả vĩnh viễn.
Phải đợi đến ngày 5.11.2020, sau khi Quốc hộêi Pháp thông qua một luật ngoại lệ, báu vật ấy mới hồi hương một cách hợp pháp. Theo các chuyên viên, đây không thật sự là một vương miện, mà là đỉnh của ngai vàng, được làm bằng kẽm mạ vàng, kết hợp với vải màu vàng đất và đỏ lựu, cao 70cm, đường kính 35cm. Tất cả những di vật này (tìm được trong gác xép và thu hồi từ Bảo tàng Quân đội) sẽ được trưng bày ở Cung điện Nữ hoàng tại thủ đô Antananarivo.
- Xem thêm: Chinh phục rừng đá Tsingy ở Madagascar