Bị bộ phim hoạt hình Madagascar hấp dẫn, chúng tôi ao ước một lần du lịch đến xứ sở của những nhân vật dễ thương này.
Cộng hòa Madagascar, một đảo quốc trên Ấn Độ Dương, ngoài khơi bờ biển Đông Nam châu Phi là một hòn đảo rất kỳ lạ, bị cô lập hàng 70 triệu năm với các lục địa khác, là nơi sinh sống của nhiều loài thực vật và động vật không tìm thấy ở nơi nào khác trên Trái đất. Sự đặc biệt về sinh thái học này khiến một số nhà sinh học gọi Madagascar là “lục địa thứ tám” và được Tổ chức Bảo tồn Quốc tế phân loại là một điểm nóng đa dạng sinh học với nhiều loài được xem là “hóa thạch sống”.
Hiện nay, ở Việt Nam vẫn chưa có hãng hàng không nào khai thác đường bay thẳng tới Madagascar, mà phải quá cảnh một đến hai điểm, tùy theo hãng và địa điểm xuất phát.
Antananarivo, điểm gặp gỡ Phi – Âu
Chúng tôi đến sân bay quốc tế Ivato lúc hai giờ chiều, thời tiết bên ngoài mát mẻ, không giống như hình dung của chúng tôi về các nước thuộc châu Phi có khí hậu khô nóng bậc nhất thế giới. Từ sân bay vào trung tâm Antananarivo khá xa, mất khoảng một giờ chạy xe dù đường sá thoáng đãng. Thành phố như là sự hòa trộn một chút Pháp, một chút Nepal, một ít Peru và thêm cả một chút… Việt Nam! Kể ra, nói như vậy cũng có cơ sở vì theo sử sách, từ trước Công nguyên đã có tộc người ở vùng Đông Nam Á dùng thuyền vượt đại dương đến sinh sống trên đảo này, dần dần dung hợp với người da đen bản xứ, rồi sau này còn có thêm người Ả Rập di cư tới. Cũng vì vậy mà người Madagascar được xem là người da vàng châu Phi, là dân Malagasy.
Ở độ cao 1.280m so với mực nước biển, Antananarivo như chiếc máy lạnh tự nhiên khổng lồ, nhiệt độ trong ngày chỉ dao động từ 18 đến 28 độ C. Thành phố được thành lập vào năm 1610 từ một ngôi làng trên ngọn đồi mang tên Analamanga (theo ngôn ngữ Malagasy có nghĩa là “khu rừng màu xanh”) và chính thức được gọi là Antananarivo vào triều đại vua Andriamasinavalona (1675-1710), mang ý nghĩa “thành phố của một ngàn ngọn đồi”. Người bản địa gọi Antananarivo một cách trìu mến là “Tana”. Những người Bồ Đào Nha và người Pháp đến sau đã tái kiến trúc Tana được như ngày hôm nay. Người Pháp đã để lại cho Tana những kiến trúc tuyệt đẹp, còn người Malagasy lại thích sử dụng màu sơn đỏ truyền thống của người Bồ Đào Nha và sự phối hợp kiến trúc cùng màu sắc theo cách riêng đã tạo cho Tana một vẻ đẹp độc đáo.
Trên con phố chính có rất nhiều quán cà phê. Đi ngang qua có thể cảm nhận được hương thơm của expresso quyện với bánh ngọt thơm lừng. Chúng tôi cũng nghe được âm điệu nhẹ nhàng, thanh thoát của tiếng Pháp xen lẫn tiếng Malagasy trên đường phố. Những chiếc xe taxi Renault màu vàng được người Pháp sản xuất từ thập niên 1940 vẫn còn hoạt động, góp phần tạo nên nét đặc trưng cho thành phố. Từ điểm khởi đầu là nhà ga xe lửa cổ xưa Tananarive nhưng nay là một viện bảo tàng, những dãy phố nối nhau chạy dài có mặt tiền hướng về phía mặt trời mọc để đón nắng sớm. Nhà nào cũng có ban công với những chậu hoa xinh xắn. Chiều xuống, những tháp chuông nhà thờ như đậm màu hơn trong ánh hoàng hôn. Có cảm giác cả thành phố như soi mình trên mặt hồ Anosy rộng lớn. Bên bờ hồ có khá nhiều cây phượng tím rủ bóng. Anh tài xế còn cho biết ở đây có con đường chạy dài quanh bờ ra khu đô thị mới mang tên Hồ Chí Minh do tổng thống Philibert Tsiranana đặt vào năm 1970 để tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và có một bức tượng của Người ở quảng trường cùng tên.
Chúng tôi cũng đã ghé thăm đồi Hoàng gia Ambohimanga – một di sản thế giới đã được UNESCO công nhận. Nơi này đóng vai trò đầu não chính trị và còn là chốn tâm linh của người dân trên đảo từ thế kỷ thứ XVI. Nhiều vị vua đã từng cư ngụ ở đó, đồi thường được chọn là địa điểm tổ chức các nghi lễ hoàng tộc linh thiêng, đồng thời cũng là điểm hành hương của người dân đến từ mọi vùng. Ngày nay, đây là một địa điểm thu hút rất nhiều du khách. Thật tuyệt vời khi được chiêm ngưỡng toàn bộ công trình kiến trúc mang phong cách hoàng gia của Madagascar được bảo tồn hơn 400 năm và tìm hiểu những nét văn hóa tiêu biểu cũng như lịch sử phát triển từ ngàn xưa của đất nước này.
Đại lộ baobab và rừng quốc gia Ranomafana
Sau hai ngày ở Tana, chúng tôi đáp chuyến bay của Air Madagascar trong khoảng một giờ để đến Morondava. Tại đây có con đường giữa Morondava và Belo sur Tsiribihina ở tỉnh Fianarantsoa trồng toàn cây baobab rất nổi tiếng. Phong cảnh nổi bật của nó có sức hút mạnh đối với mọi khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới. Hình dạng to lớn, đặc biệt của baobab có sức hấp dẫn đến kỳ lạ, lại thêm những truyền thuyết ly kỳ khiến loài cây này càng trở nên lôi cuốn hơn.
Trước khi đến đây tôi đã từng xem hình ảnh hàng cây này nhiều lần nhưng tận mắt trông thấy chúng quả là một hình ảnh kỳ thú. Chúng tôi đi dọc con đường đất đỏ bụi bặm, hai bên đường là hàng cây baobab khổng lồ. Nghe nói tuổi thọ của cây thuộc họ gạo này lên đến 800 năm, có thể đạt chiều cao tới 30m (thông thường cao khoảng 15 – 25m), chu vi gốc cây lớn nhất đến 50m (thông thường khoảng 35m). Thân cây có khả năng phình to, trữ được khoảng 120.000 lít nước. Đó là lý do khiến thân cây phát triển to đến độ vài chục người ôm mới xuể. Trong khi đó, các cành cây lại rất ngắn và nhỏ so với phần thân cây bề thế, như thể cây mọc ngược với chùm rễ trên đỉnh. Có truyền thuyết kể rằng từ xa xưa, các loài cây hầu như không thể tồn tại trên sa mạc, chỉ có duy nhất baobab luôn hiên ngang vươn lên trên cát bỏng. Thượng đế cho đó là một sự ngỗ ngược nên túm cổ cây và nhổ lên, sau đó quay ngược ngọn cây rồi cắm xuống đất. Vậy là từ đó cây baobab mọc theo kiểu “trồng cây chuối”. Baobab có rất nhiều công dụng: vỏ cây dùng để bện dây thừng cực chắc, lá cây dùng làm thức ăn cho gia súc, quả dùng để chế biến món xúp kuka hay trộn vào cháo yến mạch và sữa. Những thân cây già cỗi được các nhà điêu khắc tận dụng để tạo nên những tác phẩm tuyệt đẹp.
Chúng tôi thuê xe chạy thêm khoảng bảy cây số nữa để đến với cây baobab Amoureux nổi tiếng. Thực ra, đây là hai cây bao báp to mọc quấn lấy nhau như một đôi tình nhân. Bác tài xế kể rằng xưa kia có một đôi trai gái yêu nhau thắm thiết nhưng không lấy được nhau vì gia đình cô gái đã nhận lời gả cô cho người khác. Cặp đôi đã tìm đến thần linh để cầu xin cho họ được sống bên nhau. Vị thần bèn biến họ thành hai cây baobab. Từ đó trở đi, các đôi yêu nhau thường đến đây để tình tự hoặc những phụ nữ muốn có con cũng tới cầu thần cho mình được toại nguyện.
Buổi trưa, chúng tôi đến một nhà hàng đặc sản địa phương. Thoạt nhìn, có vẻ ẩm thực Madagascar không hấp dẫn như những ẩm thực của nhiều vùng miền khác, bởi các món ăn truyền thống khá đơn giản, thường là cơm ăn kèm với rau, thịt và nước xốt. Tuy nhiên, qua tìm tòi, chúng tôi đã phát hiện ra khá nhiều món ngon đặc trưng để thử một lần. Đó là smalona (lươn nhồi), là romazava (thịt bò hầm) hay ravitoto (thịt heo nấu với lá sắn băm nhỏ), rồi đến varanga (thịt bò chiên), sesika (giống như dồi heo), khimo (thịt bò cà ri)… Do Madagascar chưa phát triển mạnh về nông nghiệp nên nguyên liệu (cả thịt lẫn rau quả) đều được cung ứng từ các hộ nông dân nhỏ lẻ nuôi trồng theo kiểu truyền thống. Cũng vì vậy mà mọi món đều rất thơm ngon.
Buổi chiều và tối, chúng tôi đi bộ tham quan Vườn quốc gia Ranomafana. Đó là một khu rừng nhiệt đới rộng hơn 41 ngàn hécta, được thành lập năm 1991, là nơi sinh sống của nhiều loài động vật hoang dã, đặc biệt nổi tiếng các loài vượn cáo. Trên đường đi, anh hướng dẫn viên giàu kinh nghiệm chỉ cho chúng tôi thấy vô số tắc kè, bọ lá, rắn… có từ hình thù kỳ dị cùng màu sắc lạ lùng. Trong rừng có các loài cây đặc biệt như sardia rắn chắc, được sử dụng để chế tạo canô hay osewood và đàn hương… Anh còn hái cho chúng tôi vài quả ổi rừng thơm ngào ngạt có vị chua thanh hấp dẫn. Khi đang leo trên con đường khá dốc và rậm rạp, đột nhiên chúng tôi phát hiện ra “đối tượng tìm kiếm”: vượn cáo! Đó là một nhóm vượn cáo tre, vốn được xem là quý hiếm nhất của loài vượn cáo ở Madagascar. Dường như loài thú này bạo dạn và cũng đã quen với du khách. Một con còn tiến gần chúng tôi, đứng ngó nhìn tay tôi, có vẻ như muốn xin thức ăn. Trong khi đó, vài con vượn cáo lùn cứ tỉnh bơ nằm nghỉ trên cành cây. Một loài vật khác cũng để lại ấn tượng mạnh trong tôi tên là loài aye-aye. Sở hữu thân thể khá to, bộ lông thưa thớt và đôi mắt to tròn dễ thương, aye-aye là loài thú giống chim gõ kiến, nhưng thay vì một cái mỏ, chúng có một ngón tay dài cứng cáp dùng để gõ vào thân cây mong tìm được sâu bọ, kiến.
Tạm biệt Ranomafana, nhiều bạn tôi nói rằng chẳng biết bao giờ mới lại được khám phá thế giới động vật hoang dã kỳ thú như thế.