Mọi chú ý của dư luận thế giới đang hướng về Iran và châu Âu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8-5 rút khỏi thỏa thuận quốc tế về hạt nhân với Iran, làm gia tăng rủi ro xung đột ở Trung Đông, gây bất bình đối với các đồng minh của Washington ở châu Âu, cũng như đặt nguồn cung dầu lửa toàn cầu trước nguy cơ bị thắt chặt.
Trong một bài phát biểu được truyền hình trực tiếp từ Nhà Trắng, ông Trump nói sẽ tái áp lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran để làm suy yếu “một thỏa thuận phiến diện tồi tệ không đáng có”. Lệnh trừng phạt này sẽ có hiệu lực vào ngày 4-11 tới đây.
Với quyết định nói trên, ông Trump đã thực hiện ba cam kết sau khi đắc cử tổng thống: (1) rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (COP21), (2) rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và nay là rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran hay còn gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA).
Thỏa thuận trên được ký vào năm 2015 giữa Mỹ và năm cường quốc khác cùng với Iran, theo đó lệnh trừng phạt nước này được dỡ bỏ để đổi lấy việc Teheran giới hạn chương trình hạt nhân nhằm mục đích ngăn không cho Iran sở hữu bom hạt nhân và được xem là một thành tựu chính sách đối ngoại chủ chốt của Tổng thống Barack Obama, người tiền nhiệm của Tổng thống Trump.
Tuy nhiên, ông Trump phàn nàn rằng thỏa thuận không giải quyết vấn đề chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, các hoạt động hạt nhân của nước này sau năm 2025, hay vai trò của Teheran trong các cuộc nội chiến ở Yemen và Syria.
Quyết định của ông Trump cũng làm căng thẳng thêm mối quan hệ liên minh giữa hai bờ Đại Tây Dương, nhất là sau khi các nhà lãnh đạo châu Âu đã có những chuyến công du Washington và liên tục kêu gọi ông Trump giữ lại thỏa thuận.
Trong một tuyên bố chung, lãnh đạo Anh, Đức và Pháp – ba nước cùng ký thỏa thuận hạt nhân Iran với Trung Quốc, Nga và Mỹ – nói rằng quyết định của ông Trump dẫn tới sự nuối tiếc và lo ngại.
Ngay sau khi ông Trump quyết định rút khỏi JCPOA, các cường quốc châu Âu khẳng định sẽ đưa ra một quyết định chung nhằm thể hiện rõ quan điểm vẫn muốn tiếp tục hợp tác với Iran nhằm ngăn chặn sự đổ vỡ của thỏa thuận lịch sử này.
Maja Kociancic, người phát ngôn của EU về các vấn đề đối ngoại, cho biết khối này đang chuẩn bị các biện pháp để bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp châu Âu.
Quan điểm trên được Iran đồng tình khi cho rằng thỏa thuận hạt nhân sẽ được duy trì nếu EU bảo vệ hiệu quả JCPOA và không cản trở các hợp đồng giữa Iran và các doanh nghiệp châu Âu và nếu không làm được như vậy thì Iran sẽ rút khỏi thỏa thuận.
Dường như chính quyền Mỹ tin rằng quyết định ngày 8-5 của ông Trump sẽ đưa Iran trở lại giai đoạn trước khi JCPOA được ký kết. Khi ấy, Iran đang chịu các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, kinh tế khủng hoảng trầm trọng và buộc phải chấp nhận đàm phán để thoát khỏi khó khăn đó.
Sự tin cậy mà cộng đồng quốc tế dành cho Washington đang bị lung lay nghiêm trọng vì ông Trump đã lột bỏ chiếc găng tay bằng nhung để trở lại hình ảnh bàn tay sắt.
Điều gì xảy ra sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA? Một báo cáo của Ngân hàng ANZ nhận định rằng quyết định của ông Trump đặt ra một kịch bản trong đó nguồn cung dầu lửa có thể bị thắt chặt mạnh mẽ trong sáu tháng cuối năm 2018 và trong năm 2019. Tuy vậy, hiện vẫn chưa rõ liệu thị trường dầu lửa toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng đến mức độ nào.
Mỹ không mua dầu của Iran, trong khi một số cường quốc khác ký thỏa thuận hạt nhân với Teheran – bao gồm Nga, Anh, Pháp và Đức – phản đối việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận và có thể sẽ tiếp tục mua dầu của nước này.
Đến nay, châu Á vẫn là thị trường xuất khẩu dầu lớn nhất của Iran. Nhiều khả năng các khách hàng châu Á vẫn mua một phần dầu của Iran như đã làm trước đây khi Iran còn bị trừng phạt.
Có những lo ngại rằng xuất khẩu dầu của Iran có thể giảm 1 triệu thùng mỗi ngày từ mức hiện nay, ông Tomomichi Akuta – chuyên gia kinh tế cấp cao thuộc Mitsubishi UFJ Research and Consulting ở Tokyo – nhận định như vậy.
Theo ông, cung – cầu dầu toàn cầu hiện tương đối cân bằng, nhưng cán cân này sẽ chuyển thành sự thiếu cung nếu nguồn cung bị hạn chế. Giá dầu có thể tăng thêm ít nhất 10 USD/thùng, trong đó giá dầu Brent sẽ hướng tới mốc 90 USD/thùng.
Iran trở lại vị trí cường quốc xuất khẩu dầu vào năm 2016 sau khi được dỡ lệnh trừng phạt quốc tế. Tháng 4 vừa rồi, nước này xuất khẩu 2,6 triệu thùng dầu mỗi ngày, giữ vị trí nước xuất khẩu dầu lớn thứ ba trong OPEC, sau Saudi Arabia và Iraq.
Ngay sau khi ông Trump tuyên bố rút khỏi JCPOA, rất nhiều nước đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ và cho rằng Mỹ sẽ “đổ dầu vào lửa” cho tình hình bất ổn tại khu vực, thậm chí đẩy Trung Đông – Vùng Vịnh đến trước bờ vực của một cuộc chiến mới.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani trong phản ứng đầu tiên đã khẳng định Iran sẽ tiếp tục duy trì thỏa thuận hạt nhân với các nước còn lại.
Trong tuyên bố được phát trực tiếp trên kênh truyền hình nhà nước Iran, Tổng thống Rouhani nói: “Từ thời điểm này, JCPOA chỉ là thỏa thuận giữa Iran và năm nước”.
Một động thái quan trọng được Tổng thống Rouhani nhắc tới là Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) sẽ khôi phục hoạt động làm giàu urani, nếu các cuộc đàm phán sắp tới không giúp đảm bảo quyền lợi của Iran trong JCPOA.
Ông Rouhani một lần nữa nhấn mạnh: “Nếu thỏa thuận hạt nhân Iran “sống sót”, chúng ta có thể đảm bảo hòa bình và an ninh thế giới”.
Cho dù tổng thống Iran nói nước này sẽ duy trì thỏa thuận thì quyết định của ông Trump vẫn có thể đẩy thế cân bằng quyền lực theo hướng có lợi cho những người theo trường phái cứng rắn ở Iran, những người muốn hạn chế khả năng của ông Rouhani trong việc mở cửa với phương Tây.
Phản ứng của Anh, Pháp, Đức là “lấy làm tiếc” trước quyết định của Tổng thống Trump. Còn Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố “vô cùng thất vọng”. Thế nhưng trên thực tế, các nước đều đã chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất này.
Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump có thực sự muốn tìm kiếm một thỏa thuận rộng hơn để kiểm soát chặt chẽ Iran hay không, thì trách nhiệm nặng nhất từ giờ trở đi đặt lên vai châu Âu, hay nói đúng hơn là trên vai lãnh đạo ba nước Pháp, Đức, Anh. Mọi nỗ lực kiên trì của châu Âu để nối lại quan hệ với Iran giờ sắp bị xóa sạch cùng với việc hàng loạt các đại tập đoàn của châu lục này chuẩn bị sẽ phải rời bỏ Iran.
Thế nhưng người ta cũng ghi nhận có một dòng suy nghĩ khác tại châu Âu cho rằng Mỹ rút khỏi hiệp định hạt nhân biết đâu lại chẳng là một cơ hội cho châu Âu? Tất nhiên là nhiều hợp đồng sẽ bị hủy bỏ và các công ty sẽ khổ sở, giá dầu mỏ có cơ tăng ảnh hưởng đến tăng trưởng thế giới, nhưng sự đảo lộn quan hệ liên minh có thể dẫn đến hình thành lại mối cân bằng địa chính trị, biết đâu lại có lợi cho châu Âu.
Quả thực châu Âu đang bị dồn đến chân tường, hoặc chấp nhận để chính sách đối ngoại và thương mại của mình bị người Mỹ áp đặt, hoặc phải biến châu Âu thành một cường quốc không chỉ về kinh tế mà cả chính trị.
Theo các nhà phân tích được hãng tin AFP ngày 11-5 trích dẫn, vào lúc các nước châu Âu không biết làm cách nào để duy trì các mối quan hệ kinh tế được thiết lập từ sau thỏa thuận 2015, thì các công ty Nga lại đang trong thế thuận lợi.
Nhà chính trị học Vladimir Sotnikov ghi nhận: “Thỏa thuận hạt nhân và việc bãi bỏ các trừng phạt đã đánh dấu sự trở lại của các doanh nghiệp châu Âu ở Iran, khiến cạnh tranh trở nên gắt gao. Nhưng nay các công ty châu Âu sẽ khó mà tiếp tục như thế. Do vậy, hơn bao giờ hết, các công ty Nga đang chiếm thế thượng phong”.
Theo nhà phân tích Igor Delanoe thuộc Đài Quan sát Pháp – Nga, các công ty châu Âu nay phải tuân thủ các trừng phạt của Hoa Kỳ vì sợ sẽ gặp khó khăn trên thị trường Mỹ. Các doanh nghiệp Nga thì ít lo hơn. Ông Delanoe nhắc lại: “Ngay cả khi Iran còn bị quốc tế trừng phạt, các doanh nghiệp Nga vẫn tiếp tục làm việc một cách thoải mái ở Iran. Họ đã quen thích ứng với những bó buộc về pháp lý và kinh tế. Việc Hoa Kỳ o ép Iran sẽ càng khiến nước này quay sang Trung Quốc và Nga”.
Đối với Trung Quốc rất có thể sẽ ít khả năng tôn trọng lệnh trừng phạt của Mỹ, không chỉ bởi nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc đang rất khát dầu, mà còn bởi Bắc Kinh và Washington đang mâu thuẫn gay gắt về thương mại.
Nếu lệnh trừng phạt này khiến các nước châu Âu cắt giảm hoặc thậm chí dừng mua dầu của Iran, Trung Quốc sẽ càng có nhiều dầu để mua hơn, thậm chí với giá mềm hơn.
Trung Quốc nhiều khả năng sẽ là quốc gia hưởng lợi từ lệnh trừng phạt mà Mỹ sắp áp trở lại đối với Iran.
Đó là chưa kể nếu không có sự ủng hộ của Trung Quốc, những nỗ lực của Mỹ nhằm trừng phạt Iran có thể không phát huy tác dụng. Và ảnh hưởng đối với thị trường dầu lửa toàn cầu sẽ không nghiêm trọng như lo ngại của một số người.
* * *
Với tính khí bất thường, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn có khả năng xem lại quyết định của mình. Hiện nay ông đang dự tính những sự đảo ngược tương tự khi bắn tiếng muốn xem lại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu cũng như với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, ngay cả biện pháp tăng thuế nhôm nhằm vào Trung Quốc. Ngoài ra, chính ông cũng bày tỏ thái độ sẵn sàng lắng nghe những đề xuất mới từ phía châu Âu, Quốc hội Mỹ, thậm chí của cả Iran.
Không loại trừ khả năng trong những tuần tới, chúng ta sẽ nhận được tin tức về một sự thay đổi ý kiến của Nhà Trắng, thậm chí là một sự xem xét lại quyết định này. Liệu một kịch bản lạc quan như vậy có xảy ra không?