Thế giới đang trong kỷ nguyên “ở nhà một mình”. Đại dịch Covid-19 bắt buộc mọi người phải giới hạn tiếp xúc xã hội tối đa. Song cũng chính giữa thời đại cách ly này, không ít người hy vọng sự sáng tạo sẽ bùng nổ. Văn chương, nghệ thuật chứng kiến nhiều ý tưởng đột phá nảy sinh trong lúc buồn chán nhất như Clare Thorp nói: “Chúng ta chẳng bao giờ muốn rơi vào cảm giác buồn chán, nhưng những phút vô vị lại hay châm ngòi cảm hứng sáng tạo tuyệt vời”.
Phải chán mới viết hay
David Bowie (1947-2016), ca sĩ kiêm nhạc sĩ gạo cội người Anh, từng phát biểu khi tuyên bố giã từ sân khấu vào năm 1997: “Tôi chưa biết sẽ về đâu, chỉ hy vọng là chuỗi ngày phía sau sẽ không nhàm chán”. Đây không phải mong muốn của riêng David Bowie mà chung cho tất cả mọi người. Phần lớn chúng ta đều không thích cô đơn, tịch mịch. Điều oái oăm là với thế giới sáng tạo, yên tĩnh và một mình lại đóng vai trò thiết yếu. Nó giống như một Nàng Thơ thầm lặng, truyền cảm hứng cho vô số tác phẩm hư cấu và tạo tác nghệ thuật để đời.
“Tôi luôn ngóng đợi sự buồn chán”, Anne Enright, nhà văn Ireland đoạt giải Booker năm 2007, bộc lộ trên tờ The Guardian. “Khi bị cảm giác buồn chán đến đá cho một cái, tôi biết rằng thời điểm cầm bút lên viết đã tới”. Anne không phải người đầu tiên xem cảm xúc tiêu cực này là chìa khóa sáng tác.
“Không có gì khởi động việc viết lách tốt hơn sự nhàm chán”, Agatha Christie (1890-1976), nhà văn nữ của Anh, lên tiếng trong một cuộc phỏng vấn của đài BBC vào năm 1955. “Khi 16-17 tuổi, tôi đã viết được khác nhiều truyện ngắn và một cuốn tiểu thuyết chỉ vì chẳng có chuyện gì khác để làm”. Tiểu thuyết gia lừng danh người Anh Neil Gaiman còn cực đoan hơn. Ông khẳng định: “Bạn phải để mình buồn chán tới mức thà viết một câu chuyện cho vui thì mới thành nhà văn được”.
Tương tự với David Foster Wallace (1962-2008), nhà văn của Mỹ. “Có một món quà trên cả tuyệt vời nằm sau sự nhàm chán tột độ”, ông viết. Ông đã sáng tác tiểu thuyết The Pale King ngay trong lúc mòn mỏi ngồi chờ đến lượt tại một văn phòng thuế. Ông hạnh phúc biết ơn từng giây từng phút “chán chẳng buồn chết” ấy, gọi đó là “món quà của sự sống”.
Tác dụng trên mọi ngành nghề
“Khi tôi chán đến mức chẳng muốn làm gì cả, tôi lại càng thấy phải cố gắng làm cái gì đó”, Anish Kapoor, điêu khắc gia người Ấn Độ, chia sẻ. Trong một bài báo gần đây đăng trên tạp chí Rolling Stone, ca sĩ kiêm nhạc sĩ người Anh Kate Nash bộc bạch: “Chính những năm tháng thiếu niên buồn tẻ là nguyên nhân khiến tôi sáng tác. Tôi đã viết rất nhiều bài hát chỉ vì hy vọng sẽ có gì đó thay đổi trong cuộc sống của mình”.
Thời thanh niên, Kate Nash quản lý một cửa hàng bán quần áo nhỏ. Những lúc không có khách, cô thẫn thờ ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ và thở dài. “Một lần nữa, sự nhàm chán lại thúc đẩy tôi tìm đến những nốt nhạc. Tôi viết bài hát, tự mình ngân nga, thu âm, đăng lên mạng xã hội MySpace. Và rồi tôi đột ngột đổi vai thành ngôi sao nhạc pop”.
Đối với giới khoa học, “ở nhà một mình” cũng là cơ hội nghiên cứu chuyên sâu thỏa thích. Họ không còn bị phiền hà bởi các tác động bên ngoài và giới hạn thời gian. Vài người lạc quan, xem thời hạn cách ly vì Covid-19 là cơ hội vàng có một không hai trong đời.
Năm 2013, một nhóm nhà tâm lý học do chuyên gia Sandi Mann của Anh dẫn dắt đã tiến hành thực nghiệm để tìm ra lý do sự nhàm chán mở cửa sáng tạo. Họ chia các đối tượng tham gia thành 2 nhóm: một nhóm được giao nhiệm vụ cực kỳ tẻ nhạt là sao chép số điện thoại; nhóm còn lại thì làm sao nghĩ ra thật nhiều cách sử dụng cho chiếc cốc nhựa càng tốt. Kết quả: nhóm sao chép số điện thoại làm việc hiệu suất hơn. Các nhà tâm lý suy luận, chính cái nhàm chán của công việc khiến họ nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, áp chế cảm xúc buồn bực đang trực chờ nảy sinh trong não.
Xét ra thì sự nhàm chán không hẳn là chìa khóa sáng tạo, mà giống như con đường dẫn đến hơn. “Khi chúng ta buồn chán, trong đầu thường có 2 suy nghĩ”, John Eastwood, bác sĩ tâm lý người Canada, cho biết. “Thứ nhất là cố vẽ ra việc gì đó để làm, còn thứ hai là đừng làm gì cả”. Nếu bạn đi theo hướng thứ nhất, chán nản có khả năng dẫn đến cánh cửa sáng tạo. Nó thúc đẩy bạn phải tìm ra bằng được một thứ gì đó mới mẻ, thú vị để giết thời gian.
Sản sinh ngọc trong đá
Nhàm chán là một cảm giác khó chịu. Khi phải tiếp xúc với nó, bản năng đầu tiên của con người là tìm cách rũ bỏ. Mỗi cá nhân lại có những cách rũ bỏ khác nhau, ví dụ như ca hát, nhảy nhót, xem phim, làm việc nhà…
Năm 1990, J.K Rowling, tác giả của bộ truyện Harry Potter đình đám đang trên chuyến đi từ Manchester trở về London thì bị dừng tàu do sự cố. Đột ngột, trong đầu bà xuất hiện hình ảnh một cậu bé gày gò. “Tôi không có bút và quá ngại hỏi mượn các hành khách lạ”, Rowling kể. “Điều đó làm tôi buồn bã vô cùng. Sau này nhìn lại, tôi mới thấy sự thất vọng lúc ấy lại hay. Nhờ nó, tôi não nề suốt cả 4 tiếng đồng hồ và không ngừng suy nghĩ xây dựng các ý tưởng cho một cuốn tiểu thuyết”. Giả sử lúc đó Rowling có trong tay cuốn sách nào đó hay chiếc iPad đầy ứng dụng giải trí như bây giờ để giải khuây, Harry Potter rất có thể đã bị “cuốn theo chiều gió”. Có thể thấy rằng đối với Rowling, tâm trạng buồn bã đã kích hoạt suy nghĩ miên man, cuối cùng dẫn đến sự sáng tạo bạc tỷ.
- Xem thêm: Covid-19, hạnh phúc và trầm cảm
Khi Mason Currey tìm hiểu thói quen của hàng trăm nghệ sĩ, nhà văn, anh nhận ra nhàm chán với họ là cảm xúc thường trực. Nó lặp đi lặp lại hàng ngày, khiến họ phải động não suy nghĩ linh tinh để át đi. Thế rồi đôi lúc, trong cái mớ tư duy vớ vẩn lại trồi ra một ý tưởng sáng tạo mới toanh, đẹp lạ diệu kỳ. Bởi vậy mà dù không chán, họ cũng vật lộn để khiến mình phải nản.
Mỗi nhà sáng tạo lại có một cách khơi nguồn sự chán nản để bước vào thế giới suy nghĩ miên man khác nhau. Biên đạo múa của Nga George Balanchine (1904-1983) xây dựng vũ điệu mới tốt nhất khi đang… ủi quần áo. Doris Lessing (1919-2013) của Anh thì gọi cảm hứng giữa lúc đang ngồi ngơ hoặc rửa bát đũa, lau nhà cửa. Riêng Margaret Atwood lại tìm thấy khát khao viết khi ngắm nhìn những chú chim. “Thả hồn vào chúng khiến tôi như thoát ra khỏi chính mình, bay lượn lửng lơ và vô tình đụng trúng các dòng ý tưởng chảy trên không trung”, bà nói.
Cách ly xã hội bắt buộc mọi người xa nhau tối thiểu 2m, cấm tụ tập, hạn chế di chuyển. Với những quy định khắt khe này, dù bạn có cố ý hay không thì vẫn rất dễ rơi vào buồn chán. Nếu tẻ nhạt đích thực là con đường dẫn tới kho chứa ý tưởng, kỷ nguyên Covid-19 thế nào cũng thổi bùng sự sáng tạo. Nhiều người tin tưởng các kiệt tác mới trên mọi lĩnh vực sẽ sớm chào đời.