Giai đoạn từ 2020, Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu phương án xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn như đoạn Hà Nội – Vinh, Nha Trang – Sài Gòn.
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV.
Trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hồ Chí Minh về việc Chính phủ cần quan tâm đầu tư hệ thống giao thông đường sắt nhằm phục vụ việc đi lại của nhân dân cũng như vận chuyển hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, trong đó cần chú trọng mở thêm tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam, Bộ GTVT đã nêu ra lộ trình các bước thực hiện.
Cụ thể, theo Bộ GTVT, để tiếp tục phát huy thế mạnh trong vận tải đường dài, khối lượng lớn, góp phần giảm tải cho đường bộ, Bộ GTVT đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược, Quy hoạch phát triển GTVT đường sắt Việt Nam tại Quyết định số 214/QĐ-TTg ngày 10/2/2015 và Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 24/8/2015.
Theo đó, trong đó giai đoạn từ nay đến năm 2020, sẽ tập trung đầu tư, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có, trong đó ưu tiên nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc – Nam để đạt tốc độ chạy tàu bình quân 80 – 90km/h đối với tàu khách và 50 – 60km/h đối với tàu hàng.
Đồng thời, để bảo đảm nguồn vốn nhằm từng bước thực hiện quy hoạch nêu trên, theo đề nghị của Bộ GTVT, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội thông qua chủ trương bố trí 15.000 tỉ đồng từ nguồn vốn dự phòng kế hoạch trung hạn 2016 – 2020 cho các dự án đường sắt quan trọng và các dự án đường bộ quan trọng, cấp bách tại Nghị quyết số 52/2017/QH14.
Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu vận tải và tăng cường sự kết nối giữa các thành phố lớn trên trục Bắc – Nam (nhất là việc kết nối hai trung tâm kinh tế lớn là thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) bằng hệ thống giao thông vận tải tốc độ cao, an toàn, Chiến lược, Quy hoạch phát triển GTVT đường sắt cũng đã xác định và dự kiến lộ trình phát triển tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam với 3 giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất: Từ nay đến năm 2020, nghiên cứu phương án xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa; trong đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn như đoạn Hà Nội – Vinh, Nha Trang – Sài Gòn.
Giai đoạn 2: Từ năm 2020 đến năm 2030, triển khai xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao (trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160 – 200km/h), đường đôi khổ 1.435mm, điện khí hóa, hạ tầng tuyến có thể đáp ứng khai thác tốc độ cao tốc 350km/h trong tương lai, ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn trên trục Bắc – Nam theo khả năng huy động vốn
Giai đoạn 3: Tầm nhìn đến 2050, phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao khổ 1.435mm trên trục Bắc – Nam; sau năm 2050 triển khai tổ chức khai thác tốc độ cao tốc 350km/h.
“Căn cứ lộ trình nêu trên, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay Bộ GTVT đang triển khai rà soát các nghiên cứu trước đây về Dự án để cập nhật, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam; dự kiến Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ để xem xét, báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2019”, Bộ GTVT cho biết.
Trước đó, trao đổi với báo chí về dự án này, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, không có nước nào trong vòng vài năm đầu tư xong được hệ thống đường sắt cao tốc quốc gia, bởi nhanh nhất cũng vào khoảng 20 năm mới làm xong.
“Mỗi nhiệm kỳ phân bổ 5-7 tỉ USD, tức khoảng 110.000-150.000 tỉ đồng, thì hoàn toàn làm được dự án đường sắt cao tốc. Nhà nước phải tính toán bỏ ra bao nhiêu tiền, trong thời gian bao lâu để đầu tư”, ông Minh nói.
– Theo Cafebiz