Ngày nay trên đường Hàn Thuyên (phường Thuận Thành, Đại nội Huế) còn di tích hoang phế của Khâm Thiên Giám là một cơ quan trọng yếu thời Nguyễn; tập trung số nhân tài có thể nói “đếm trên đầu ngón tay” để chuyên tâm xem ngày lành tháng tốt để tổ chức những lễ nghi quan trọng cấp nhà nước; dự đoán khí hậu, nghiên cứu các hiện tượng thiên nhiên, và biên soạn lịch hàng năm.
Tàn tạ theo thời gian
Theo sách Lịch sử triều Nguyễn thì Khâm Thiên Giám tọa lạc tại số 82 Hàn Thuyên (TP. Huế, Thừa Thiên – Huế) được di dời đến nơi đây dưới thời vua Duy Tân. Khi vua Gia Long cho thành lập nó ở cùng một chỗ với Quan Tượng Đài (đài thiên văn, khí tượng) về phía Tây kinh thành. Về cơ sở mới, Khâm Thiên Giám phụ trách công việc quan sát, chiêm nghiệm thiên văn, dự báo thời tiết, làm lịch hàng năm; ngoài ra, còn xem ngày lành tháng tốt để triều đình tổ chức những lễ nghi quan trọng như Tế Giao, Tế Xã Tắc…
Theo sách Đại Nam thực lục chính biên, Khâm Thiên Giám đã có bảy hạng mục công trình chính gồm tòa nhà lớn, nha môn, hai nhà tả hữu, bình phong, sân lát gạch vồ. Nay toàn bộ các công trình chính phụ ấy đều bị xuống cấp, biến dạng. Ông Phan Văn Tuấn – Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết trong khuôn viên Khâm Thiên Giám hiện nay có 27 hộ dân đang sinh sống. Năm 2013, Trung tâm đã lập dự án bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích này trình Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch và Bộ ra văn bản đồng ý.
Song đến nay, dự án này vẫn chưa được thực hiện do chưa có quỹ đất và kinh phí di dời các hộ dân. Kế hoạch tu bổ di tích sắp tới của hệ thống Di sản Huế giai đoạn 2016-2020 đưa lên hàng đầu di tích Khâm Thiên Giám. Theo sách Đại Nam Thực Lục thì Khâm Thiên Giám được xây dựng rất sớm từ đầu thời vua Gia Long. Nó đảm nhận nhiệm vụ quan sát thiên văn, khí tượng, làm lịch, xem ngày lành tháng tốt, tư vấn địa lý phong thủy cho triều đình nhà Nguyễn. Quan Tượng Đài trên góc Tây Nam Kinh thành Huế được xây dựng vào thời Minh Mạng để quan sát thiên tượng.
- Xem thêm: Tứ giác vàng – di sản Sài Gòn xưa
Theo Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ thì tổ chức hành chính của Khâm Thiên Giám đặt dưới sự quản lý chung của một vị đại quan (kiêm nhiệm). Vị quan lớn này đứng đầu một cơ quan khác, chỉ quản lý chung mọi việc. Còn công việc chuyên môn hàng ngày do hai ông Giám chính và Giám phó trực tiếp điều khiển. Đội ngũ nhân viên gồm các vị Ngũ quan chính, Linh đài lang, các Thư lại và vị nhập lưu Thư lại (chánh văn phòng).
Tại các tỉnh có Ty Chiêm hậu là chi nhánh của Khâm Thiêm Giám. Theo sách Đại Nam thực lục ghi chép rằng công việc hằng ngày ở Khâm Thiên Giám gồm chiêm nghiệm sai độ của từng năm, bình trật để phân đều khí hậu, ghi chép lịch số để tính đúng năm và mùa; miêu tả sắc mây và hình vật để đoán hình tượng trời, xem ngày giờ để chọn tốt lành, trông coi việc đánh trống canh đổi gác trong cung đình. Mọi sự việc ấy đúng sai đều quy trách nhiệm cho Khâm Thiên Giám.
Tài năng thiên phú của người xưa
Một trong các truyền thuyết lưu truyền vào đầu thế kỷ XIX, ca ngợi tài năng của các vị đại quan được nhà vua tin tưởng giao phó trông coi Khâm Thiên Giám. Năm Tự Đức thứ 2, chỉ với một số nhỏ khí cụ thô sơ, thiếu thốn tài liệu chuyên môn, mà kỳ lạ vào Tết Nguyên đán năm 1848, Thượng thư Bộ Hình Trương Quốc Dụng (người Đức Thọ, Hà Tĩnh) – kiêm chức Giám chính Khâm Thiên Giám đã dự báo chính xác nhật thực sẽ xảy ra đúng giờ ngọ, ngày mùng Một Tết. Tin đó là một dấu hiệu cảnh cáo của Trời, vua Tự Đức ở trong cung trai giới và ra lệnh cấm các hoàng hậu, hoàng thân quốc thích, quan lại khắp nơi không được bày yến tiệc.
Mỗi năm, Khâm Thiên Giám phải làm ra một cuốn lịch mới chuẩn xác. Nổi tiếng giỏi nhất là Thượng thư Bộ Hộ Nguyễn Hữu Thận (người Quảng Trị) kiêm chức Giám chính Khâm Thiên Giám suốt 2 triều Gia Long và Minh Mạng. Ông làm “Ngự lịch” là lịch đặc biệt dâng lên cho vua, “Quan lịch” là lịch dành cho các quan và “Dân lịch” là lịch ban phát khắp cả nước.
Ngoài ra, còn có “Long phụng lịch” đặc biệt, chỉ để thờ tại các Thái miếu, Thế miếu, Hưng miếu, Triệu miếu tại Đại nội Huế và tại các lăng tẩm nhà vua. Hình thức cuốn Ngự lịch rất công phu. Bìa làm bằng một tấm lụa màu vàng, thêu rồng mây liền từ sau ra trước gọi là “Đoạn bát ty”. Ở giữa có một cái nhãn, màu hoa đào, thêu nổi hai chữ “Ngự lịch”. Kỹ thuật in lịch hồi ấy dùng mộc bản gỗ thị khắc chữ, mỗi bản in một tờ. Vậy mà mỗi năm, Khâm Thiên Giám đều cung cấp đủ lịch cho cả nước, không sai sót.
Do đường sá khó khăn, phương tiện vận chuyển thiếu thốn, năm 1809, vua Gia Long cho các địa phương báo cáo về Bộ Hộ số lịch tiêu chuẩn. Bộ Hộ chuẩn bị từ đầu tháng 4, Bắc thành (Hà Nội) và Gia Định thành sẽ cử người đến Khâm Thiên Giám – Huế nhận bản thảo, đem về tự khắc và in. Đến tháng 10, lại cử người đến Huế nhận bìa lịch có đóng ấn của Khâm Thiên Giám (Ấn Đại Nam Hiệp Kỷ lịch chi bảo). Đóng lịch xong, phải chờ đến ngày triều đình làm lễ “Ban sóc” thì các nơi mới làm lễ “Thọ lịch” và ban phát lịch. Cứ như thế, Tết Ất Dậu năm 1945, Khâm Thiên Giám phát hành cuốn lịch cuối cùng là “Đại Nam Bảo Đại nhị thập niên tuế thứ – Ất Dậu hiệp kỷ lịch”.
Khâm Thiên Giám làm việc với những khí cụ mua từ Trung Hoa hay các nước phương Tây gồm chuông định giờ, thước đồng, cây đo bóng mặt trời, đồng hồ cát, phong vũ biểu, chậu hứng nước mưa để đo vũ độ, thiên lý kính, bản đồ thiên văn… Hầu hết, sách chuyên môn để nghiên cứu, tham khảo lại là sách Đông phương. Tuy sở học “Tây – Tàu bất nhất” như vậy, nhưng các quan Khâm Thiên Giám vẫn tính toán được ngày giờ, nhật thực, nguyệt thực, sao chổi khá chính xác.
Còn đâu dấu xưa
Theo Châu bản triều Nguyễn đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 hiện còn khoảng 1.000 văn bản liên quan đến Khâm Thiên Giám. Đa phần văn bản báo cáo các hiện tượng thiên nhiên mây, mưa, nắng, gió, dự đoán nhật thực, nguyệt thực, các vì sao… Từ năm Khải Định thứ 2, Khâm Thiên Giám lại phải chọn ngày tốt đầu năm để vua đi cày (Lễ Tịch điền).
Tổ chức nhân sự tại Khâm Thiên Giám mỗi đời vua Nguyễn đều khác nhau. Thời Gia Long, hơn 50 người; Minh Mạng thì định ngạch nhân viên ở Khâm Thiên Giám là 30 người; đến vua Thiệu Trị, con số này giảm còn 20 người. Theo sách Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ, họ là nhân viên thường xuyên làm việc ở đây. Việc tuyển chọn nhân sự vào Khâm Thiên Giám được vua theo dõi, cấm lệ hồi tỵ để tìm ra người giỏi (không cho phép cha truyền con nối).
Sách Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ kể chuyện năm 1844, vua Thiệu Trị rà soát nhân sự ở đây, những người nào có họ hàng gần xa với nhau đều bị “giảm biên chế” (buộc thôi việc). Vua phê rằng “Khâm thiên giám chuyên coi khí tượng, các ngôi sao, không như các nha môn khác, nên giữ phép công mà làm. Cấm không được đem người thân mà đề cử bậy lên, lỗi không nhỏ đâu! Mỗi năm, các vua Nguyễn thường yêu cầu các địa phương tìm ra những người tinh thông lịch pháp, địa lý, âm dương để vua bổ nhiệm vào Khâm Thiên Giám.
Đầu thế kỷ XX, chính quyền Pháp lập đài khí tượng Đông Dương tại Phù Liễn. Chức năng của Khâm Thiên Giám chỉ còn làm lịch ta (âm lịch) và xem ngày giờ tốt xấu, đất đai, chọn huyệt mã cho triều đình. Vì vậy, vua Duy Tân (1907-1916) cho Khâm Thiên Giám rời khỏi Nam Đài chuyển về khu Bộ Học (đường Hàn Thuyên ngày nay).
Một ngày cuối năm, tôi đến đường Hàn Thuyên (Đại nội Huế), giờ vẫn còn di tích là chiếc cổng rêu phong ba chữ Hán “Khâm Thiên Giám” đã phai mờ. Đường Hàn Thuyên người Huế gọi nôm na là đường mù u (trồng toàn cây mù u) hôm nay là phố “bánh canh” về đêm. Trước tấm bảng to tướng “Khu quy hoạch di tích Khâm Thiên Giám” trong công viên đối diện có tấm bảng nho nhỏ “cấm tiểu tiện” chình ình! Nói gì thì nói, việc giải tỏa, di dời các hộ dân đang sinh sống trong vùng di tích Khâm Thiên Giám (Bộ Học) không dễ dàng vì thiếu quỹ đất và kinh phí. Sau đó việc phục chế, bảo tồn di tích lại là một câu chuyện dài cần nhiều thời gian (không thể đếm trên đầu ngón tay) đối với các nhà nghiên cứu. Vì vậy, thôi đành chấp nhận Khâm Thiên Giám giờ chỉ còn trong hoài niệm!