Một năm sau cuộc tranh luận đập hay không đập tòa nhà 59-61 Lý Tự Trọng (“Dinh Thượng thơ”) để mở rộng và xây mới trụ sở UBND TP.HCM, những người yêu di sản vẫn hồi hộp chờ kết luận chính thức về “sinh mạng” dinh thự gần tròn 140 tuổi đời này. Và rồi, một tin mừng, trong tháng 9.2019, Sở Quy hoạch và Kiến trúc đã đề nghị UBND TP.HCM mời chuyên gia nước ngoài giúp hoàn chỉnh phương án bảo tồn kiến trúc toà nhà “Dinh Thượng thơ”.
Mặt khác, Sở cũng đề nghị Đại học Kiến trúc TP.HCM tham gia thực hiện việc trên. Như vậy, hy vọng 99%, tòa nhà mang ký ức Sài Gòn xưa đã không nhận “giấy khai tử” như việc đã xảy ra tức tưởi với thương xá Eden, thương xá Tax gần 10 năm trước.
Tuy nhiên, để giữ và tôn tạo “Dinh Thượng thơ”, cần nhìn rộng ra cả không gian tổng thể và thời gian lịch sử ba thế kỷ của khu vực chung quanh. Qua đó, ta có thể thấy Sài Gòn nay đang có một Tứ giác vàng của Sài Gòn xưa, gồm nhiều ô phố ẩn chứa nhiều dấu ấn lịch sử kỳ thú và các dinh thự giá trị – may mắn chưa thay đổi dáng hình.
“Bộ tứ” dinh thự quý hiếm
Nằm ngay giữa quận Một, Tứ giác vàng hình chữ nhựt bao gồm các cạnh đường Nguyễn Du – Đồng Khởi – Lê Thánh Tôn và Nguyễn Trung Trực. Trong chu vi này có sáu ô phố, tổng diện tích cả khu khoảng 13ha. Mỗi ô phố đều có nhiều công thự, đặc biệt còn nguyên 4 dinh thự lớn, xây dựng vào cuối thế kỷ XIX – kiến trúc châu Âu mỹ lệ.
Trong đó, mở đầu là “Dinh Thượng thơ” (1883) – nguyên là Bộ Nội vụ của cả Nam kỳ, có lúc kiêm quản chức năng Tòa thị chính của Sài Gòn. Tòa nhà hai tầng mái ngói đỏ, mang hình chữ U duyên dáng – còn là nơi đặt trụ sở của Gia Định báo – tờ báo quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam.
Từ 1955 -1975, tòa nhà là trụ sở của Bộ Kinh tế Việt Nam Cộng Hòa – nơi ghi dấu các hoạt động xuất nhập cảng sôi động của miền Nam. Nơi đây còn là trụ sở của tuần báo Chấn hưng kinh tế – tờ báo “gối đầu giường” của các “thương gia”. Từ sau tháng 4.1975, tòa nhà tiếp tục chức năng trụ sở của các cơ quan công quyền và đơn vị kinh doanh.
Ngay phía sau “Dinh Thượng thơ” là tòa nhà vừa tròn 110 tuổi – “Dinh Xã Tây” – tòa thị chính Sài Gòn, theo cách gọi của dân ta thời Pháp. Có thể coi tòa lâu đài này là một phiên bản thu nhỏ của Tòa thị chính Paris nhưng vẫn có kiểu dáng và đặc điểm riêng.
“Dinh Xã Tây” Sài Gòn ngay từ đầu không chỉ là nơi hội họp và làm việc của thị trưởng và các nghị viện thành phố. Hai đại sảnh bên trên và bên dưới tòa nhà còn dùng làm nơi triển lãm, hội nghị, tiếp tân và tổ chức sự kiện.
Rất ngạc nhiên, theo họa đồ quy hoạch Sài Gòn năm 1900 (một bức tranh lớn hiện đang trưng bày trong phòng tiếp khách quốc tế của tòa nhà), hoàn toàn không có hàng rào ngăn cách giữa “Dinh Thượng thơ” và “Dinh Xã Tây”. Vào khoảng những năm 1940 – 1950, phía sau “Dinh Xã Tây” mới có thêm dãy nhà làm việc ba tầng, giáp lưng vào “Dinh Thượng thơ”.
Sắp tới, nếu hợp nhất khuôn viên hai tòa nhà thì chúng ta không những nối kết hai không gian kiến trúc hợp lý mà còn thực hiện “châu về hợp phố” một chủ trương xưa – liên thông công thự để tiết kiệm ngân sách và tăng hiệu lực bộ máy hành chính.
Cách không xa cặp đôi “Dinh Thượng thơ – Dinh Xã Tây” là hai tòa nhà lớn – Bảo tàng thành phố (1890) và Tòa án thành phố (1885). Tòa nhà bảo tàng nguyên là Dinh Thống đốc Nam kỳ thời Pháp, sau đấy từ 1955-1975, có lúc là Dinh Thủ hiến Nam Việt, Dinh Tổng thống, Dinh Quốc trưởng, Dinh Quốc khách và rồi Tối cao Pháp viện. Vào năm 1946, lễ tiếp nhận đầu hàng của Phát xít Nhật ở khu vực Đông Nam Á trước quân Đồng minh, đã diễn ra tại đây.
Những năm 1950, chính quyền Bảo Đại chính thức đặt tên tòa nhà là “Dinh Gia Long” (con đường chạy qua Dinh mang tên Pháp La Grandière cũng đổi thành Gia Long, giờ đây mang tên Lý Tự Trọng). Tòa nhà kiểu dáng tráng lệ, bao trọn một ô phố, phía sau có sân vườn rộng. Thiết kế trang trí bên ngoài và bên trong thể hiện vẻ quyền quý và lịch lãm.
Trong khi đó, khuôn viên Tòa án thành phố cũng chiếm trọn một ô phố lớn. Người Pháp gọi đây là “Dinh Pháp lý” (Palais de Justice), nơi xử án và thể hiện pháp quyền theo phương châm Tự do – Bình đẳng và Bác ái của cách mạng Pháp 1789.
Hiện tại, “Dinh Pháp lý” đang được trùng tu, hồi phục dần dần vẻ đẹp lộng lẫy và tôn nghiêm. Điều thú vị, giữa hai dinh là một mảng xanh – Công viên Bạch Tùng Diệp xinh xắn, nơi có một cây cổ thụ khổng lồ, cần gắn bảng Cây Di sản. Cả bốn dinh đều xứng đáng là di sản – biểu tượng của chính quyền hiện đại và pháp trị văn minh.
Khu phố di sản ba thế kỷ
Sau khi chiếm Gia Định, các đô đốc Pháp đặt “soái phủ” tại ô phố nay là trường Trần Đại Nghĩa (trước là trường Taberd). Họ quy hoạch con đường Gouvernment (về sau đổi thành La Grandière) và Catinat (đường Đồng Khởi, đoạn từ Nhà thờ Đức Bà đến Công viên Chi Lăng) là hai trục chính giao nhau, nơi đặt các công sở chính.
Từ “soái phủ” chỉ trong khoảng cách đi bộ năm ba phút là có thể đến Nhà Bưu điện (lúc đầu ở vị trí nay là Sở Văn hóa và thể thao), Sở Tài chính (vị trí cao ốc Metropolitan), Sở Địa chính (góc Đồng Khởi – Lý Tự Trọng), Hiến binh (nay là doanh trại Kiểm soát quân sự – 38 Lý Tự Trọng), Lưu trữ và Thư viện (Thư viện Khoa học xã hội – 34 Lý Tự Trọng), Dinh Thượng thơ và Dinh Xã Tây.
Thêm 5 phút đi bộ ở đầu đường Gouvernment là Bệnh viện quân đội (nay là Bệnh viện Nhi Đồng 2) và khu Hải quân, còn ở cuối đường là Tòa án và Khám lớn (nay là Thư viện Khoa học Tổng hợp).
Về sau, có thêm Dinh Thống đốc, Dinh Toàn quyền (từ 1955 là Dinh Độc Lập), tất cả đều trong khoảng cách gần gũi. Các con đường tại đây đều được trồng cây xanh, tồn tại đến giờ như “đường hầm xanh” hiếm có giữa lòng đô thị tua tủa cao ốc. Nhà cửa ngày xưa dọc các con đường đều thấp tầng – không vượt quá 20m, không che chắn tầm nhìn thấy tháp nhà thờ Đức Bà (57m).
Từ thập niên 1920 – 1930, mới có thêm một số biệt thự, cư xá nhà dân, chủ yếu ở ô phố Pasteur – Lý Tự Trọng, không xen vào các công thự. Toàn bộ khu tứ giác từ cuối thế kỷ XIX, được coi là khu phố hành chính trung tâm Sài Gòn và là khu phố đi bộ 7/7 vào thời xe hơi chưa xuất hiện (trước 1910).
Khu phố đi bộ lịch sử
Ngày nay, toàn bộ khu Tứ giác vàng – chứ không chỉ “bộ tứ” dinh thự cần được bảo tồn và cần coi đây là khu phố di sản đặc biệt! Trước nhất, với bốn dinh thự, ngoài việc trùng tu và tôn tạo, cần tính lại chức năng sử dụng. Bản thân tòa lâu đài – trụ sở UBND thành phố nên trở lại mục tiêu công thự văn hóa chứ không chỉ hành chính.
Khi kết nối “Dinh Xã Tây” với “Dinh Thượng thơ” và mở rộng sang khuôn viên trụ sở Sở Tài nguyên – Môi trường và Sở Giao thông – Vận tải, nơi đây sẽ có đủ không gian để trở thành một phức hợp nhiều tòa nhà – biểu tượng của hành chính vì Dân và cho Dân.
Tại phức hợp này, chủ tịch thành phố và các đại biểu Hội đồng Nhân dân sẽ tiếp dân, họp báo, tổ chức các buổi lễ vinh danh công dân và bạn trẻ đóng góp lớn cho thành phố… Cử tri và báo giới dự khán các cuộc họp của Hội đồng Nhân dân. Các cặp cô dâu chú rể thực hiện nghi thức đăng ký kết hôn. Các văn nghệ sĩ biểu diễn và giới thiệu tác phẩm chọn lọc của mình.
Tại tòa nhà “Dinh Thượng thơ”, thị dân và du khách vào xem Bảo tàng Hành chính và Kinh tế, xem triển lãm các họa đồ thành phố xưa và nay. Mặt khác, có thể xây dựng các tầng hầm trong khuôn viên hai dinh thự dùng làm phòng làm việc, thay cho việc phá nhà cũ xây cao ốc chót vót.
Trong khi đó, nếu Bảo tàng thành phố theo dự kiến sẽ dời sang Thủ Thiêm hay Thủ Đức thì nên phục hồi chức năng “Dinh Quốc khách” cho tòa nhà này. Tại đây, chính quyền không chỉ tiếp khách ngoại giao, tổ chức các buổi tiếp tân quốc tế mà còn mở rộng cửa cho khách quốc nội.
Đặc biệt, khung cảnh trang trọng tại đây rất thích hợp cho những cuộc tiếp tân, giao lưu văn hóa nghệ thuật. Một phần tòa nhà và sân vườn có thể sử dụng làm triển lãm kiến trúc và văn hóa Sài Gòn xưa. Đường hầm dưới chân tòa nhà có thể làm bảo tàng chuyên đề thời kỳ 1954 – 1963 của miền Nam và chính quyền Ngô Đình Diệm.
- Xem thêm: Không dừng lại được biết làm sao!
Với Tòa án thành phố, một phần tòa nhà và khuôn viên rộng lớn tại đây, nhất là mặt đường Lý Tự Trọng, rất cần thiết làm Bảo tàng Pháp luật và Thư viện pháp luật. Thêm nữa, người dân và du khách cần có quyền tham quan “Dinh Pháp lý” vào những giờ thích hợp trong tuần.
Đặc biệt, Công viên Bạch Tùng Diệp, thay vì chỉ đặt tượng đài tưởng niệm Lý Tự Trọng và Quách Thị Trang, cần có thêm chức năng là công viên sáng tạo của giới trẻ. Tại đây, thường xuyên có các ngày hội, các cuộc triển lãm giới thiệu công nghệ mới, các phát minh, sản phẩm sáng chế mới.
Tòa nhà Thư viện Khoa học Tổng hợp gần đó cũng không nên chỉ là kho sách phục vụ bạn đọc mà cần phát triển thành nhà văn hóa hoặc một đường sách thứ hai. Đó là nơi gặp gỡ giữa sinh viên và các văn nhân, báo giới, chính khách, doanh nhân và người khởi nghiệp.
Các ô phố chung quanh nối khu Tứ giác vàng với các khu buôn bán nhộn nhịp, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi – Chợ Bến Thành sẽ là nơi trung chuyển giữa không gian di sản và sáng tạo với không gian thương mại – dịch vụ.
Hiện tại, ngày càng có nhiều văn phòng công ty nhỏ, cửa hàng nhỏ, quán cà phê và nhà hàng nhỏ “đổ bộ” vào các chung cư cao tầng cũ, các nhà phố và biệt thự dọc các đoạn đường Pasteur, Nguyễn Du, Nguyễn Trung Trực. Khi khu phố di sản đặc biệt ra đời thì giá trị các “con phố trung chuyển” ấy càng gia tăng!
Hơn thế nữa, tại sao không, khu Tứ giác vàng nên được quy hoạch là phố đi bộ, trước nhất vào những ngày cuối tuần. Khác với Nguyễn Huệ, đây là phố đi bộ có linh hồn là các tòa nhà lịch sử và các cây xanh hơn trăm năm tuổi. Phố đi bộ lịch sử chính là không gian có một không hai của thành phố, đem lại sự thư thái cho sáng tạo và tri thức.
Trùng tu và tôn tạo “Dinh Thượng thơ” và các tòa nhà lịch sử khác cần nghĩ đến viễn cảnh đó để không lãng phí tiền của và sức lực của xã hội. Và càng không lập lại những sai lầm dại khờ hay ma mãnh trong việc chiếm dụng đất công để xây dựng những cao ốc thương mại – nhớp nhúa lợi ích đen!