Tôi bắt một chuyến tàu có giờ giấc khá dở hơi đi Anuradhapura từ thủ đô Colombo. Tàu xuất phát tầm 20:00 tối, nhưng lại đến nơi lúc 1:00 sáng. Lúc mua vé tôi không để ý giờ đến, cứ nghĩ kiểu gì cũng phải sáng sớm mới tới nơi. Dù điều kiện trên tàu phải nói là thiên đường so với những chuyến tàu kinh khủng chạy xuyên đêm dọc ngang Ấn Độ, nhưng đến một nơi hoàn toàn xa lạ vào lúc 1:00 sáng thì chả phải là hoàn cảnh hay ho gì.
Khách đi tàu hầu hết là dân bản địa. Khi tới ga cuối họ nhanh chóng tản đi gần hết, còn mỗi tôi bơ vơ nơi sân ga nhỏ cùng lác đác vài người. Tôi bước ra ngoài sân ga, cảm giác hơi lo lắng vì xung quanh toàn cây cối um tùm, đường sá vắng tanh, ánh đèn vàng vọt. Tôi chỉ bình tâm trở lại khi thấy gần chỗ đối diện cổng chính nhà ga có một gian thờ Phật khá lớn, bốn mặt lắp kính trong suốt thắp đèn sáng trưng. Thời may, phía cuối sân ga còn lơ thơ vài chiếc tuk tuk đang đậu chờ khách. Tôi bèn bước nhanh lại, gọi một xe rồi cùng người tài xế lạ mặt băng qua những phố phường tỉnh lẻ tối thui vắng ngắt để về chỗ trọ. Cũng mừng là người chủ nhà đã chịu khó đợi cửa chờ tôi. Về đến nơi tôi ngủ liền một mạch, đến sáng hôm sau tôi mượn chủ nhà chiếc xe đạp để đi lại thăm thú các nơi xung quanh, bắt đầu một ngày nhàn tản.
***
Là một trong những thành phố cổ xưa nhất ở châu Á, Anuradhapura đóng một vai trò quan trọng suốt chiều dài lịch sử của Sri Lanka. Trong hơn 1,500 năm, thành phố này được chọn làm thủ đô của quốc đảo sư tử qua nhiều triều đại khác nhau, mãi tới cuối thế kỷ thứ 10, khi đế chế Chola ở miền nam Ấn Độ tràn sang xâm chiếm, Anuradhapura mới chấm dứt vị thế trung tâm của mình. Trong giai đoạn vàng son, Anuradhapura đã phát triển rực rỡ cùng nền văn minh Phật giáo. Thành phố này chính là trung tâm khai sinh ra hệ phái Theravada, một dòng chính của Phật giáo Nam Tông hay Phật giáo Nguyên Thủy. Đó là sử sách chép lại như vậy. Còn trước mắt tôi, Anuradhapura giờ đây chỉ là một thành phố nhỏ xíu buồn hiu.
Đạp xe thong thả băng qua các con phố ở khu thị tứ, tôi đi dần ra khu vực ngoại vi, nơi có những con đường làng rộng thênh yên bình. Hỏi thăm vài người dân trên đường, tôi tìm thấy bảo tháp Ruwanwelisaya hay còn gọi là Great Thupa. Đây là nơi có chứa một trong những xá lợi Phật quý báu nhất, đó là mẩu xương đòn vai của ngài. Nói về xá lợi Phật, theo kinh sách, sau khi đức Phật nhập diệt và được hỏa táng, các tiểu vương láng giềng hay tin liền kéo sang. Với lòng ái mộ đức Thầy, ai cũng thị uy đòi mang phần tro cốt còn lại về thờ cúng ở quê nhà của mình. May mà lúc đó có vị bà la môn uy tín là Hương Tánh đã đứng ra hòa giải thành công cho các bên, đoạn ngài phân xá lợi ra làm tám phần đều nhau chia cho tám vị tiểu vương, mỗi vị mang phần của mình về dựng tháp thờ. Hơn hai trăm năm sau, khi hoàng đế Ashoka tức A Dục Đế thống nhất toàn cõi Ấn Độ, ngài ra lệnh khai quật tám cái tháp kia, lấy xá lợi phân ra hàng ngàn cái tráp nhỏ rồi cho đem phụng thờ khắp nơi nhằm xiển dương đạo pháp. Vì là nơi đức Phật hay lui tới lúc sinh thời, đảo quốc sư tử Tích Lan tức Sri Lanka ngày nay cũng vinh hạnh được nhận vài phần xá lợi quý giá này.
Tôi chậm rãi đạp xe trên con đường làng vắng vẻ, từ xa đã thấy ngọn bảo tháp sơn trắng khổng lồ. Ruwanwelisaya có kiến trúc hình chuông của một stupa điển hình, cao hơn 100 mét và chu vi gần 300 mét, là một trong những ngọn tháp cao nhất thế giới thời cổ đại. Thoạt kỳ thủy, ngọn tháp chỉ có chiều cao bằng nửa hiện tại, sau được bao đời vua chúa vun đắp lên mãi mà thành. Vì là nơi đức Phật thường thăm viếng, nơi này cũng trở thành địa điểm hành hương phổ biến của tín đồ Phật giáo Theravada. Nhưng lúc này đây, giữa khoảng sân mênh mông ngập nắng chỉ có mình tôi. Tôi dựng xe đạp cạnh một gốc cây, băng qua một lối đi dài. Đến đầu khuôn viên bảo tháp, tôi cởi giày ra đi chân trần theo bảng thông báo. Vừa chạm bàn chân xuống sàn gạch, tôi giật nảy lên. Sân gạch hấp nắng trưa nóng giãy, tôi phải chạy thật nhanh qua khoảng sân rộng để vào bóng râm của một điện thờ bên hông bảo tháp.
Khi tôi đến, trong điện thờ có mấy nam Phật tử dáng to cao, da ngăm đen, vận áo trắng xà-rông trắng tinh tươm từ đầu đến chân. Họ đang tỉ mẩn lau dọn bàn thờ, thấy có khách đến bèn chuẩn bị cho tôi một mâm cúng dường. Không phải là hoa trái bánh kẹo, mâm cúng là một bộ y bát được gói buộc gọn ghẽ chỉn chu. Tôi dâng mâm cúng lên bàn thờ theo lệ xong ra một góc ngồi tĩnh tại. Bên trong điện thờ mát rượi dù phía ngoài nắng chang chang. Bảo tháp khổng lồ sơn màu trắng vươn lên trời cao vẻ uy nghiêm, giữ gìn bên trong nó phần xá lợi kỳ bí không ai được phép vào để chiêm ngưỡng.
Bảo tháp stupa xưa chỉ chứa duy nhất xá lợi Phật. Theo sự phát triển của đạo, sau này tro cốt các vị cao tăng khi viên tịch cũng được gọi là xá lợi, được cho vào bảo tháp và thờ cúng rộng rãi, rồi còn được người ta khoác lên đó những phép màu tâm linh có tính chữa lành. Xá lợi Phật lẽ ra cũng chỉ là một tích trong kinh sách nếu không có cuộc khai quật của nhà khảo cổ người Pháp cách nay gần 130 năm. Ở một vùng đất phía nam Nepal, ông tìm được một hộp đá, bên ngoài chạm khắc niên đại A Dục Đế với nội dung còn nguyên văn tự bằng tiếng Phạn: “Đây là xá lợi của đức Phật. Phần xá lợi này do bộ tộc Thích Ca, nước Sravasti phụng thờ”.
Tôi ngồi trong điện tọa thiền một hồi lâu rồi mới trở ra sân. Sau khi cúi lạy ngôi bảo tháp, tôi lại chạy băng qua khoảng sân rộng đến chỗ để giày. Lúc chuẩn bị lấy xe, tôi thấy một nhóm người gồm một bà cụ già, một người đàn ông trung niên và mấy phụ nữ vận đồ trắng tinh đến viếng. Cũng như tôi, những người phụ nữ khi vừa chạm chân xuống mặt sân liền giật nảy vì nóng, họ kêu xuýt xoa và chạy vội về phía gian điện, để lại người đàn ông và bà cụ đứng loay hoay. Cụ già chân quá yếu không chạy được, mà cũng không thể nào cứ đứng yên đó. Sau một lúc bối rối, người đàn ông quyết định bế thốc bà cụ lên và sải bước thật nhanh về phía điện thờ. Rời khỏi Ruwanwelisaya rồi mà tôi cứ nhớ mãi hình ảnh đó.
***
Từ Ruwanwelisaya tôi đạp xe đến khu vườn Mahamewna nơi có gốc bồ đề thiêng Jaya Sri Maha Bodhi. Nếu đã đến cố đô Anuradhapura thì không thể nào không viếng thăm khu vườn này. Gốc bồ đề thiêng ở đây được xác định là cây do người trồng có tuổi đời lâu nhất trong lịch sử nhân loại. Năm 288 trước công nguyên, nàng công chúa con gái vua A Dục với lòng sùng kính đã du hành sang Ấn Độ tìm đến tận nơi đức Phật giác ngộ thành đạo. Ở đó, nàng xin chiết một nhánh bồ đề mang về kinh đô tại quê nhà để trồng. Trong khi cây gốc ở Bodhgaya bên Ấn đã bị tàn phá do thời cuộc, thì ở đây do được gìn giữ cẩn thận, cây đời vẫn mãi xanh tươi.
Trái ngược với cảnh vắng vẻ ở Ruwanwelisaya, khu vườn Mahamewna nhộn nhịp khách thập phương đến viếng. Tôi phải gửi xe ở cổng ngoài, đi qua lớp bảo vệ có vũ trang rồi lội bộ một đoạn dài mới đến quầy để giày dép. Sân cát ở đây cũng nóng giãy như bên khu bảo tháp, nhưng hai bên vệ đường người ta bố trí nhiều vòi nước để khách rửa chân. Lại qua một lớp bảo vệ nữa tôi mới chính thức vào được bên trong khuôn viên của khu vườn. Ở đó trồng rất nhiều cây bồ đề tỏa bóng rợp mát, lá cây rụng khắp dưới mặt đất. Chính giữa khu vườn là một cái đài cao, khách viếng phải leo lên những bậc thang khá dốc, lên đến trên đó là một điện thờ rộng, nơi người ta thực hiện lễ cúng bái và thiền hành vòng quanh tán cây thiêng.
Lúc tôi đến điện thờ khá đông người, đa phần là dân bản xứ. Người dân ở đây da ngăm đen, mày rậm, mắt sáng to, môi dày đặc trưng kiểu dân Nam Á nhưng hầu hết đều vận y phục trắng khi đi lễ. Trên tay họ là những bó sen trắng, sen hồng, súng tím hoặc những vòng hoa nhài nhỏ. Khi đến bệ thờ, thay vì cắm cả bó vào bình như ta thường thấy, họ ngắt từng bông thậm chí từng cánh nhỏ ra rồi cung kính xếp chúng xung quanh các tượng Phật. Xếp hoa xong, họ bái lạy cầu nguyện rồi lùi ra bên ngoài, ngồi tụ tập xung quanh tán bồ đề để đọc kinh mặc cho cái nắng trưa gay gắt.
Tôi đã từng ngồi dưới gốc bồ đề ở Lumbini nơi đức Phật sinh ra và cả tán bồ đề ở vườn Lộc Uyển nơi ngài giảng bài kệ đầu tiên cho năm vị đệ tử. Những cây bồ đề đó tuy tọa lạc ở nơi linh thiêng trong “Tứ động tâm” của đạo Phật nhưng đều là những cây được trồng sau này. Còn ở đây, cây bồ đề đã hơn 2,300 tuổi, là hậu duệ trực tiếp của gốc cây nơi đức Phật từng tọa thiền và đắc đạo. Với xuất thân quan trọng như vậy, cây được bao quanh bởi hai lớp tường bảo vệ có rào nhọn, xung quanh cắm Phật kỳ bay phấp phới.
Tôi ngồi xuống cạnh một nhóm người bản xứ. Tôi không biết đọc kinh, nhưng tự dưng thấy có một sự kết nối gần gũi nào đó với những con người xa lạ cả về dáng hình, ngôn ngữ lẫn cách ăn mặc này. Gần chỗ chúng tôi ngồi, những người làm nhiệm vụ dọn dẹp chăm sóc bệ thờ liên tục gom từng đống hoa lớn còn tươi rói mang đi đổ, để có chỗ trống cho những người tới viếng sau cúng dường tiếp. Tôi nhìn những con người ngồi cạnh đang lầm rầm đọc kinh, tay chắp thành kính, mắt khép hờ, tự hỏi không biết trong đầu họ đang nghĩ gì. Rốt cuộc, gốc bồ đề này hay viên xá lợi nằm trong bảo tháp kia, chúng chỉ là những hình tướng để nhắc ta nhớ về tư tưởng cốt lõi của Thầy, hay thực sự là thứ gì đó linh thiêng có khả năng biến những ước nguyện được khấn cầu không ngừng nghỉ trở thành hiện thực?
- Xem thêm: Hunza. Cuộc dạo chơi của chàng Từ Thức