Thưở còn nhỏ, học tiếng Anh ở trường trung học, tôi khá ấn tượng với bài học về Grand Canyon, tức là Ðại Vực. Cuộc đời đẩy đưa, không ngờ rằng có ngày tôi lại đặt chân đến vùng hoang mạc hùng vĩ này.
Từ thành phố Las Vegas sáng rực với các sòng bài thâu đêm, tôi cùng người bạn Mỹ lái xe về phía Bắc của bang Arizona, vượt qua khoảng 215 dặm để đến Ðại Vực, nơi mỗi năm có đến hơn 4 triệu du khách tìm đến để bàng hoàng ngắm nhìn một nước Mỹ thật hoang sơ.
Không đến bờ phía Nam (South Rim) quen thuộc mà lúc nào cũng tràn ngập du khách, anh bạn Mỹ rủ tôi đi theo một lối ít người chọn hơn, mang tên Tuweep hay Toroweap. Ðó là đường vào Ðại Vực theo hướng bờ phía Tây Bắc, nơi ít bị bàn tay con người can thiệp để phục vụ cho nhu cầu du lịch. Chúng tôi thiết kế một chương trình cắm trại trên bờ vực. Nơi đây, theo hướng dẫn, sẽ có lối đi ngắn nhất dẫn xuống dòng sông Colorado ở đáy hẻm núi khổng lồ này.
Ðại Vực mở cửa quanh năm để tiếp đón du khách, song thời điểm tham quan tốt nhất vẫn là mùa xuân và mùa thu, bởi nếu đi vào mùa hè, khó có thể chịu nổi sức nóng của vùng hoang mạc này. Ðây cũng là vùng đất xa xôi, tách biệt với các tiểu bang khác của Mỹ do địa thế hiểm trở của các hẻm núi.
Dừng xe lại ở thị trấn Predonia, chúng tôi đổ đầy xăng và đi thêm vài dặm nữa về phía Tây thì gặp một con đường đất dẫn đến một tấm bảng rất lớn của công viên quốc gia, tấm bảng thông báo rõ rằng từ điểm này trở đi, sẽ không có bất cứ một dịch vụ nào được cung cấp cho du khách, khách phải hoàn toàn tự túc mọi thứ, cũng như thận trọng trước những nguy cơ có thể xảy ra. Tuy nhiên, đường đi rộng và phẳng, hai bên đường mọc đầy những cây ngải đắng màu xanh sẫm, thỉnh thoảng lại có những chú linh dương sa mạc phóng ra, chạy theo đám bụi phía sau xe. Ði khoảng 90 phút, chúng tôi đến một trạm kiểm lâm. Ðường bắt đầu xấu hơn, nhưng chiếc xe Jeep của chúng tôi “chuyên trị” những địa hình hiểm trở, đã vượt qua không gặp trục trặc gì, dù người ngồi trên xe khá bị bầm dập. Rốt cuộc chúng tôi cũng đến nơi trước buổi chiều tà, kịp dựng lều trên những tảng đá còn ấm nóng ánh Mặt trời và ngủ một giấc thật ngon.
Ước mơ tới được dòng sông Colorado
Buổi sáng, chúng tôi thức giấc trong tiếng kêu kỳ dị của những con quạ đen. Quang cảnh buổi bình minh ở đây khác hẳn khu vực ở bờ vực phía Bắc và phía Nam, nơi du khách nhìn ra sẽ bị choáng ngợp bởi chiều rộng của vực, với vô số các mỏm đá trông như những khối bánh sinh nhật bị tách ra bởi các khe núi. Ở bờ Tuweep, các khe núi dường như hẹp và sâu hơn. Ðại Vực chỉ rộng không tới 1 dặm, không có vẻ gì là một rặng núi như khi nhìn từ bên trên. Nhưng cảnh tượng thật gần trước mắt khiến chúng tôi sửng sốt. Nhớ lại tài liệu hướng dẫn thì vách đá dốc đứng bằng đá vôi, sa thạch và diệp thạch sừng sững này đã có từ cách đây 2 tỉ năm!
Vào năm 1870, nhà thám hiểm John Wesley Powell đã từ dòng sông Colorado bên dưới leo lên bờ vực này để tìm kiếm ba người bạn đồng hành đã rời đoàn thám hiểm của ông và biến mất không tăm tích từ một năm trước đó. Ông không tìm thấy họ, nhưng đã bàng hoàng trước cảnh tượng nhìn thấy và ghi lại: “Quả là một quang cảnh tuyệt vời và huy hoàng! Những mỏm dung nham tràn ngập xung quanh tôi. Những vách đá Thần sa ở phía Bắc với màu sắc rực rỡ. Thung lũng Thông phía Tây Bắc nhuốm màu xanh dịu chìm trong sương. Những ngọn núi không tên ở phía Tây Nam nhô cao trên những thung lũng sâu hút tưởng chừng như những khe nứt dẫn xuống địa ngục”.
Dòng sông Colorado như một con rắn màu xanh lấp lánh chảy dưới đáy thung lũng. Trong bầu không khí sáng trong của sa mạc, chúng tôi có thể nhìn thấy xa xa, bên dưới, một nhóm du khách chừng 12 người. Trong số hàng triệu du khách đến Ðại Vực hàng năm, chỉ có khoảng 15 ngàn người đi theo cổng Tuweep này. Cách Thác Dung nham một quãng ngắn, chúng tôi đã nhìn và nghe thấy tiếng nước ầm ầm chảy xiết. Nơi đây một đường nứt địa chất đã cắt ngang dòng sông. Khoảng 30 ngàn năm trước đây, dung nham đã nhiều lần phun lên từ đường nứt này và chảy vào thung lũng. Ðôi khi, dòng chảy của sông bị ngăn lại trong nhiều năm, tạo nên những cái hồ lớn. Cuối cùng, dòng sông lại tiếp tục chảy, nhưng đã bị đổi dòng, bị đá vụn làm nghẽn lại, nước xoáy lên và ngầu bọt. Ngọn Thác Dung nham này là một thử thách đáng nể đối với các tay chèo thuyền vượt thác.
Tuweep bắt nguồn từ “toroweap”, tiếng của thổ dân Paiute có nghĩa là “thung lũng khô cằn”. Quả đúng như vậy, cảnh vật chung quanh chúng tôi khô khát giống như quang cảnh trên Mặt trăng. Ðây là khu vực khá hẻo lánh của công viên quốc gia. Một bảng hướng dẫn cho biết đường đi xuống thung lũng dài 1,5 dặm thì có nửa dặm là dốc đứng. Chúng tôi cẩn thận ghi tên vào sổ đăng ký trước khi tuột xuống một sườn dốc đầy những khối dung nham đen, những cây xương rồng ngắn ngủn như những cái móc câu. Càng xuống sâu đường càng dốc, nhiệt độ càng tăng và dần dần, có tảng đá nóng đến nỗi chúng tôi không dám chạm tay vào. Các cây xương rồng cũng cao hơn, khẳng khiu hơn. Chúng tôi phải đổ nước lên đầu để hạ nhiệt, nhưng cái nóng như ở địa ngục này làm hai nhà thám hiểm “tay mơ” như chúng tôi nhụt hết chí khí và cuối cùng, phải từ bỏ ý định leo xuống để dầm mình trong dòng sông Colorado bên dưới, xem ra vẫn còn xa tít.
Con đường leo ngược trở lại cũng hãi hùng không kém, đầy những hòn đá đủ các cỡ trơn trượt dưới gót giày. Nhưng khi lên đến được hồ Powell, qua thung lũng Ðập Glen, chúng tôi tỉnh cả người và mừng rỡ lội ào xuống nước như trẻ nhỏ. Bữa ăn sau đó với cơm cà ri quả là ngon nhất trần đời. Mặt trời từ từ lặn. Nắng tắt dần trên những vách đá của Ðại Vực và không khí mát mẻ hẳn. Vậy là đã qua một ngày. Chúng tôi tìm chỗ ngủ để chuẩn bị cho ngày hôm sau.
Gặp rắn chuông hồng Ðại Vực
Mặt trời vừa mọc, chúng tôi đã thức dậy chuẩn bị khởi hành, hy vọng thu ngắn được hành trình trong không khí mát lạnh của buổi sáng. Leo lên đến đỉnh ngọn dốc đầu tiên, tôi bỗng nhìn thấy một vật gì đang kêu ro ro trước mắt. Ðịnh thần lùi lại, mới nhận ra đó là một con rắn chuông màu hồng, loại thường thấy nhất trong số sáu chủng loại đặc trưng của Ðại Vực được kê khai trong sách hướng dẫn. Con rắn có màu hồng như màu thịt cá hồi, lưỡi nó thò ra thụt vào liên lục, đầu vươn cao như chuẩn bị tấn công. Anh bạn tôi đi phía sau kêu lên, dọa là nếu tôi nằm xuống đó sẽ không vác tôi về nhà được. Thực ra, tôi cũng chẳng có ý định trêu chọc gì con rắn, thậm chí còn vội vã tìm đường né và xem ra nó cũng không hiếu chiến như tôi tưởng.
Ðường đi của chúng tôi hôm nay đông vui hơn. Trên đường, chúng tôi gặp một anh bạn người Pháp, có lẽ là một nhà nhiếp ảnh bởi anh ta mang theo nhiều máy chụp ảnh hơn cả nước uống. Chúng tôi cũng vượt qua một nhóm năm người khởi hành từ lúc Mặt trời chưa mọc. Xem ra thì mình cũng là tay leo dốc “có hạng”, chỉ mong trời đừng nắng quá! Ðến 8 giờ sáng thì chẳng còn mát mẻ gì nữa, nhưng chúng tôi cũng đã hoàn tất chặng đường. Thời gian leo lên ngắn hơn nửa giờ so với lúc leo xuống thung lũng ngày hôm qua.
Chúng tôi trở lại bờ vực và gặp người gác rừng ở trạm. Anh vui vẻ kể cho chúng tôi nghe chuyện các du khách và các sự cố xảy ra, phần đông đều do không ước tính được sức mình, cũng như những khó khăn của những chặng leo lên, leo xuống những sườn dốc. Có nhiều khi chính anh phải đến tiếp cứu cho những du khách kiệt sức vì mệt và khát nước. Còn chúng tôi, qua những đoạn đường thử thách, cảm thấy mình đã chia sẻ, thân thiết với Ðại Vực hơn. Khung cảnh nhìn từ bờ vực xuống thung lũng vẫn đẹp như ngày hôm qua, nhưng giờ đây chúng tôi biết rằng dòng sông Colorado ngó vậy mà xa lắm, không dễ đặt chân tới. Với riêng mình, tôi ước sao có thể chia sẻ cảm giác khi đứng trên bờ vực hùng vĩ này với những cô cậu học trò từng tò mò về Ðại Vực khi học đến bài trong sách dạy tiếng Anh, giống như tôi nhiều năm trước đây.