Người Nhật ăn tết theo Dương lịch, song rất nhiều phong tục xưa của đất nước này vẫn được giữ gìn và chăm chút tỉ mỉ. Đến đây vào dịp tết, du khách cũng bị cuốn theo nhịp lễ hội náo nức rộn ràng. Không khí năm mới ở Nhật Bản bắt đầu từ phiên chợ Xuân, nơi mà bao đời nay mọi người dân đến đó mua sắm, vui chơi giải trí và cũng là dịp ôn lại cội nguồn dân tộc.
Vui như các hội chợ Xuân
Cuối năm, hội chợ Xuân tại các thành phố Tokyo, Osaka, Kyoto như hút hết người dân về đấy. Trong chợ, từ cụ già, thiếu nhi cho đến nam thanh nữ tú hào hứng chen vai thích cánh nhau giữa cơ man các cửa hàng bán đủ thứ trên trời dưới đất. Một trong những hội chợ Tết được bắt đầu sớm nhất ở Nhật Bản là hội chợ Chim. Có nguồn gốc từ giữa thế kỷ XVIII, hội chợ Chim mở màn cho mùa Tết ngay từ tháng 11. Truyền thuyết xưa kể rằng linh hồn của một vị thần đã chết biến thành con chim trắng. Từ đó người dân Nhật hằng năm đều tổ chức lễ hội với các màn trình diễn múa, hát, hóa trang… theo các chủ đề có liên quan đến chim để tưởng nhớ vị thần này.
Tại hội chợ Tết, những tấm bùa hạnh phúc được bày bán la liệt khắp nơi. Chúng có hình cái cào và có tên tục là “Chân gấu”. Hình ảnh này có ý nghĩa tượng trưng con người “cào” trên đồng lúa như thế nào thì sẽ “vơ” được hạnh phúc như thế trong cuộc đời. Người Nhật cho rằng chiếc “cào” ấy mang lại cho chủ nhân sự thịnh vượng và tuổi thọ. Tùy theo chất liệu trang trí cho chiếc bùa mà giá của nó có thể chỉ 2 yen, hoặc cũng có thể lên tới 700 ngàn yen. Hội chợ Xuân đặc biệt thu hút đông đảo người dân thủ đô là hội chợ Năm ở quận Asakura, gần chùa Kannon (Tokyo) và chợở quận Setagaia, nơi bán toàn đồ cũ. Cả hai chợ này đều tồn tại từ thời Edo, đều kéo dài đến ba ngày trong tháng 12.
Hội chợ Asakusa là một hình thức triển lãm mọi mặt hàng cho tất cả các đối tượng người dân và là nơi vui chơi giải trí. Những người nội trợ đảm đang có thể mua ở đây rau quả muối, rau quả sấy khô, cá ướp gia vị, rượu sa kê đủ loại để làm mâm cơm tết. Các món ăn ngày tết của người Nhật rất đa dạng, đầy màu sắc và được gọi là osechi-ryori. Bữa ăn gồm các món được đựng trong một chiếc hộp sơn mài. Mỗi món ăn và các thành phần trong osechi có ý nghĩa riêng, chẳng hạn như: sức khỏe tốt, mùa màng bội thu, sống lâu… Dĩ nhiên là các bà nội trợ không bỏ qua hàng tôm hùm, vật không thể thiếu trong bàn thờ ngày Tết Nhật Bản. Theo quan niệm của người dân nơi đây, tôm hùm là biểu tượng cho sự phú quý, trường thọ. Một cụ bà than thở rằng trong những ngày cuối năm, các cửa hàng thủy sản ở chợ lúc nào cũng đông nghẹt người nên việc mua một con tôm hùm cũng khó như mua một con vật hiếm hoi được chở đến từ châu Phi vậy!
Sang khu vực bán hoa trái, quất là mặt hàng được ưu tiên hàng đầu trong ngân sách gia đình vì nó tượng trưng cho sự thịnh vượng. Kế đến là các chậu kadomatsu bao gồm ba ống tre tươi vát chéo cùng vài cành thông. Màu tươi xanh của tre tượng trưng cho sự tinh khiết thanh nhã, còn lá thông nhọn sẽ giúp người Nhật trừ ma quỷ. Ở chợ còn bày bán la liệt những chiếc xô dùng để đựng nước rửa mặt trong ngày đầu năm mới, chiếc quạt lúa, giấy bút để viết lời chúc mừng xuân, mặt nạ sư tử, rồng và đồ chơi trẻ em. Người ta cũng bán gia súc như chó, mèo, chim bồ câu, chim trĩ. Ngoài ra, hội chợ không thể thiếu những gánh hát rong biểu diễn các tiết mục ảo thuật, nhào lộn, xiếc thú làm không khí tết thêm náo nhiệt.
Làm cả năm, tiêu dịp tết
Người Nhật rất thích mua sắm vào dịp năm mới, bất kể việc đó có thật cần thiết hay không. Thói quen này một phần nhờ do chế độ tiền thưởng tết: Cứ đến cuối năm, hầu hết các công chức đều được nhận khoản tiền thưởng bằng khoảng hai, ba tháng lương. Gần tết, đi đâu trên nước Nhật cũng thấy tượng Daruma. Người Nhật từ già đến trẻ đều thích món đồ chơi mang hình vị Phật có nguồn gốc từẤn Ðộ này. Tượng được đẽo từ gỗ mang hình quả trứng, chỉ có đầu và thân, không có tay chân, trên gương mặt tượng nổi rõ hai chấm trắng. Kích thước Daruma xê dịch từ cỡ quả trứng chim bồ câu cho đến cỡ bằng quả dưa hấu lớn. Người Nhật rất tin vào câu chuyện Daruma suốt chín năm liền ngồi thiền mặt úp vào tường, đến khi muốn đứng dậy thì đôi chân đã teo mất. Họ tin rằng Daruma sẽ đem lại sự thành đạt vì đã củng cố niềm tin và quyết tâm cho con người. Khi mang Daruma về nhà, người chủ cầu phúc và nêu lên một ước nguyện rồi vẽ lên mặt tượng một con mắt, nếu ước vọng đạt được thì anh ta vẽ nốt con mắt thứ hai. Nếu ước nguyện không thành hiện thực thì người ta đốt cháy nó trong chùa vào ngày đầu tiên của năm sau. Daruma rất gần gũi với trái tim người Nhật. Một mối lo lắng khác của người Nhật trong những ngày tết là cố làm sao mua được mũi tên có tác dụng bảo vệ nhà cửa khỏi mọi tai ương và ma quỷ. Tuy nhiên, không phải ai cũng mua được vì số lượng sản xuất ra mỗi năm bị giới hạn.
Ðiều lạ lùng là ở một đất nước giàu có và hiện đại như thế này, nhiều người vẫn rất tin vào sự may rủi. Một công chức đứng trước mặt chúng tôi mua một lúc hai tượng Daruma, ông giải thích rằng một con ông đểở công sở, còn một con ông tặng cho các đồng nghiệp để công ty của họ sang năm mới không bị phá sản. Cạnh bên ông này, một phụ nữ đòi chồng mua một Daruma to nhất ở chợ mặc dù ở nhà đã có một tượng to chẳng kém. Chị thuyết phục chồng: “Miễn sao anh khỏi mất việc thì hai Daruma cũng không thừa. Mình phải nhớ đến các con nữa chứ. Có thể năm tới làm ăn sẽ dễ hơn năm nay như báo chí nói, song nếu được thần linh phù hộ thêm thì càng tốt chứ sao!”.
Cũng không quá nếu nói người Nhật ăn tết đến những… nửa tháng, vì sau đợt tết chính thức ba ngày, ngày 7-1 theo quan niệm của người Nhật lại là tiết bảy loài hoa quả. Trong ngày này, người Nhật ăn cháo nấu bằng bảy loại rau, quả để cầu sức khỏe. Tiếp theo đó nhiều địa phương tổ chức lễ “Đập vỡ bánh gạo” (kagamibiraki) vào ngày 11-1 thu hút khách trong nước đi chơi xuân rất đông.
Ngày mà tết chính thức khép lại là ngày lễ Thành Nhân (Seijinnohi) diễn ra vào 15-1, đây là dịp người Nhật tổ chức các nghi lễ trang trọng để công nhận và chúc mừng các nam nữ thanh niên tròn 20 tuổi. Lễ thường được tổ chức tập thể tại các ngôi đền nổi tiếng ở từng địa phương. Ngày này, du khách tha hồ ngắm những thiếu nữ tuổi 20 mặc kimono và búi tóc thật lộng lẫy dạo chơi trên các con đường đèn hoa rực rỡ. Sau lễ Thành Nhân, mọi người đã thật sự tận hưởng trọn vẹn cái tết và trở về với cuộc sống thường ngày.