Chính phủ Nhật đã phát động nhiều chiến dịch để ngăn chặn tình trạng làm việc quá sức dẫn đến cái chết ở giới trẻ được gọi với thuật ngữ “karoshi”. Trong các biện pháp đề ra có chương trình “Thứ Sáu vui” kêu gọi doanh nghiệp cho nhân viên tan sở lúc khoảng 15 giờ vào thứ Sáu cuối cùng của mỗi tháng. Theo Nikkei Asian Review, hiện Bộ Y tế – Lao động và Phúc lợi Nhật đang nghiên cứu quy định để người lao động có nhiều ngày nghỉ hơn. Ngoài ra, để bảo vệ sức khỏe tâm lý của người lao động, nhà chức trách quy định tất cả những cơ sở có từ 50 nhân viên trở lên phải thường xuyên cho kiểm tra nguy cơ căng thẳng. Các tổ chức tư vấn cho lao động trẻ được khuyến khích và hỗ trợ hoạt động. Một số tập đoàn lớn đã hưởng ứng với các biện pháp như đặt ra những ngày không làm quá giờ trong tuần, thường xuyên phát loa thông báo kêu gọi nhân viên tan sở…
Theo BBC, trong quá khứ, người chết vì karoshi thường là nhân viên văn phòng từ khoảng 40 tuổi trở lên, nhưng gần đây đã ghi nhận những trường hợp nạn nhân chưa tới 30 tuổi, đa phần là sinh viên vừa tốt nghiệp hoặc đi làm chưa lâu. BBC dẫn trường hợp của sinh viên Naoya ở Tokyo là một nạn nhân của “karoshi” được nhận vào làm việc ngay sau khi tốt nghiệp trong bối cảnh thị trường lao động Nhật đang rất cạnh tranh. Tuy nhiên, không lâu sau, anh thường xuyên tỏ dấu hiệu mệt mỏi, thậm chí khủng hoảng vì phải làm việc liên tục tổng cộng 37 tiếng đồng hồ, từ sáng hôm trước đến 10 giờ đêm hôm sau. Cuối cùng anh qua đời ở tuổi 27 do uống thuốc an thần quá liều.
Mới đây, tờ Nikkei Asian Review đưa tin cô Matsuri Takahashi kết liễu đời mình ở tuổi 24, chỉ tám tháng sau khi tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc và được nhận vào làm việc trong một công ty quảng cáo lớn. Từ khi được ký hợp đồng chính thức, khối lượng công việc tăng vọt khiến cô bị trầm cảm nặng: “Tôi thật sự muốn chết. Chúng ta làm việc để sống hay sống để làm việc?” – Takahashi viết trên Twitter.
Một cuộc điều tra cho thấy, một tháng trước khi tự sát Takahashi phải làm việc thêm giờ đến 105 tiếng. BBC dẫn lời chuyên gia lao động Nhật cho biết làm việc quá giờ là nét truyền thống của công sở nhiều nước châu Á và áp lực càng tăng cao đối với người lao động trẻ hiện nay. Nhiều người trẻ tuổi nghĩ họ không có lựa chọn nào khác, nếu không bỏ việc thì phải làm thêm 100 giờ mỗi tháng, còn xin nghỉ thì sẽ lâm vào cảnh thất nghiệp. Giới trẻ Nhật được giáo dục từ nhỏ về lòng trung thành và tinh thần cống hiến, cũng như tâm lý chung cho rằng người mới tốt nghiệp phải làm việc cho công ty đầu tiên ít nhất ba năm mới được xem là đủ năng lực và kinh nghiệm. Nếu từ bỏ công việc khi chưa đủ ba năm, họ sẽ rất khó tìm chỗ làm mới.
- T.K