Ngay sau ngày bế mạc Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM (ITE HCMC 2015), ngày 13-9, hơn 20 thành viên của 15 doanh nghiệp du lịch của cả ba miền Việt Nam đã hợp đoàn famtrip thực hiện hành trình kết nối “một điểm đến” qua Việt Nam – Campuchia – Lào – Thái Lan.
Khi con dấu thứ 12 trong suốt hành trình được đóng trên hộ chiếu của mỗi người, thì các thành viên từ 15 doanh nghiệp cũng đã định ra được những phương án triển khai tuyến điểm mới trên tinh thần “hợp tác cùng đem đến chất lượng tour tốt nhất với giá tốt nhất cho du khách”.
Chủ động tìm điểm đến theo dòng Mêkông
Kết nối các quốc gia trong tiểu vùng sông Mêkông (gồm Việt Nam – Campuchia – Lào – Thái Lan – Myanmar) thành “một điểm đến” là một trọng tâm chính của Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM (ITE HCMC) kể từ ITE HCMC lần thứ tư (năm 2008) đến lần thứ 11 (năm 2015) vừa qua.
Ý tưởng này được đề xướng từ ngành du lịch TP.HCM với mong muốn chính phủ các nước trong vùng thông qua những chính sách phát triển du lịch tạo điều kiện cho việc kết nối các điểm du lịch hấp dẫn, độc đáo của các nước trong tiểu vùng sông Mêkông thành những cung đường thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế và cả khách du lịch nội vùng khám phá những di sản thiên nhiên, di sản văn hóa, cũng như tìm hiểu đất nước, con người nơi đây.
Ở các hội chợ ITE HCMC mỗi năm, những vấn đề thuộc về chính sách phát triển du lịch đều được các bộ, các tổng cục du lịch của năm nước Việt Nam – Campuchia – Lào – Thái Lan – Myanmar thảo luận liên tục tại các hội nghị, trong đó không thiếu phần lấy ý kiến của các hãng lữ hành nội vùng với vai trò những người sẽ xây dựng các sản phẩm du lịch và cả ý kiến của các hãng lữ hành quốc tế đến từ các châu lục trên thế giới với vai trò những người sẽ mua các sản phẩm du lịch ấy.
Tuy nhiên, ITE HCMC vẫn thiếu một hoạt động xúc tiến trên thực tế cho doanh nghiệp lữ hành tiếp cận, xây dựng các sản phẩm du lịch cụ thể theo chủ đề “Năm quốc gia, một điểm đến”.
Không ngồi chờ, không cần kinh phí hỗ trợ từ ngân sách xúc tiến du lịch, hẹn gặp nhau tại hội chợ ITE HCMC 2015, đại diện 15 doanh nghiệp lữ hành từ ba miền Việt Nam đã quyết định cùng thực hiện chuyến famtrip “Hành trình di sản xuyên Đông Dương” qua Việt Nam – Campuchia – Lào – Thái Lan.
Hành trình được chọn với những điểm đến đặc biệt, độc đáo ở tiểu vùng sông Mêkông mà nhiều người được nghe nói nhiều nhưng chưa từng đến.
Tại Campuchia, điểm đến chính là đền Preah Vihear, một ngôi đền tọa lạc trên núi Dangrek, gần biên giới với Thái Lan. Năm 2008, đền Preah Vihear được tổ chức UNESCO đưa vào danh sách di sản thế giới. Theo những người quản lý đền, kể từ khi di sản này được chính thức đưa vào khai thác du lịch thì đoàn famtrip “Hành trình di sản xuyên Đông Dương” là đoàn các công ty lữ hành Việt Nam đầu tiên đến đây.
Ba điểm đến tại tỉnh Champasak ở Lào là Wat Phou, thác Khone Phapheng và chùa Luang. Wat Phou (Vat Phu) hay chùa Núi là di tích một quần thể đền thờ Khmer ở nam Lào, tọa lạc dưới chân núi Phou Kao (núi Voi), là di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận năm 1992, còn nhiều dấu tích văn minh cổ với các lâu đài bằng sa thạch. Thác Khone Phapheng – thác nước lớn nhất Đông Nam Á, gần biên giới Campuchia và Lào. Đây là một đoạn chảy của dòng sông Mêkông gặp nhiều ghềnh đá to và gấp khúc tạo nên dòng thác với bề rộng vài cây số. Chùa Luang là ngôi chùa lớn nhất, cũng là trường đào tạo cao đẳng Phật giáo của khu vực nam Lào.
Giáp với tỉnh Champasak (Lào) là tỉnh Ubon Rachathani ở đông bắc Thái Lan. Nơi đây, các thành viên famtrip được ngắm công trình nghệ thuật độc đáo, đó là ngọn nến lớn nhất, cao nhất do người dân tỉnh Ubon dâng cho nhà vua Ramma IX nhân dịp Liên Hiệp Quốc chúc mừng nhà vua Thái Lan là người trị vì ngai vàng lâu nhất thế giới. Sau đó đoàn tham quan chùa Wat Noong Bua với kiến trúc dát vàng đặc trưng của vùng đông bắc Thái Lan.
Tổng cục Du lịch Thái Lan liên tục nhiều năm đều có gian hàng tại hội chợ ITE HCMC khi được tin đoàn famtrip của doanh nghiệp du lịch Việt Nam đi khảo sát, đã nhanh chóng phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh Ubon Rachathani đón đoàn. Đoàn famtrip bất ngờ với sự đón tiếp này, tuy sự kiện này không hề nằm trong kế hoạch, các doanh nghiệp cũng thật nhanh nhạy kết nối thông tin ngay với các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn của tỉnh Ubon Rachathani.
Vượt đường bộ tổng cộng vừa đi và về khoảng 2.000km, nhưng hơn 20 thành viên đều không thấy mệt nhọc bởi họ đã được đặt chân đến những điểm quá ấn tượng, thú vị, có lẽ trở lại thêm một, hai lần nữa vẫn còn nhiều điều để khám phá. Một điều thú vị khác là qua bốn cặp cửa khẩu, trên hộ chiếu của mỗi người đã có thêm đến 12 con dấu xuất nhập cảnh chỉ trong năm ngày.
Tinh thần “hợp lực cùng thắng”
Famtrip – hình thức tổ chức khảo sát tuyến điểm, khách sạn, nhà hàng, nơi vui chơi, mua sắm để xây dựng tour mới hoặc nâng cấp dịch vụ du lịch – đã khá phổ biến trong những năm gần đây ở Việt Nam. Thường thấy famtrip được tổ chức bởi Tổng cục du lịch, các cơ quan xúc tiến du lịch địa phương hoặc các hiệp hội du lịch, hiệp hội lữ hành, còn doanh nghiệp là thành phần tham gia. Sau những chuyến famtrip ấy, các doanh nghiệp có thể nhìn thấy cơ hội khai thác sản phẩm, dịch vụ mới, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng đưa sản phẩm, dịch vụ du lịch mới đến khách hàng, đạt chất lượng phục vụ tốt nhất. Chưa kể, khi muốn tung ra tuyến điểm du lịch mới, nếu doanh nghiệp không thông thạo cung đường, không có thế mạnh về loại hình du lịch phù hợp với cung đường đó, đôi khi sẽ đưa giá tour cao do không chọn đúng đối tác dịch vụ nhà hàng, khách sạn, vận tải…
Việt Nam là nơi chính thức khởi xướng thúc đẩy phát triển du lịch tiểu vùng sông Mêkông, hướng ngành du lịch năm quốc gia cùng tạo những hành lang pháp lý, chính sách thông thoáng cho doanh nghiệp mở những sản phẩm du lịch nội vùng hấp dẫn.
Một số doanh nghiệp lữ hành Việt Nam đã tiên phong xây dựng những tour liên tuyến tiểu vùng sông Mêkông trong nhiều năm qua, song mới chỉ là riêng lẻ đi đến cạnh tranh nhau, khiến Việt Nam tuy là nơi khởi xướng, nhưng có thể sẽ không tạo được vị thế là “đầu nguồn” đón khách.
Các thành viên đã nhận thấy những hạn chế như trên và đều muốn thay đổi tầm nhìn chung: hướng tới hợp tác để khai thác hiệu quả nhất tuyến mới, du khách cũng hưởng dịch vụ tốt nhất. Ngay trên đường về sau những ngày khảo sát, họ đã có một cuộc tọa đàm, mặc dù diễn ra trên xe nhưng thật nghiêm túc. Mọi người cùng tham gia phân tích chính hành trình vừa trải nghiệm, góp ý thiết kế lại tour tuyến thật hoàn chỉnh từ điểm tham quan, khám phá cho khách đến những dịch vụ nhà hàng, khách sạn và cả giải pháp xử lý những sự cố như xe hư dọc đường, đến cửa khẩu trễ giờ làm việc…
Điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp đã thống nhất từ những góp ý sẽ cùng hoàn chỉnh chương trình và giá tour, các doanh nghiệp có khách phù hợp sẽ cùng quảng bá, chào bán để thúc đẩy sản phẩm nhanh chóng đến với du khách, giao một doanh nghiệp chuyên nhất của cung đường chịu trách nhiệm thay mặt các doanh nghiệp khác phục vụ khách. Như thế, lịch khởi hành cho khách sẽ có thể thường xuyên hơn, thuận lợi cho việc chào bán tour, thu hút khách tốt hơn. Các doanh nghiệp khẳng định rằng đây không phải là hình thức “gửi khách” bởi họ cùng tham gia xây dựng sản phẩm và kiểm soát chất lượng phục vụ. Nếu thực hiện thành công ở tour này, nhóm doanh nghiệp lữ hành này sẽ lần lượt triển khai cách làm này ở các chương trình khảo sát tuyến điểm mới ở cả ba miền trong nước và mở rộng thêm tuyến mới ở tiểu vùng sông Mêkông.
Các Ngọc (DNSGCT)