Trong những ngày cuối tháng 9, dòng tiền đổ về tái đầu tư ở Indonesia trong khuôn khổ chương trình “ân xá thuế” vượt mong đợi của các chuyên gia.
Ngày 30-9 là thời hạn cuối cùng của đợt 1 trong chương trình, trong đó những doanh nghiệp nào chuyển dòng tiền đầu tư vào nước ngoài về lại Indonesia sẽ được hưởng mức ưu đãi thuế cao nhất. Đến cuối tuần qua, tổng tiền đầu tư mà chính phủ thu về được là 96.400 tỉ rupiah (tương đương 7,3 tỉ USD), cán mức 60% so với kế hoạch thu về 165.000 tỉ rupiah (12,6 tỉ USD) đề ra.
Các chuyên gia kinh tế của kênh truyền hình News Asia cho biết kế hoạch biến Indonesia thành “thiên đường thuế” trong giai đoạn đầu tiên coi như thành công ngoài mong đợi. Tuy nhiên, ở những đợt sau với mức ưu đãi thuế không hấp dẫn bằng thì tốc độ tái đầu tư về Indonesia có thể sẽ chậm lại nhiều. Trong giai đoạn 1, tài sản không được khai báo lúc trước thì nay chỉ bị đánh thuế thấp nhất 2% đến 4%. Mức thuế trong giai đoạn 2 dự kiến có thể cao hơn giai đoạn đầu khoảng 2%. Tuy thanh khoản có thể giảm lúc đầu, nhưng việc rất nhiều người bắt đầu kê khai tài sản với chính phủ vừa giảm bớt mối lo bị truy thu thuế cao bấy lâu nay, vừa tạo điều kiện để họ có thể bắt đầu có những khoản đầu tư lớn hơn thay vì lo sợ sự chú ý của các cơ quan thuế.
Diễn biến trong tháng 9 qua việc dòng tiền từ nước ngoài quay về Indonesia cho thấy niềm tin vào chính phủ đã được cải thiện và người có công lớn trong việc thiết lập niềm tin này đến từ Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani. Người ta tin rằng bà sẽ tiếp tục có những chương trình tương tự sau thành công hiện nay.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng dòng tiền “tái hồi hương” đến nay vẫn chưa đáng bao nhiêu. Theo ước tính, trong tổng số tài sản trị giá 3,4 triệu tỉ rupiah (260,5 tỉ USD) được khai báo với chính phủ, một phần ba trong số đó là tài sản ở nước ngoài.
Trong tổng số các tài sản “ẩn náu” tại nước ngoài thì chỉ có hơn 10% là được đầu tư về Indonesia. Trong khi đó, Singapore là nước có nhiều tài sản của Indonesia nhất, chiếm khoảng 40% các tài sản tại nước ngoài của nước này.
Chương trình ân xá thuế của Indonesia sẽ kéo dài đến tháng 3-2017. Trước khi có chương trình nói trên, Indonesia là một trong những quốc gia có nhiều người không thực hiện nghĩa vụ thuế. Theo thống kê của Bộ Tài chính nước này, trong năm 2014 chỉ có 27 triệu người trong tổng số 255 triệu dân có đăng ký mã số thuế và chỉ có 900.000 người thực hiện nghĩa vụ thuế.
A.T (DNSGCT)