Gần đây, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch xôn xao về chuyện Luật Du lịch 2017 bổ sung thêm điều kiện hành nghề đối với hướng dẫn viên du lịch. Ở góc độ một người bình thường, ham đi du lịch như tôi, nếu nhìn vào mục tiêu của việc này là nhằm quản lý chặt hơn tình trạng hướng dẫn “chui” cũng như về chất lượng hướng dẫn viên, tôi cho đây là việc cần thiết.
Tôi hay đi du lịch ở trong nước để tìm hiểu về những vùng đất, lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam. Không ít lần, tôi cảm nhận được những mặt hạn chế của hướng dẫn viên, đặc biệt trong công việc thuyết minh về lịch sử – văn hóa, con người ở các điểm đến du lịch. Chẳng hạn như lần tôi đến Quảng Ninh, thấy một nam thanh niên đang thuyết minh bằng tiếng nước ngoài, tưởng là hướng dẫn viên người Việt nên tôi hỏi thăm để hiểu thêm về vịnh Hạ Long. Tiếc là thanh niên này lại ú ớ, đưa tay chỉ về một người khác do doanh nghiệp du lịch cử theo. Khi tôi hỏi người được chỉ: “Sao em không thuyết minh mà để cho người nước ngoài làm, họ đâu hiểu hết lịch sử nước mình?”, người thanh niên ấy trả lời: “Em không biết ngoại ngữ”.
Thực tế làm du lịch ở nước ta vẫn… “ăn xổi ở thì”. Có doanh nghiệp lữ hành nước ngoài, mới đầu chỉ đưa người dẫn đoàn sang Việt Nam, làm phiên dịch, nhưng dần dà để cho người của họ làm luôn việc giới thiệu điểm đến ở Việt Nam. Trách nhiệm trước hết có lẽ thuộc về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch, kế đến là sự tiếp tay của các doanh nghiệp du lịch trong nước. Tôi du lịch đến Thái Lan, khi vừa ra cổng sân bay, hướng dẫn viên nước họ đợi sẵn và nói bằng tiếng Việt suốt hành trình. Tại mỗi điểm đến, có khi họ còn bố trí người hướng dẫn riêng. Ngành du lịch của người ta chỉ sử dụng hướng dẫn viên trong nước nhằm có thể kiểm soát nội dung, thông tin không bị định hướng theo cách nhìn khác, hơn thế, còn để làm bật lên sự tự hào dân tộc, miền đất, con người, văn hóa, lịch sử đất nước họ trong mắt du khách.
Người làm du lịch, đặc biệt là hướng dẫn viên, được xem là “đại sứ” của những giá trị tốt đẹp của một đất nước. Cho nên theo tôi, ngay cả Luật Du lịch mới yêu cầu thắt chặt quản lý hành chính đối với hướng dẫn viên thì cũng chưa thể đảm bảo về chất lượng hướng dẫn viên. Điều này còn phụ thuộc vào sự định hướng và chiến lược đào tạo một đội ngũ hướng dẫn viên có đạo đức nghề nghiệp, biết ngoại ngữ, am hiểu lịch sử – văn hóa, có lòng tự trọng, ý thức dân tộc, niềm tự hào là con dân của một đất nước.
Thời gian qua, báo chí vẫn liên tục truyền thông về tình trạng thiếu hướng dẫn viên du lịch trầm trọng, cả về chất lẫn về lượng. Trong khi đó, nhiều trường đại học đào tạo không ít sinh viên học tiếng nước ngoài và nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường lại không có việc làm. Theo tôi, nếu có sự kết nối giữa các trường này với ngành du lịch để hướng nghiệp và đào tạo thêm kiến thức về du lịch cho sinh viên học ngoại ngữ thì có thể bổ sung một nguồn lực đáng kể cho nhu cầu về hướng dẫn viên du lịch.
Tất nhiên, không thể thiếu những biện pháp chế tài đối với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch có dấu hiệu tiếp tay những hoạt động sai trái. Bên cạnh đó, các công ty lữ hành cũng buộc phải cung cấp được những hướng dẫn viên chất lượng: hiểu biết lịch sử và điểm đến, thông thạo ngoại ngữ để đáp ứng các thị trường khách nước ngoài trọng điểm của mình.
- Theo KTSG