Amadeus vừa cho ra mắt báo cáo “Hành trình thấu hiểu “Tôi” – Những gì người du lịch VN muốn” nhắm vào những câu hỏi như làm thế nào du khách Việt có thể tự lên kế hoạch và đặt chuyến đi, vì sao họ lại muốn giữ kết nối với cả thế giới khi đi du lịch, tần suất họ sử dụng các dịch vụ kinh tế chia sẻ và các loại hình công nghệ mới mà họ quan tâm nhất. Nghiên cứu được thực hiện trực tuyến từ ngày 8 đến 17-5-2017 đối với 300 người VN đã đi du lịch quốc tế trong vòng 12 tháng qua. Kết quả cho ra bốn vấn đề như một gợi ý cho các nhà cung cấp dịch vụ du lịch, đó là:
– Có tới 71% du khách Việt được hỏi cho biết họ sẵn sàng chia sẻ dữ liệu cá nhân để được cá nhân hóa các dịch vụ trải nghiệm. Đòi hỏi đối với các nhà cung cấp dịch vụ du lịch là cá nhân hóa phải đi kèm bảo mật. Họ phải tôn trọng, bảo vệ dữ liệu cá nhân của du khách mọi lúc mọi nơi. Ngoài việc tuân thủ pháp luật, họ phải kết nối được những giá trị họ mang lại để du khách có thể sẵn sàng chia sẻ dữ liệu cá nhân.
– Khi lựa chọn chuyến đi, du khách Việt thường bỏ qua những hình ảnh hào nhoáng của những tin quảng bá du lịch hay những lưu trữ trên Instagram của những người nổi tiếng. Một nửa số người được hỏi cho biết việc chọn tour chịu tác động bởi bạn bè, gia đình và đồng nghiệp.
– Phần lớn du khách Việt muốn được tư vấn ngay từ lúc chọn tour cho đến tận ngày khởi hành. Vì thế, những người làm du lịch phải cân nhắc cẩn thận cách kết nối với họ và chuẩn bị nội dung cho phù hợp. Có tới 34% du khách Việt thích nhận thông tin cập nhật và tư vấn về chuyến đi của họ qua email, chỉ có 9% thích được liên lạc qua một ứng dụng dịch vụ tin nhắn. Các tư vấn về đảm bảo an toàn trong chuyến đi luôn là mối quan tâm lớn của du khách Việt (38%), trong khi các mẹo tiết kiệm thời gian thì lại ít phổ biến hơn (chỉ 16%).
– Nếu 66% người du lịch Trung Quốc thực hiện hầu hết việc đặt chỗ cho các chuyến đi của họ trên điện thoại di động thì chỉ có 46% du khách Việt thực hiện điều đó, còn khách du lịch Nhật Bản thậm chí còn ít hơn, chỉ 23%. Trong khi gần một nửa số khách du lịch Ấn Độ sử dụng “thường xuyên” hoặc “rất thường xuyên” các dịch vụ kinh tế chia sẻ khi du lịch thì chỉ có 20% du khách Việt có cùng nhu cầu đó. Nếu 84% người du lịch Singapore cho rằng điều quan trọng là phải có nhân viên dịch vụ nói được ngôn ngữ mà họ hiểu thì chỉ 3% du khách Việt có cùng suy nghĩ đó.
Để biết thêm thông tin về phương pháp nghiên cứu và các kết quả cụ thể khác, độc giả chỉ cần nhấn vào đây.