Dù vẫn trung thành với thể loại tranh chân dung truyền thống, song nữ họa sĩ sống và sáng tác ở New York Hope Gangloff đã hình thành một phong cách tạo hình riêng với bề mặt tranh, bảng màu và sắc độ ánh sáng thật độc đáo. Tranh chân dung của bà, như bài viết trên tạp chí Art In America nhận định, chất lượng tới từng chi tiết và từng mảnh nhỏ chi tiết ấy làm nên một khung cảnh lớn hoàn hảo. Cùng lúc, vào cuối tháng 3-2016 này, tại gallery Richard Heller ở Los Angeles và gallery Susan Inglett Gallery ở New York đã triển lãm tranh chân dung của Hope Gangloff.
Tại triển lãm ở gallery Susan Inglett – cũng là triển lãm thứ năm của Hope Gangloff tại địa chỉ này – gần như toàn bộ các tác phẩm được nữ họa sĩ vẽ trong bối cảnh thôn dã. Nhân vật trong tranh, hầu hết là bạn hữu của tác giả, sống trong các không gian nội thất thật dễ chịu. Người thì nằm bên cạnh một lò sưởi đang tỏa ánh lửa ấm áp, kẻ ngả lưng trên trường kỷ với một điếu thuốc trên môi và cốc nước chanh trên tay. Bên cạnh đó, đồ đạc nội thất trong tranh cũng được vẽ rất kỹ đến từng chi tiết, nhất là với các thương hiệu nổi tiếng. Trong sự nghiệp nghệ thuật dày dặn của mình, Hope Gangloff đã vẽ rất nhiều bức chân dung người đương thời – nổi tiếng hay vô danh – với sự sống động và hết sức trung thực. Đó cũng là cách để nữ họa sĩ chia sẻ với người xem nhận thức, nhãn giới của bà về cuộc sống trong xã hội Hoa Kỳ đương đại.
Vẽ người là sở trường của nữ họa sĩ, song biệt tài của Hope Gangloff là vẽ bàn tay và khuôn mặt: bằng những nét cọ mạnh mẽ, quả quyết, bà thể hiện những phần cơ thểấy của nhân vật trong tranh với đầy ắp cảm xúc và sức mạnh biểu cảm. Một khía cạnh khác nữa ở tài năng của Hope Gangloff là kết hợp chân dung nhân vật với các yếu tố ngoại hình khác của họ: bằng những đường nét thật cẩn trọng, bà thể hiện trang phục và chất liệu trang phục của nhân vật tuyệt hảo đến khó tin. Kỹ thuật này được sử dụng như một cách tạo đối trọng với từng nhân vật trong tranh. Xem tranh chân dung của Hope Gangloff, nhiều người không khỏi so sánh chúng với tác phẩm của hai bậc thầy vẽ tranh chân dung người Áo là Gustav Klimt và Egon Schiele. Trong tác phẩm của hai ông, những yếu tố về trang phục của nhân vật có vai trò hết sức quan trọng. Cũng có người cho rằng tranh chân dung của Hope Gangloff gợi nhớ đến nhà danh họa người Pháp Maurice Denis của trào lưu Nabis. Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận tài năng vẽ tranh chân dung của nữ họa sĩ người Mỹ.
Bên cạnh các nhân vật được chạm khắc tỉ mỉ trong môi trường sống của họ với đầy đủ trang phục, Hope Gangloff còn vẽ những tranh khỏa thân đầy mê hoặc song không bợn chút gợi dục thô thiển. Họa sĩ không phô bày cơ thể trần trụi của họ mà coi đó là nguồn cội tự nhiên và phong phú để thể hiện cái đẹp vĩnh cửu, ngay cả với những tranh khỏa thân mà người mẫu là nam giới. Xem tranh của Hope Gangloff, như nhận định của cây bút phê bình Charles Marshall Schultz trên tạp chí mỹ thuật có uy tín Art In America thì “có cảm giác như một lớp chất lỏng chảy tràn trên các bố cục tuyệt mỹ và tác động tới từng khoảng nhỏ trên bề mặt tranh, rồi toàn bộ mặt phẳng đầy âm vang ấy cố kết các phần nhỏ lại với nhau… Bối cảnh trong tranh trở thành sân khấu cho nhân vật đứng, ngồi hoặc nằm để người bên ngoài khung tranh ngắm nhìn họ với sự tập trung cao độ”.
Mónica Ramí-rez-Montagut, giám tuyển của Bảo tàng nghệ thuật đương đại Aldrich ở thành phố Ridgefield, bang Connecticut nói: “Tranh và phác họa của Hope Gangloff khiến chúng ta cùng lúc cảm nhận được bà và các nhân vật trong tranh của bà; họ còn khiến chúng ta cảm nhận được chính mình và thời đại mà mình đang sống. Giữa cuộc đấu tranh sinh tồn đang diễn ra hằng ngày, Hope Gangloff tìm thấy cả cái đẹp lẫn niềm đam mê”.
Hope Gangloff chào đời ở làng quê Amityville thuộc quận Suffolk của New York; lớn lên theo học mỹ thuật tại Trường Cooper Union. Niềm đam mê hội họa đã hình thành ở Hope Gangloff từ tuổi ấu thơ: cô bé từng vẽ những bức tranh khổ lớn trên trần và sàn kho thóc của nông trại của gia đình ở Amityville. Đến tuổi đi học, cô tiếp tục vẽ chân dung các bạn cùng lớp bằng sơn dầu. Ở trường Cooper Union, cô sinh viên Hope Gangloff còn được mời vẽ tranh khổ lớn trên trần và tường của nhà trường, điều đó cho thấy kỹ thuật và bản lĩnh của cô được đánh giá cao từ rất sớm. Buổi đầu đến với nghề, Hope Gangloff dùng chất liệu sơn dầu để vẽ tranh khổ lớn, nhưng sau này đã chuyển sang dùng acrylic với bảng màu thường dùng gồm màu đỏ, cam, xanh dương, đen, xám và trắng. Nữ họa sĩ tạo hình bằng cách vẽ bằng mực lên giấy những chân dung được chụp ảnh, sau đó chuyển chúng trên bố bằng màu.
Hoạt động mỹ thuật từ giữa thập niên 1990, đến nay Hope Gangloff đã là một khuôn mặt được nể trọng trong giới tạo hình ở New York. Lập gia đình với một đồng nghiệp, từ năm 2001 đến nay nữ họa sĩ có nhiều triển lãm nhóm và cá nhân tại nhiều thành phố lớn ở Mỹ và tại châu Âu. Tranh của bà được trưng bày thường xuyên tại các gallery Inglett G ở New York, Richard Heller ở Los Angeles và tại gallery Endemica ở Roma (Ý) cũng như có trong sưu tập của nhiều bảo tàng trên thế giới. Khi được hỏi về mối quan tâm thường trực của bà, Hope Gangloff trả lời: “Khi đến trường tôi đã học tập, làm việc thực sự rất vất vả, sau khi ra trường cũng vậy để có thể sống được tại thành phố New York. Ở đây, để sống bạn phải có đầy đủ tiền nong và cùng lúc cần có đủ sự yên tĩnh để giữ được niềm đam mê lớn nhất của đời mình; giữ được tác phẩm nghệ thuật của mình; giữ được niềm vui sống; điều đó thật sự quan trọng”. Ngoài vẽ tranh, Hope Gangloff còn vẽ minh họa cho nhiều ấn phẩm, vẽ minh họa cho các báo, tạp chí nhưNew York Times, New Yorker, Spin Magazine.
- Lê Bản