Không có món ăn nào phổ cập bằng món lẩu. Mỗi nơi có một cái tên khác nhau để gọi món ăn phải thưởng thức nóng hổi này, như horhog (Mông Cổ), shabu shabu (Nhật)… Trong ẩm thực của người Việt, món lẩu rất quen thuộc, còn được gọi là cù lao, hầm bà lằng, tả pín lù, xà bần…
Để làm món lẩu, đầu bếp chỉ cần thái thịt, cá…, rau củ thành miếng vừa ăn, cho nước dùng vào một cái nồi, đun nóng lên với các loại gia vị và để giữa bàn, mặc cho thực khách tha hồ thao tác. Thực khách sẽ nhúng các nguyên liệu rau, thịt… vào nước dùng đang sôi, vớt ra, đặt vào đĩa, cho thêm một ít nước xốt hoặc gia vị tùy ý thích rồi chén! Quá trình này diễn ra thật thoải mái và hứng thú. Một khách phương Tây đi du lịch Mông Cổ suốt một năm cho biết anh rất khoái món lẩu horhog và để làm món ăn truyền thống này của dân du mục, người ta đặt một cái nồi to tướng đầy nước lên mấy cục đá được nung nóng, sau đó bỏ vào nồi từng khoanh thịt cừu hay dê cùng với rau củ, song phải chờ rất lâu mới được thưởng thức. Nghe có vẻ giống món “mầm đá” của Trạng Quỳnh!
Thích hợp với số đông thực khách là lẩu shabu shabu, cũng dễ làm hơn nhiều. Thịt phải mềm và thái thật mỏng cho mau chín. Ngoài ra để nhúng lẩu còn có đậu hủ, tôm, sò điệp, trai, nghêu, những khoanh cá tươi… Nước lẩu shabu shabu được nấu với thịt gà, thịt bò, cá, tôm… hay dashi, loại nước dùng chế biến từ rong biển và thịt cá ngừ, nêm tỏi, hành lá, gừng, nước tương… Lẩu shabu shabu được ăn với bất kỳ loại rau củ nào. Hầu như trong các trung tâm thương mại tại các thành phố lớn ở Việt Nam đều có cửa hàng lẩu shabu shabu.
Cúc Hoa (DNSGCT)