Cuộc sống gia đình bạn có lộn xộn? Bạn lo lắng vì con cái chưa học tập nghiêm túc hoặc không tuân thủ những giá trị gia đình quan trọng của vợ chồng bạn? Bạn cảm thấy các thành viên trong gia đình chẳng khác gì những người xa lạ đang sống chung một nhà?
Có một bí mật mà những gia đình thành công và hạnh phúc từng sử dụng để khắc phục tình huống tương tự, đó là lên kế hoạch cho những cuộc họp mặt gia đình hằng tuần. Điều này còn thể hiện một văn hóa gia đình tích cực.
Không ít lần, gia đình bạn có một số vấn đề cần giải quyết nhưng không thành viên nào trong gia đình muốn đề cập. Họp mặt gia đình hằng tuần sẽ giúp loại bỏ áp lực và phức tạp của vấn đề. Ngoài việc thông qua các vấn đề thì những buổi tối gia đình có đông đủ mọi người là giải pháp tốt nhất giúp các thành viên có dịp trình bày bất cứ vấn đề gì đang gặp phải.
Bằng cách đem lại cơ hội đồng bộ hóa các ngày và sự kiện quan trọng của gia đình, họp gia đình còn giúp mỗi thành viên nắm bắt được điều đang xảy ra trong gia đình. Bên cạnh đó, họp mặt hằng tuần có thể giảm bớt đáng kể sự căng thẳng, điều đặc biệt thường gặp trong các gia đình hiện đại.
- Xem thêm: Gia đình là quan trọng
Một gia đình là nơi các thành viên cần gặp gỡ và cùng nhau gắn kết. Việc dành thời gian mỗi tuần để nói chuyện, lên kế hoạch và vui vẻ bên nhau như một gia đình thực thụ sẽ giúp xây dựng một nền tảng bền vững của tinh thần đoàn kết, vượt qua những thử thách trong cuộc sống.
Một điều đáng ngạc nhiên là ích lợi của họp mặt gia đình có thể tăng đáng kể đặc biệt nhờ vào vai trò của người nhiều tuổi nhất trong gia đình, thường là người đàn ông, người cha. Người cha không chỉ tạo gần gũi với gia đình mà còn đem lại cảm giác tự tin và vững chãi. Nhiều người đàn ông muốn là trụ cột trong nhà nhưng đôi khi thiếu tự tin và những cuộc họp mặt gia đình cho phép họ thể hiện tài lãnh đạo này theo một cách cụ thể và hữu hình hơn.
Văn hóa gia đình tốt không tự nhiên có, mà phải do chúng ta không ngừng tạo ra. Những cuộc họp mặt gia đình là cách hiệu quả để củng cố văn hóa và các giá trị gia đình, đem lại cơ hội thường xuyên để đưa ra các nguyên tắc sống muốn truyền đạt cho con cái cũng như bàn luận về cách vận dụng chúng trong thực tế cuộc sống.
Tham gia những cuộc họp gia đình thường xuyên, bọn trẻ sẽ lĩnh hội được các kỹ năng sống quan trọng như cách giải quyết vấn đề, lên kế hoạch, giải quyết mâu thuẫn và trao đổi thông tin. Ngoài việc giúp con cái phát triển các kỹ năng mềm, cha mẹ cũng có thể dành ra những buổi tối để hướng dẫn bọn trẻ kỹ năng đặc biệt khác như cách quản lý ngân sách gia đình, bảo quản xe cộ…
Để lên kế hoạch và thực hiện một cuộc họp gia đình, có thể chọn cách theo hoặc không theo nghi thức. Nên chọn cách phù hợp với gia đình bạn để có kết quả tốt nhất. Nhiều người vợ thích để chồng mình thể hiện vai trò lãnh đạo trong nhà.
Thông thường, những người vợ, người mẹ phụ trách các phần chi tiết khác lúc ở nhà và nơi làm việc, vì họ muốn người đàn ông cảm thấy thoải mái khi nắm quyền trong nhà. Đây cũng là điều không thể thiếu trong việc lên kế hoạch và thực hiện một cuộc họp gia đình.
- Xem thêm: 8 thói quen của gia đình hạnh phúc
Tốt nhất là họp mỗi tuần, chọn thời gian phù hợp để không ảnh hưởng đến lịch làm việc của bất cứ thành viên nào trong nhà. Một số gia đình tổ chức vào tối Chủ nhật, trong khi gia đình khác vào trưa thứ Bảy.
Để mở đầu cuộc họp, cần có một nghi thức riêng, bắt đầu bằng một bài hát chẳng hạn. Mỗi tuần, dành từ 15-30 phút để nói chuyện hoặc bàn luận một đề tài quan trọng với gia đình. Tuy nhiên, không phải buổi họp nào cũng dành để lên kế hoạch hoặc giải quyết vấn đề, đôi khi có thể dành toàn bộ thời gian để mọi người cùng vui vẻ bên nhau.
Bởi sẽ có lúc chúng ta cần dành toàn bộ cuộc họp để giải quyết các vấn đề và vô tình bỏ quên những niềm vui. Tốt nhất là linh hoạt và thích ứng trong mỗi tình huống cần thiết. Sau cùng, đừng biến những cuộc họp gia đình thành chỉ có một người độc thoại. Cố gắng để mọi người được đóng góp ý kiến càng nhiều càng tốt. Khi thảo luận vấn đề, chắc chắn rằng mọi người đều có tiếng nói riêng của mình.