Hàng loạt ngôi sao như Công Phượng, Xuân Trường, Văn Thanh, Tuấn Anh… đã kiếm được khá nhiều tiền từ hợp đồng khai thác hình ảnh: quảng cáo, viết bài trên Facebook cá nhân, đi dự sự kiện… Tuy nhiên, việc này phải được đặt dưới sự quản lý của CLB.
Sau khi đội tuyển U-23 VN giành HCB U-23 châu Á, thủ môn Bùi Tiến Dũng trở thành “ngôi sao” bởi màn trình diễn xuất sắc của anh tại giải đấu. Facebook của Tiến Dũng từ chỗ không ai biết đến đã có 2,6 triệu người theo dõi.
CLB quản lý hình ảnh cầu thủ
Trang cá nhân của Công Phượng hiện đang có 1,9 triệu người theo dõi, Xuân Trường hơn 900.000 người, Văn Thanh 340.000 người, Hồng Duy 103.000 người… Những ngôi sao của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đang là những cầu thủ được quản lý hình ảnh chặt chẽ và quy củ nhất làng bóng đá hiện nay.
Ông Nguyễn Tấn Anh – trưởng đoàn bóng đá HAGL – cho biết CLB là người quản lý hình ảnh của tất cả cầu thủ đội bóng. Do các cầu thủ đang ký hợp đồng đào tạo, thi đấu cho HAGL nên CLB là người có quyền trong các vấn đề liên quan đến chuyên môn, hình ảnh của họ. Đây cũng là cách để giúp cầu thủ tập trung chuyên môn cho thi đấu và giữ gìn hình ảnh tốt nhất.
Ông Tấn Anh cho biết: “Cầu thủ và CLB có sự thống nhất với nhau về cách làm, sự kiện nào do cầu thủ được làm còn sự kiện nào do CLB quyết. Ví dụ như khi tham dự các sự kiện, quay quảng cáo… CLB là người sẽ quyết định cầu thủ có quyền được dự sự kiện này hay không, quảng cáo cho sản phẩm này có phù hợp không.
Toàn bộ Facebook cá nhân, fanpage chính thức của cầu thủ cũng do CLB quản lý. Nếu cầu thủ nào có người đại diện thì người đại diện đó cũng phải được sự đồng ý của CLB. Cầu thủ không tự nhiên nổi tiếng, họ được tuyển chọn, đào tạo từ CLB mà nên. Hình ảnh hôm nay của họ tốt đẹp, được mọi người yêu mến không phải do một mình cầu thủ làm nên mà là sự nỗ lực của lãnh đạo, HLV, đồng đội của họ chứ không tự nhiên mà có.
Nguồn thu từ các hợp đồng quảng cáo của các cầu thủ thì cả CLB và cầu thủ đều được hưởng. Khi làm vậy chúng tôi nói với cầu thủ là tiền thu được từ khai thác hình ảnh của các em không phải bỏ vào túi của ai mà trở về túi của CLB, tiền này sẽ dành để đào tạo các VĐV trẻ kế cận, nên họ rất vui. Những năm gần đây Công Phượng, Tuấn Anh, Hồng Duy, Xuân Trường… có đóng góp rất nhiều cho CLB từ nguồn thu từ các hợp đồng quảng cáo của các em”.
Bùi Tiến Dũng vướng xìcăngđan vì… thiếu hiểu biết?
Ngày 1-2, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đá FLC Thanh Hóa Nguyễn Trọng Hoài đã yêu cầu thủ môn Bùi Tiến Dũng không được phép tự ý kinh doanh hình ảnh cá nhân của anh mà phải thông qua CLB chủ quản là FLC Thanh Hóa. Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp ký hợp đồng hay có ý định mời Bùi Tiến Dũng tham gia hợp đồng quảng cáo phải làm việc với CLB vì Tiến Dũng là cầu thủ do Thanh Hóa quản lý.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoài nói: “Tiến Dũng sinh năm 1995, năm nay 23 tuổi nên vẫn nằm trong giai đoạn đào tạo trẻ của CLB. Theo hợp đồng của Tiến Dũng ký với CLB FLC Thanh Hóa, cầu thủ được phép tham gia các hợp đồng quảng cáo nhưng phải được sự đồng ý bằng văn bản của CLB.
Tuy nhiên hầu hết các cầu thủ đều không đọc hợp đồng, thiếu hiểu biết nên để người ta lợi dụng. CLB chúng tôi luôn sẵn sàng tạo điều kiện để cầu thủ được tham gia các hợp đồng quảng cáo phù hợp, không ảnh hưởng đến chuyên môn và có thêm nguồn thu. Tiến Dũng do thiếu hiểu biết nên vô tình đã trở thành nạn nhân của việc này”.
Trước đó từ ngày 31-1, trên mạng xã hội đã lan truyền bảng báo giá của một công ty truyền thông liên quan đến việc kinh doanh hình ảnh của thủ môn Bùi Tiến Dũng. Theo công ty này, Bùi Tiến Dũng đã ký hợp đồng bảo trợ thương hiệu với họ.
Công ty này đưa ra mức giá gửi đến các đơn vị có nhu cầu quảng bá thương hiệu thông qua hình ảnh thủ thành Tiến Dũng. Bảng báo giá được tính bằng USD, cụ thể như sau: tham dự sự kiện giá 10.000 USD, đăng quảng cáo trên Facebook cá nhân có giá hơn 2.500 USD, livestream 5.000 USD, check-in địa điểm 5.000 USD, chụp ảnh 10.000 USD. Nếu Bùi Tiến Dũng trở thành gương mặt đại diện độc quyền cho một ngành hàng trong vòng 1 năm sẽ có mức giá 123.750 USD.
Trong thông cáo báo chí ngày 1-2, CLB FLC Thanh Hóa khẳng định: “FLC Thanh Hóa, với tư cách là cơ quan chủ quản của thủ môn Bùi Tiến Dũng, xin khẳng định một cách chính thức: Mọi hoạt động liên quan đến việc khai thác và sử dụng hình ảnh của các cầu thủ FLC Thanh Hóa – trong đó có thủ môn Bùi Tiến Dũng – đều do CLB quản lý. Cầu thủ FLC Thanh Hóa chỉ được quảng cáo cho những đối tác có được sự đồng ý bằng văn bản của CLB”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo một CLB tại V-League và là cựu danh thủ nổi tiếng cho biết Bùi Tiến Dũng hay bất cứ cầu thủ nào đều phải tuân thủ hợp đồng với CLB chủ quản. Việc khai thác hình ảnh cầu thủ phải được sự đồng ý bằng văn bản của CLB và chia thù lao theo hợp đồng mà cầu thủ và CLB đã thống nhất. Tiến Dũng là cầu thủ đang còn trong giai đoạn đào tạo trẻ của Thanh Hóa nên không có gì phải bàn cãi về quy định này.
VĐV không nên tự ký hợp đồng quảng cáo
Từng được nhiều doanh nghiệp, cá nhân mời tham gia quảng cáo, xuất hiện tại các sự kiện sau khi đoạt HCV Olympic 2016, trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 1-2, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh nói: “Theo tôi, VĐV không nên tự đứng ra ký hợp đồng quảng cáo bởi VĐV, nhất là những VĐV trẻ chưa có kinh nghiệm, thiếu hiểu biết về pháp luật nên nhất thiết phải có một người đại diện – tốt nhất là luật sư – đứng ra làm việc này. Nếu VĐV đang thuộc quản lý của CLB thì CLB có thể đứng ra làm đại diện. Sau khi tôi giành HCV Olympic, chị Nguyễn Thị Nhung – tổng thư ký Liên đoàn Bắn súng VN – và các cá nhân khác đã hỗ trợ tôi trong việc này nên tôi chưa bao giờ trực tiếp ký hợp đồng quảng cáo với doanh nghiệp”.
- Theo TTO