Mặc dù trong vài năm gần đây, Hongkong đã mất đi vị trí quan trọng trong thị trường tiêu thụ hàng thời trang cao cấp của châu Á, nhưng về mặt đấu giá, nhất là đấu giá đồ trang sức thì thành phố này vẫn đứng ngang hàng với Geneva và chỉ sau New York.
Ở phiên đấu giá mùa xuân 2017 của Sotheby’s tại Hongkong, chiếc nhẫn kim cương hồng 59,6 carat “The Pink Star” đã lập kỷ lục về giá với 553 triệu HKD (khoảng 70,9 triệu USD). Một kiệt tác trang sức khác là chiếc nhẫn Ratnaraj Ruby với viên đá ruby 10,5 carat được khai thác ở thung lũng Mogok (thuộc Myanmar) được bán với giá 78,9 triệu HKD (khoảng 10,1 triệu USD) tại phiên đấu giá của Christie vào mùa thu năm ngoái – mức giá cao nhất từ trước đến nay. Cũng cùng thời điểm, tại phiên đấu giá của Poly Auction, một kỷ lục về giá được thiết lập cho một cặp kim cương nước D 30 carat với giá 82,6 triệu HKD (khoảng 10,5 triệu USD).
Điều gì làm cho các phiên đấu giá tại Hongkong trở nên sôi động như vậy, nhất là khi những món đồ trang sức trị giá bằng cả gia tài? Câu trả lời nằm ở mức cầu cao của tầng lớp siêu giàu với nguồn tài chính vững tại Trung Quốc. Nhu cầu mua bán trang sức và nghệ thuật tại thị trường Hongkong cao đến nỗi các nhà đấu giá quốc tế tại Trung Quốc và cả thế giới như Poly Auction, Tiencheng, China Guardian, Christie’s, Sotheby’s và Bonham đều lần lượt đặt trụ sở tại đặc khu này.
Một số người mua trang sức không chỉ để đơn giản là sở hữu một món đồ đắt tiền để khẳng định địa vị, mà xem đó là một mô hình đầu tư tiền của, giống như đầu tư bất động sản và cổ phiếu. Có thể nói, các phiên đấu giá tại Hongkong đang trở thành những sự kiện vô cùng nhộn nhịp và độc đáo vì người ta có thể công khai mua và bán những “bảo vật” với mức giá cao khó lường. Có một điểm cần lưu ý là cũng giống như nghệ thuật và cổ vật, đồ trang sức hầu như không bị rớt giá, mà thường có giá cao hơn sau mỗi lần đấu giá công khai.
Nhu cầu từ thị trường Trung Quốc không phải là lý do duy nhất để thị trường đấu giá đồ trang sức tại Hongkong nhộn nhịp. Các nhà đấu giá biết lập ra nhiều kế hoạch để kích thích nguồn cầu tiềm năng. Nhà đấu giá Christie’s chủ động đến thăm viếng, tạo mối quan hệ trước với các khách hàng mới, trong khi Sotheby’s mở rộng thị trường đấu giá online qua các mạng xã hội Weibo hay WeChat. Năm 2016, doanh thu từ thị trường online đạt 155 triệu USD, cao hơn năm trước đến 20%. Trong phiên đấu giá mùa xuân này, Sotheby’s còn cho ra mắt mô hình đấu giá trực tiếp trên Weibo với mục đích để các buổi đấu giá được tiếp cận với đông đảo người tiêu dùng hơn.
Việc Trung Quốc là miếng bánh lớn mà các thương hiệu xa xỉ nước ngoài muốn có phần đã không còn là điều mới mẻ. Tình hình nhộn nhịp tại các phiên đấu giá cao cấp cho thấy một sự thay đổi rõ rệt trong gu thưởng lãm của tầng lớp giàu có tại Trung Quốc, trước kia vốn bị chỉ trích là “Trưởng giả học làm sang”. Còn gì hấp dẫn hơn khi người mua vừa không tiếc tiền, lại vừa biết trân trọng giá trị của món đồ đắt giá?
- Hoàng Lê