Bất cứ ai có con cái đều mong ước con mình có một tương lai tốt đẹp. Dù không to tát thành “ông nọ bà kia” thì chí ít cũng mong con nên người.
Như thế, kỳ vọng ở con cái không có điều gì sai hay khiến gây áp lực cho con cả. Tất nhiên, ở đây chỉ nói về các trường hợp cha mẹ biết rõ con mình và kỳ vọng trong khả năng của con.
Nhiều cha mẹ hiểu rằng, con cái là ân sủng trời ban. Sinh ra một đứa con lành lặn, nuôi nấng, dạy dỗ con nên người đó là phước rồi. Nhiều người còn khẳng định, con lớn lên, ra đời, có công ăn việc làm ổn định, sống lương thiện là quá tốt, không mong gì hơn. Nghe thì đơn giản nhưng để đi trọn một con đường nuôi con từ chào đời cho đến khi con có cuộc sống đôi lứa bình an không dễ dàng. Đặt kỳ vọng vào con cái quá lớn đôi khi lại thấy mình thất bại. Từ đó gây áp lực khiến cuộc sống cha mẹ và con cái không hạnh phúc.
Con gái chị này từ nhỏ vốn là một học sinh giỏi toàn diện. Lớp 10, thi đậu vào trường chuyên lớn nhất thành phố, trong lớp luôn thuộc Top 10. Để đạt được điều đó, không chỉ riêng năng lực của cô, mà còn sự nỗ lực và hỗ trợ của cha mẹ rất nhiều trong việc đồng hành trường lớp cùng con.
Từ kỳ vọng của thầy cô giáo, cha mẹ và nguyện vọng của học sinh, những em học giỏi của lớp đều đăng ký thi vào các đại học hàng đầu. Năm đó, lớp chỉ có một em đậu thủ khoa Đại học Y dược, ba em đậu nguyện vọng 1. “Học tài thi phận” đúng trong trường hợp này cộng thêm yếu tố rủi may. Có em chỉ thiếu nửa điểm cũng đành ngậm ngùi cân nhắc nguyện vọng 2. Thật ra, với điểm số đó, các em dư sức vào một trường đại học hạng khá (nguyện vọng 1). Tuy nhiên, đã không trúng tuyển nguyện vọng 1 rồi, phải tính cho kỹ để không bị rớt nguyện vọng 2.
Con gái của chị chỉ thiếu có nửa điểm để vào Y dược. Cha mẹ động viên ở nhà học sang năm thi lại nhưng cô không chịu, nộp hồ sơ nguyện vọng 2 vào một trường đại học tư, ngành công nghệ thông tin. Chị rất thất vọng với đứa con gái học giỏi là niềm hy vọng và hãnh diện của gia đình, nhưng đành chịu thua.
Tốt nghiệp đại học, cô ra trường đi làm. Tuy có chuyên môn và ngoại ngữ giỏi nhưng chỉ mới ba năm mà cô chuyển đến bốn cơ quan. Lý do là mâu thuẫn với sếp, không chịu được cách làm việc cũ và bảo thủ. Chị này than thở, không biết cô con gái trụ lại nơi mới nhất này bao lâu!
Đã vậy, chị còn buồn hơn khi con gái quyết định lập gia đình với bạn trai, làm kỹ thuật viên một công ty cũ, tốt nghiệp cao đẳng. Chị tâm sự, không phải chị chê chàng rể, nhưng sợ về lâu dài, trình độ chênh lệch như vậy khó hạnh phúc. Và thâm tâm chị cũng muốn con mình học lên nữa, chị nghĩ con gái còn sức bật để đi tiếp con đường học vấn.
Tuy nhiên, khi chị bày tỏ ý kiến của mình thì gặp ngay phản ứng của con gái, cô nói muốn lập gia đình, ổn định, sinh con. Cô thấy chưa cần thiết để tiếp tục việc học.
Nghĩ đến quá trình nuôi dạy con chăm bẵm miếng ăn, giấc ngủ, đưa đón đi học thêm, chính khóa, không ngại nắng mưa, sớm tối, chị cảm thấy buồn. Con vào trường chuyên, luôn giữ hàng “top” trong ba năm với biết bao kỳ vọng của cha mẹ. Giờ đây, nhìn con gái an phận quá, chị không hài lòng, nhất là khi bạn bè trong lớp con gái, số thành đạt và đang tiếp tục vươn lên khá nhiều, chị càng buồn hơn.
Không thể trách chị này khi kỳ vọng của chị là chính đáng và có cơ sở, chị muốn con gái có động lực vươn lên trên nền tảng có sẵn. Còn nữa, đó là sự lo lắng. Bằng kinh nghiệm, chị nghĩ, chắc gì con gái đã an phận và bằng lòng như vầy khi vài năm sau, xã hội buộc con người phải cuốn theo cái guồng chuyển động mới, năng động, tích cực.
Mới thấy, kỳ vọng là chính đáng nhưng đôi lúc khiến con người chẳng bao giờ hạnh phúc trong bối cảnh xã hội luôn thay đổi, biến động, cơ hội cũng nhiều và thách thức cũng lắm.
Tuy nhiên cũng có người quan niệm theo kiểu biết đủ, hiểu đời, từng trải, thì “bôn ba không qua thời vận”, tới đâu hay tới đó, miễn sao con người sống hạnh phúc.